11:05, 31/05/2019

Rau hàng rào

1. Ở Sài Gòn, có những lúc tôi thèm một tô canh rau hàng rào. Thèm đến mức có thể mua cái vé máy bay về Nha Trang chỉ để nấu một tô canh, hít hà cái mùi thôi thấy đã thèm. Nghe sang như… tỷ phú!

1. Ở Sài Gòn, có những lúc tôi thèm một tô canh rau hàng rào. Thèm đến mức có thể mua cái vé máy bay về Nha Trang chỉ để nấu một tô canh, hít hà cái mùi thôi thấy đã thèm. Nghe sang như… tỷ phú!


Rau hàng rào tuyệt nhiên không phân bón, thuốc trừ sâu, mọc vô tư ở hàng rào, thềm giếng. Chỉ cần chịu khó mỗi ngày tưới cho nó gàu nước là sống khỏe. Mùa mưa thôi thì cắt không kịp!


Rau hàng rào nhiều nhất là bình bát, mùng tơi loại lá nhỏ trông quê quê, hiền hiền, trái tím rịm, thêm nhúm rau dền xanh hay đỏ là đủ “bộ tam sên”. Có người đặt cho nó cái tên “tập tàng”, đồng thời thêm vô ít thứ nữa như: bồ ngót, rau nhớt... Tập tàng dù không chính hiệu hàng rào bởi có vài thứ mọc... hơi xa hàng rào nhưng đủ làm nên hương vị bốn mùa.


Bây giờ tập tàng nấu với cua chẳng gì nhiêu khê khi siêu thị có cua đồng đông lạnh xay sẵn mua về lọc lấy nước là thành tô canh. Chỉ có điều, rau thành phố lá nào lá nấy to xanh mướt bóng đẹp quá đâm nghi ngại khiến món canh mất ngon. Ăn rau thì sợ, không ăn rau thấy thiếu. Vậy là đành “nhắm mắt đưa chân”. Nhà có điều kiện thì mua thùng xốp về trồng ít rau tự cung tự cấp, tạm cho là rau sạch khi không có tác động của hóa chất nhưng làm sao biết được hạt giống có sạch không? Thực phẩm sạch cho dân thành phố vẫn là bài toán không có lời giải đáp!


Nhiều gia đình chuyển sang thay rau bằng giá đỗ. Với thùng ủ bán sẵn, chịu khó làm, một mẻ giá ăn không hết dù chế biến đủ các món: dưa giá, giá xào, ăn sống, nấu canh…


2. Tôi về chung cư này được nửa năm. Chung cư mới xây, chỉ có hai khối nhà trước và sau với khoảng 180 căn hộ. Lúc tôi dọn đến chưa đến 30 căn có người ở. Tòa nhà ngay mặt đường, tường rào ba mặt chung quanh. Men theo tường là bồn hoa nghe bảo sẽ trồng cây xanh tạo bóng mát. Khi ấy những bồn hoa trống không, gạch, đá, cát, vữa vẫn còn đầy bên trong.


Rồi người lục tục đến ở đông hơn và các bồn hoa được đổ đất.


Ra vô không chú ý, một ngày, đi bộ một vòng quanh tòa nhà, tôi ngạc nhiên khi thấy tất cả những bồn hoa được phủ xanh, không phải hoa mà là rau.


Thì ra, có những gia đình mang hạt giống xuống trồng lấy rau sạch để ăn. Tôi thấy họ chăm tưới, nhổ cỏ, thêm đất hệt nhà nông chính hiệu. Để chữa bệnh cho cây, các chị xịt nước pha với ớt hay thực phẩm kỵ loại sâu nào đó.


Mỗi sáng hay chiều, các anh, chị, ông, bà… tập trung dưới sân chơi, vừa chuyện trò vừa chăm rau. Chỗ này đậu bắp, chỗ kia cải non, chỗ nọ mùng tơi… Tôi không rành việc trồng tỉa này lắm, hết đợt thu hoạch lại thấy loại rau khác thay đổi. Đặc biệt có vài cây chuối, tôi quan sát chúng từ lúc bắt đầu trổ mã màu xanh non tơ đến lúc chuyển sang màu xanh già, trông cũng hay hay.


3. Những vạt rau ở chung cư khiến tôi nhớ nhúm rau hàng rào chợ Nha Trang quá đỗi. Có một chị bán dừa ở ngã tư chợ Xóm Mới. Trên chiếc xe đạp phân ra mấy loại dừa khô, dừa kho, dừa xiêm. Vài ba ngày chị lại có rổ rau hàng rào tươi non, nhìn thấy thèm, tin tưởng chắc chắn rau sạch.


Mua 5.000 đồng đủ nồi canh cho 4 người ăn một bữa mát miệng. Chị bảo, rau nhà ăn không hết mang ra chợ cho vui, thêm ít đồng chẳng bõ công dậy sớm cắt rau, nhiều khi đứng lên không nổi vì đau lưng, coi như chia sẻ với người ở phố!


Nếu làm siêng một chút, tôi lên nhà bạn ở Thành có vườn rau khoảng 30 mét vuông mà bạn làm giàn, đánh luống trồng bao nhiêu là rau, củ. Từ rau nấu canh đến ăn sống. Từ khoai lang đến cà chua. Chưa kể dưa leo, khổ qua, đậu. Bạn nói, chịu khó tưới nước, hàng tuần có rau sạch đóng thùng gửi cho con ở thành phố, rau ăn không kịp, đôi lúc phải năn nỉ hàng xóm ăn giùm.


Bạn thường cắt cho tôi lớp rau sống, lớp rau nấu canh, rau xào mấy bị to đùng. Tôi chở xe máy chẳng khác người mang rau ra chợ bán. Bạn dặn, về nhà đừng rửa, cứ thế cho hết vào ngăn mát tủ lạnh, để dành ăn rất lâu.


Hạnh phúc là được chia sẻ cho dù chỉ nhúm rau, con cá. Quan trọng hơn là sản phẩm sạch chính tay mình chăm bón không chỉ mớ rau hàng rào mà còn đó là cái tình, cái hồn của người quê thơm thảo với người ở phố, tôi nghĩ vậy!


ĐÀO THỊ THANH TUYỀN