11:08, 21/08/2020

Mùa thu của ước mơ… (*)

Cũng như mọi năm, mùa thu này, tôi lại đến thăm nhà thơ Giang Nam, một người con của xứ sở, một chứng nhân của mùa thu cách mạng. Để lắng nghe tiếng lòng của ông qua những lời tâm sự: "Điều tự hào nhất trong đời tôi khi tôi là một trong số đông người có mặt ngay trong ngày 19-8-1945 trên sân vận động Nha Trang, ngày Nha Trang - Khánh Hòa khởi nghĩa giành chính quyền cùng với Thủ đô Hà Nội. Sân vận động Nha Trang đã trở thành một di tích lịch sử đáng tự hào…".

Cũng như mọi năm, mùa thu này, tôi lại đến thăm nhà thơ Giang Nam, một người con của xứ sở, một chứng nhân của mùa thu cách mạng. Để lắng nghe tiếng lòng của ông qua những lời tâm sự: “Điều tự hào nhất trong đời tôi khi tôi là một trong số đông người có mặt ngay trong ngày 19-8-1945 trên sân vận động Nha Trang, ngày Nha Trang - Khánh Hòa khởi nghĩa giành chính quyền cùng với Thủ đô Hà Nội. Sân vận động Nha Trang đã trở thành một di tích lịch sử đáng tự hào…”. 

 

Ảnh: G.C

Ảnh: G.C


Tự hào vì sự có mặt trong những ngày đầu thu năm ấy, được chứng kiến hào khí cách mạng của toàn dân đứng lên giành độc lập dân tộc mà người thanh niên ngày ấy đã quyết tâm một lòng theo Đảng đấu tranh vì non sông thống nhất, và trở thành nhà thơ cách mạng Việt Nam với bài thơ “Quê hương” theo tháng năm đồng hành cùng dân tộc. Qua 75 năm thăng trầm cùng sự phát triển của đất nước, nhà thơ Giang Nam chắt lọc cảm xúc của mình từ 4 mùa trong năm và ông đã chọn: Mùa thu là mùa đẹp nhất!


Theo dòng tâm sự của ông, tôi đã nhắc đến ca khúc “Nha Trang mùa thu lại về” và nhạc sĩ Văn Ký, người cùng thời với ông. Thật cảm động khi chúng tôi cùng nghe lại đoạn ghi âm những chia sẻ của nhạc sĩ trên sóng VTV trong chương trình Giai điệu tự hào tháng 9-2016 với chủ đề “Biển đảo”. Nhạc sĩ Văn Ký đã kể lại hành trình thai nghén và ra đời ca khúc rằng: 30 năm sau ngày độc lập, ông đã “theo nhịp bước của đoàn quân chiến thắng” đi dọc dải đất miền Trung. Khi đến Nha Trang, vẻ thơ mộng, thanh bình của thành phố biển đã khiến ông đắm say và dâng trào cảm xúc. Ông đã hát lên “Ơi Nha Trang mùa thu lại về”... Ấn tượng đó theo mãi đến năm 1977 thì được thăng hoa, kết tinh thành ca khúc Nha Trang mùa thu lại về. Nhạc sĩ cũng đã bày tỏ cùng khán thính giả: “Tôi mượn Nha Trang để nói lên một giai đoạn mới của cuộc đời, của cách mạng. Ở đây cái riêng đã hòa vào cái chung, trái tim của tôi đã rung lên cùng với cuộc đời, với đất nước… Đến tận bây giờ, dù tôi đã ở tuổi 90 nhưng hình ảnh bờ biển êm đềm xanh thẳm của Nha Trang lần đầu tôi bắt gặp vẫn còn in đậm trong tâm trí. Mỗi lần nhớ về nó, tôi đều cười thầm một mình và tự hào rằng đất nước mình tươi đẹp quá. Thực ra Nha Trang mùa thu lại về là một mùa thu không của riêng Nha Trang, mà là của cả đất nước, một mùa thu đã làm thay đổi số phận của cả một dân tộc… Mùa thu của ước mơ…”. Ca khúc đã nhanh chóng lan tỏa và thẩm thấu vào lòng khán, thính giả cả nước. Một ca khúc chỉ cần nghe thôi ai cũng hình dung ra bức tranh về một thành phố biển xanh cát trắng hiền hòa nhưng cũng rất kiêu hùng.


Bằng tinh thần từ mùa thu cách mạng năm nào, Nha Trang đang tiếp tục kiên trì vượt qua mọi khó khăn, thách thức hôm nay, quyết tâm phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, xây dựng thành phố trở thành một đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, phát triển tương xứng tầm vóc của đô thị loại 1, góp phần cùng với toàn tỉnh sớm đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng như định hướng đã đề ra. Và người dân Khánh Hòa lại tự hào cùng nhau cất cao tiếng hát “Ơi Nha Trang mùa thu lại về… Ôi mùa thu của ước mơ…”.  

 
Vũ Nguyên



 (*): Lời trong ca khúc “Nha Trang mùa thu lại về” của nhạc sĩ Văn Ký.