11:01, 19/01/2021

Nha Trang một thoáng xuân thì

Hồn quê, hương vị của mọi miền đất bao giờ cũng hiện hữu qua hình ảnh của phiên chợ Tết. Nha Trang cũng thế. Chợ Đầm khi còn là một đầm nước bao la bên dòng sông Cái ngập tràn hoa lau thì nơi đây chính là phiên chợ với trên bến dưới thuyền.

Hồn quê, hương vị của mọi miền đất bao giờ cũng hiện hữu qua hình ảnh của phiên chợ Tết. Nha Trang cũng thế. Chợ Đầm khi còn là một đầm nước bao la bên dòng sông Cái ngập tràn hoa lau thì nơi đây chính là phiên chợ với trên bến dưới thuyền. Trong tác phẩm “Xứ Trầm Hương”, nhà thơ Quách Tấn kể lại rằng, đầm nước gọi là Đầm Cù, có nghĩa là con rùa, vì đầm nước giống như con rùa bơi từ sông Cái vào đất này vùng vẫy hóa thành đầm. Tuy nhiên, người dân bản địa thích gọi là đầm Én vì quanh năm lúc nào nơi đây cũng dạt dào chim én. Đầm nước có 12 bến nước chính là 12 bến chợ được bày bán đủ loại nông sản, thực phẩm, vật liệu, nơi tập kết cho các thương lái từ biển vào, từ trên ngàn - Thành cổ Diên Khánh xuống để bán buôn. Từ đây, quanh đầm xuất hiện nhiều dãy phố bán buôn sơ khai, sau thành đường sầm uất như: Xương Huân, Bến Chợ, Phan Bội Châu, Lê Lợi, Sinh Trung… Chợ Đầm hay trước đó là đầm Én thực sự là một ngôi chợ điển hình của thời làng Việt miền sông nước đầu thế kỷ XX khi đô thị Nha Trang vừa hình thành. Không phải ngẫu nhiên xung quanh đầm nước ngày nay còn rất nhiều di tích cổ thuộc phường Xương Huân và Vạn Thạnh với miếu mạo, đình đền, lăng ông. Có thể nói Xương Huân chính là nền đất chứa đựng văn hóa sâu đậm nhất của Nha Trang thuở đầu lập phố.

 

Ảnh: G.C

Ảnh: G.C


Trở lại với chợ Đầm được xây dựng vào đầu thập niên 1970 với biểu tượng cánh sen giữa đầm nước - đây thực sự là công trình vừa hiện đại vừa mang nét cổ truyền của một miền đất. Từ khi được sử dụng, đặc biệt là sau giải phóng, chợ Đầm đúng nghĩa là chợ Tết của người dân  Nha Trang và Khánh Hòa. Thập niên 80, 90, những dịp Tết đến xuân về, chợ Đầm là trung tâm mua sắm, vui chơi cho tất cả mọi người suốt từ đầu tháng Chạp đến sáng 30 Tết.


Bạn có nghĩ Nha Trang chưa xa có làng hoa không? Có đấy. Nếu nói về xa xưa thì có rừng mai nổi tiếng ở dãy núi Cù Hin giáp Đồng Bò, nếu xa nữa có làng mai Phước Hải từ Đồng Bò chạy tới dọc đường Lê Hồng Phong hôm nay. Nhưng tôi muốn nhắc đến một làng hoa nổi tiếng một thời ở đường Đồng Nai với địa danh Hương Điền. Thập niên 80, làng mai Hương Điền - một góc đất không lớn nhưng hương vị xuân thì dạt dào đầy cảm xúc. Cứ dịp Tết, các nhà ở đây đều làm chậu, đan sọt đổ đất trồng cúc vàng, mãn đình hồng, thược dược, cẩm chướng, sống đời… Nói làng hoa vì cả vùng ngát màu hoa Tết. Từ đây, hoa được chở tới chợ Đầm, phía trước cổng chợ để bày bán. Cũng cần nhắc đến làng hoa mai Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh ngoại ô Nha Trang và làng Thành cổ Diên Khánh, những dịp Tết đến, hoa đua nhau cắt cành trưng tràn ngập hai bên đường Phan Bội Châu, Sinh Trung tới cổng chợ Đầm. Đó chính là hương vị Tết, màu xuân sang của Nha Trang xưa vẫn lưu giữ trong tâm hồn bao người.


Chúng ta cũng cần nói về những ngôi nhà ở Nha Trang ngày xưa. Ngoài ở phố buôn bán của người Hoa như Phan Bội Châu, Thống Nhất, Trần Quý Cáp, Sinh Trung, Lê Lợi thì hầu như nhà nào cũng có kiến trúc vườn, tức nhà nhỏ lùi để một khoảnh sân nhỏ trồng đôi chậu hoa, bờ rào xanh trước sân trồng đôi cây mai núi hay tứ quý để Tết đến có bóng mai vàng cho mái nhà thêm ấm áp.


Có thể tất cả đang phai nhạt như cánh hoa, nhưng những gì trong ký ức đang hiện hữu mong manh cũng thật quý giá, vì đó là màu thời gian.


Dương Trang Hương