11:05, 08/05/2020

Quán hai cây dừa

Ông cố ngủ đi! Người đàn bà khẽ thầm thì và hơi cúi xuống khi nói câu ấy. Ngả bên chiếc ghế cạnh bà là người đàn ông với mái tóc bạc phơ xòa trên vầng trán cao. Mở mắt và cảm nhận được ánh nhìn khích lệ của bà, ông khẽ khép mắt lại. Ngoài kia, biển vẫn rầm rì như phụ họa cùng bàn tay xoa nhẹ của bà. 

- Ông cố ngủ đi!


Người đàn bà khẽ thầm thì và hơi cúi xuống khi nói câu ấy. Ngả bên chiếc ghế cạnh bà là người đàn ông với mái tóc bạc phơ xòa trên vầng trán cao. Mở mắt và cảm nhận được ánh nhìn khích lệ của bà, ông khẽ khép mắt lại. Ngoài kia, biển vẫn rầm rì như phụ họa cùng bàn tay xoa nhẹ của bà. Giấc ngủ sâu hiếm hoi với lứa tuổi 80 nhẹ nhàng đến với ông.


Lặng trong bóng cây dừa bên bờ biển, tôi dõi theo họ. Bất giác tôi thở dài và nghĩ tới chuyện của mình. Thi chưa bao giờ mất ngủ. Đêm nào, anh cũng ngủ từ hơn 8 giờ tối và giấc ngủ đến với anh thật dễ. Chỉ cần nằm xuống, sau đó vài phút là đã thấy anh ngáy pho pho. Tôi đã hỏi người quen, rồi đọc báo, tham khảo mọi bài thuốc mà vẫn không loại trừ được chứng ngáy ngủ của anh. Thế là đêm đêm, khi tôi khổ sở vì không ngủ được thì chồng tôi vẫn ngáy khò khò bên cạnh. Nếu tôi đánh thức, anh sẽ mở to đôi mắt nhìn tôi như muốn hỏi: “Cái gì vậy?” rồi lại ngủ ngon lành.


Chuyện ngủ là vậy. Còn mọi thứ khác thì cuộc sống của vợ chồng tôi bình lặng trôi qua. Tháng tháng, anh đưa lương về cho tôi gần hết, còn dằn lại trong ví một ít tiêu riêng. Anh cũng không đưa mẹ con tôi đi chơi hay đi ăn tiệm bao giờ. Đi làm về, anh ăn cơm rồi xem thời sự, sau đó đi ngủ. Chuyện vui, buồn gì của tôi, anh cũng không bao giờ hỏi đến.


Vậy nên nhìn hai ông bà, hai vị khách quen của khách sạn, tôi tò mò cũng là điều dễ hiểu. Họ đến đây đều đặn mỗi năm vào tháng 6 và luôn chọn khách sạn của nhà chồng tôi để ở. Hai người hay ngồi bên bờ biển, chỗ có hàng dừa vẫn reo vui dào dạt mỗi khi những làn gió từ biển thổi vào. Nếu biển động hay trời mưa thì hai ông bà hay chọn một bàn nơi nhìn ra phía biển và lặng lẽ ngồi uống cà phê. Thoạt tiên, tôi chỉ nghĩ chắc tại quán tôi ở gần chỗ đẹp nhất của bờ biển này, nhưng sau lần thấy ông hỏi về quán Hai Cây Dừa từ thời 1975 thì tôi lờ mờ đoán, hình như ông bà có mối quan hệ với ai đó là chủ quán Hai Cây Dừa mà vô tình quán tôi cũng có hai cây dừa to, tỏa bóng mát chăng? Tôi càng tò mò hơn khi thấy cung cách họ đối xử với nhau. Kinh nghiệm của bản thân khiến tôi thấy họ không phải vợ chồng, nhưng họ cũng không có cái vẻ của những cặp tình nhân hay đến nơi đây. Họ đối với nhau đầy vẻ thân mật mà vẫn tôn kính khiến tôi nghĩ hình như họ là bạn tâm giao, bạn cũ, cố nhân hay gì gì đó.


Nắng đã nhạt, và gió càng mạnh lên. Hình như có hơi nước phả từ đám mây mòng mọng từ ngoài biển thổi vào. Tôi lấy chiếc mền mỏng đưa cho bà. Bà đón lấy, vừa khẽ đắp cho ông vừa khẽ thì thầm:


- Ổng bị chứng khó ngủ cháu à. Ít khi ông ngủ được say như vậy lắm.


Đến ngồi bên tôi, nhưng thỉnh thoảng vẫn đưa mắt về phía ông, bà dịu dàng kể cho tôi nghe.


