Nhà báo - nhà văn Svetlana Alexievich (giải Nobel văn chương 2015) ghi dấu ấn với độc giả với tác phẩm "Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ". Ngược với tiêu đề của tác phẩm, trong gần 450 trang sách, Svetlana đã lần theo ký ức của các nữ cựu binh để làm rõ sự cống hiến cũng như những hy sinh, mất mát của họ trong cuộc chiến tranh vệ quốc ở thế chiến thứ 2 của Liên Xô (cũ).
Nhà báo - nhà văn Svetlana Alexievich (giải Nobel văn chương 2015) ghi dấu ấn với độc giả với tác phẩm “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”. Ngược với tiêu đề của tác phẩm, trong gần 450 trang sách, Svetlana đã lần theo ký ức của các nữ cựu binh để làm rõ sự cống hiến cũng như những hy sinh, mất mát của họ trong cuộc chiến tranh vệ quốc ở thế chiến thứ 2 của Liên Xô (cũ).
Trong nhiều năm, Svetlana đã đi khắp đất nước để gặp các nữ cựu binh, trò chuyện, lần tìm những điều ẩn khuất đằng sau những trang chính sử. Hay nói đúng hơn là “một lịch sử của những người phụ nữ” trong chiến tranh mà như bà bày tỏ ở phần mở đầu cuốn sách: “Tôi muốn biết cuộc chiến tranh của phụ nữ, không phải chiến tranh của đàn ông. Những phụ nữ ấy đã giữ những ký ức nào, họ kể gì? Chưa ai lắng nghe họ...”. Càng đặc biệt hơn, tác giả không kiếm tìm “những nữ anh hùng lừng danh và được tẩm hương”, thay vào đó là “những cô gái bình thường như hàng nghìn cô gái khác”. Hơn 500 cuộc trò chuyện được lưu giữ trong hàng trăm cuốn băng cassette để rồi cho ra đời một thiên sử chiến tranh mang đậm dấu ấn của những người phụ nữ!
Chiến tranh lan rộng, quân phát xít Đức đã đến ngoại ô Matxcơva. Cả đất nước Liên Xô cùng “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Nhiều cô bé mười sáu, mười bảy tuổi đã xung phong ra trận thay vì vào học nhạc viện, trở thành diễn viên múa như mơ ước. Và họ đã phải đối mặt với sự nghiệt ngã của chiến tranh, cắt tóc như con trai, mặc những bộ quân phục may cho đàn ông... Họ nhanh chóng vượt qua những thử thách đầu tiên ấy để trở thành người cáng thương, lái xe, chiến sĩ giao liên, xạ thủ bắn tỉa, chiến sĩ súng máy, khẩu đội trưởng phòng không, công binh... chiến đấu dũng cảm không thua kém gì nam giới.
Nhưng điều Svetlana muốn gửi đến độc giả, đến những người có lương tri chính là những nỗi đau, sự mất mát của người phụ nữ trong chiến tranh. Những cô gái măng non ấy không chỉ hy sinh sức khỏe, thanh xuân cho cuộc chiến mà họ còn hy sinh cả tính nữ. Có những cô gái 21 tuổi đầu tóc đã bạc trắng. Có những cái chết đau đớn chỉ vì muốn làm đẹp như chuyện một nữ xạ thủ cự phách, hạ hàng loạt địch, cuối cùng hy sinh chỉ vì cô quá yêu màu đỏ, luôn đội chiếc khăn màu đỏ trên đầu giữa nền tuyết trắng bất chấp việc dễ bị địch phát hiện!
Bằng cái nhìn sắc sảo, tư duy tổng hợp của một nhà báo, tác giả người Belarus dựng nên một khuôn mặt của chiến tranh qua góc nhìn nữ giới. Đặc biệt, có những đoạn hồi ức ngắn ngủi nhưng sắc lạnh, đã tố cáo tính phi nhân của chiến tranh. Chuyện một tổ điện báo bị địch bao vây, nữ điện báo viên đã dìm con mình xuống nước để bảo vệ đồng đội. Có nỗi đau nào hơn khi một người mẹ tự tay hủy diệt một sinh linh do mình tạo ra! Nhiều nữ xạ thủ đã run lẩy bẩy, òa khóc khi lần đầu nổ súng vào quân thù. “Căm thù phát xít là một chuyện nhưng thật sự giết một con người là chuyện khác. Trở thành người lính, dù có học tập đến mấy, hăng hái đến mấy, ngay từ những ngày đầu tiên ta vẫn nhận ra cái thế giới ta vừa đi vào khắc nghiệt và tàn bạo biết bao”, Svetlana viết. Chính vì vậy, ngay cả khi trở về trong tâm thế chiến thắng, những tổn thương về thể xác, biến dạng về tâm hồn đều khiến các nữ cựu binh sống phần đời còn lại khá khó khăn. Có cô gái vì thương tật nên không dám gặp lại mẹ ruột, dù trong lòng luôn trào dâng tình mẫu tử!
Nghề báo đã cho tôi gặp những người nữ thanh niên xung phong thời kháng chiến chống Mỹ, những người lính công binh Trường Sơn…, được nghe họ kể về những năm tháng chiến tranh hào hùng nhưng cũng đầy mất mát, đau thương. Đọc những trang viết của Svetlana, tôi càng thấm thía hơn những gì mà những người phụ nữ Việt đã trải qua trong cuộc chiến giành độc lập thống nhất nước nhà.
THÀNH NGUYỄN