04:08, 29/08/2020

Vu Lan

Nhớ về một rằm tháng Bảy đã rất xa, cả nhà lên chùa. Lần đầu tiên anh cài lên ngực mình một bông hồng trắng, con gái nhỏ mới 4 tuổi lăn ra không chịu, đòi ba phải cài hoa hồng đỏ như cả nhà cho đẹp. Ôm con vào lòng, cố nghĩ ra một lời giải thích mà nước mắt lén rơi lên mái tóc mềm non nớt…

Nhớ về một rằm tháng Bảy đã rất xa, cả nhà lên chùa. Lần đầu tiên anh cài lên ngực mình một bông hồng trắng, con gái nhỏ mới 4 tuổi lăn ra không chịu, đòi ba phải cài hoa hồng đỏ như cả nhà cho đẹp. Ôm con vào lòng, cố nghĩ ra một lời giải thích mà nước mắt lén rơi lên mái tóc mềm non nớt…

 


Nhớ lại cái ngày ấy, chỉ cần thấy mùi ngọc lan thoảng qua lòng đã thấy rưng rưng. Vẫn ngôi chùa nhỏ ấm cúng ấy, sân chùa có chiếc ghế đá dưới gốc ngọc lan già. Chiều cuối tuần anh vẫn đưa mẹ về chơi với sư bà. Hai người rủ rỉ với nhau những chuyện gì, anh không biết, chỉ biết rằng sau những chiều như thế, mẹ như được tiếp thêm nguồn sinh lực mới, mắt như sáng hơn, an nhiên tự tại hơn.


Cũng có buổi chiều tới chùa, sư bà bận việc. Hai mẹ con thanh thản góc sân chùa trong thoảng hương ngọc lan. Mẹ rủ rỉ kể lại những khúc nhôi cuộc đời, từ khi là cô bé con vùng chiêm trũng mà theo thời cuộc lên tới vùng đất đồi này. Suốt cuộc đời mấy chục năm, toàn thấy kỷ niệm buồn, chưa thấy mẹ kể về một ngày sung sướng như thế nào. Có lẽ suốt dòng chảy cuộc đời của mẹ chỉ là chuỗi ngày vật lộn mưu sinh, một tay nuôi đàn con như trứng gà, trứng vịt nên chỉ lưu lại những thiếu thốn, những cay đắng trong ký ức. Nghe bao lần, anh đã thuộc từng chi tiết, nhưng vẫn thích nghe mẹ nói. Có lần nghe xong, anh nhìn sững vào mẹ, không thể hình dung bà cụ bé nhỏ trước mặt lấy đâu ra sức vóc, nghị lực để vượt qua những chất chồng như thế? Khi nghe tin mẹ mất, sư bà tự mình tới nhà làm lễ. Khi làm lễ xong, bà lặng im rất lâu, đến lúc ra về bà chỉ khẽ nói với anh: Mẹ con rất thanh thản, bà là người tâm Phật.


Nhớ một chiều cuối tuần anh lên chùa một mình, ngồi trên chiếc ghế xưa. Cảnh chùa vẫn thế nhưng người đã đi xa. Dưới bóng cây ngọc lan, đọc lại đoản văn Bông hồng cài áo của thiền sư Thích Nhất Hạnh để ngẫm nghĩ suy tư: “Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không lớn lên được. Cằn cỗi, héo mòn”.


Có một mùa Vu Lan anh phải chăm người thân trong bệnh viện. Vô tình gặp người bạn vốn thường ngày rất sang chảnh, nay mặt không trang điểm, tóc bới cao, mắt thâm quầng, tay xách nách mang đồ ăn đi chăm mẹ. Bạn vẫn tươi cười: “Vô tới đây, mẹ trụ được ngày nào là mình lời ngày đó, vẫn động viên mẹ ráng lên”. Mẹ bạn đã kiên trì mấy tháng trời trong phòng hồi sức cấp cứu. Để rồi có một ngày nghe bạn điện thoại, giọng vỡ òa: Thôi, có muốn cũng chẳng còn được vất vả chăm sóc mẹ nữa rồi bạn ơi…


Vẫn biết cuộc sống vô thường, hữu sinh hữu diệt, nhưng lòng vẫn thấy bâng khuâng. Ngoài kia thoảng đâu câu hát “Một bông hồng cho em, một bông hồng cho anh, và một bông hồng cho những ai đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn…”.


Thủy Ngân