Tâm và Cường là đôi bạn lớn bên nhau từ nhỏ. Phố biển nên thơ này đã từng in dấu bao kỷ niệm của họ. Cha Cường là một quân nhân và ông cũng ít khi ở nhà. Tuổi thơ của Cường gắn với hình ảnh người mẹ nhỏ bé dịu dàng. Nhà Tâm có quán bán cà phê ven biển. Trước cửa có hai cây dừa vẫn thường đu đưa những tàu lá theo làn gió. Mỗi khi chiều về, lũ bạn ồn ào cùng lớp kéo đến ngồi chơi, mấy cô gái đem theo bịch mận, hay trái xoài xẻ ra chấm muối ớt vừa ăn vừa hít hà vì cay hay chí chóe giỡn nhau. Cũng chính ở dưới gốc dừa này, lần đầu tiên Cường nắm tay và ấp úng ngỏ lời yêu Tâm trong lần liên hoan chia tay lớp cuối. Học hết phổ thông thì đôi bạn phải chia tay nhau. Cường theo gia đình vào Sài Gòn. Năm 1975, anh đã cùng gia đình sang Mỹ. Từ năm 1968, do bị bể nợ nên gia đình Tâm cũng chuyển vào Sài Gòn kiếm sống. Ba mẹ của cô lần lượt ra đi. Một người họ hàng xa làm mai cho Tâm với một thợ điện. Rồi hai đứa con ra đời, người chồng sa vào cờ bạc và cuộc hôn nhân của bà chấm dứt sau sáu năm. Cuộc sống chật vật đã gần như khỏa lấp hết những kỷ niệm về thuở học trò cùng mối tình trẻ con năm xưa.


Năm đầu tiên bay về nước, phút gặp lại thành phố tuổi thơ, ông sững sờ khi cảnh vật đã thay đổi. Nhà cao tầng, biệt thự, khách sạn mọc lên san sát. Quán Hai Cây Dừa nay đã là một khu chung cư cao cấp. Ông hỏi thăm những người quen cũ nhưng chỉ biết gia đình bà đã vào Sài Gòn. May sao có người bạn cùng lớp ngày xưa cho ông địa chỉ. Bà sững người khi vào một ngày có một người đàn ông tóc muối tiêu, dáng phong trần đến bên cổng nhà và xưng tên. Câu chuyện giữa hai người chốc chốc lại bị ngắt quãng bởi những biến cố cuộc đời được nhắc lại cho nhau nghe. Hai con gái của bà đã có gia đình riêng. Còn ông thì cuộc sống vật chất cũng tạm đủ, chỉ có nhiều khi thấy buồn, nhất là những khi mùa đông tuyết phủ trắng khắp nơi. Hai con của ông cũng đã lớn, chúng sống cách ông mấy trăm kilômét, thỉnh thoảng cuối tuần về thăm ông, chúng nói tiếng Anh thạo hơn tiếng Việt… Sau mấy ngày gặp gỡ, đi thăm người quen ở Sài Gòn, họ cùng nhau bay ra thăm lại nơi đây. Đã được nghe ông nói trước, nên tuy không bất ngờ khi thấy phong cảnh đổi khác, và không thấy hai cây dừa chỗ nhà cũ, nhưng những kỷ niệm tuổi thơ cùng cha mẹ và bạn bè ùa về khiến bà nghẹn ngào. Ông khẽ nắm chặt tay bà như một lời chia sẻ thầm lặng. Phút giây ấy, họ thấy ngày xưa như đang sống lại. Tiếng hàng dừa reo vui trong gió, những con sóng ào ạt xô vào bờ rồi lại dạt ra xa… Cứ thế, hai người ở đây vài ngày rồi lại quay vào Sài Gòn: Bà ở lại, ông bay về bên trời Tây. Bao nhiêu năm nay vẫn vậy.


- Bà ơi! Giờ về nhà cũ không còn, bà có tiếc không ạ? Ngần ngừ mãi tôi mới dám hỏi bà.


- Không hẳn, con ạ. Khi đó phải bán để lo cho cuộc sống cả gia đình mà. Có tiếc là tiếc hai cây dừa, chúng còn nhiều tuổi hơn bà đó. Bà khẽ cười, tiếng cười thật trẻ trung so với lứa tuổi. Rồi bà dịu giọng:


- Lần này, ổng về để lo tìm một ngôi nhà, sau đó sẽ quay sang bên ấy để làm thủ tục hồi hương. Ổng muốn được sống những ngày cuối đời ở đây. Ổng nói đi đâu cũng không bằng ở quê hương mình. Ổng còn nói sẽ trồng hai cây dừa trước nhà nữa. Bà khẽ nói với tôi và lại trìu mến nhìn ông.


Một làn gió từ biển thổi vào dào dạt trên những tán lá dừa. Ánh mắt bà âu yếm, giọng nói khẽ dần, khẽ dần, rồi chìm vào trong âm thanh của gió và tiếng sóng biển rầm rì ngoài xa…


. Truyện ngắn của Bích Thiêm