11:12, 25/12/2018

Giọt nhớ

Chị ngồi chấm bài kiểm tra, chăm chú đọc thật kỹ, thi thoảng nhoẻn miệng cười, rồi lại cẩn thận sửa lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu cho học sinh. Bao giờ cũng thế, chị chấm bài rất kỹ, chỉ mong học trò biết rút kinh nghiệm từ lỗi sai để rồi tiến bộ.

Chị ngồi chấm bài kiểm tra, chăm chú đọc thật kỹ, thi thoảng nhoẻn miệng cười, rồi lại cẩn thận sửa lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu cho học sinh. Bao giờ cũng thế, chị chấm bài rất kỹ, chỉ mong học trò biết rút kinh nghiệm từ lỗi sai để rồi tiến bộ. Điều này chị học được từ cô. Ngày xưa cô chấm bài cho chị cũng kiên nhẫn như vậy. Chị bỗng buông bút, nhìn ra khoảng sân trước ô cửa sổ. Những mảng ký ức về cô Vân cứ dần hiện ra như đoạn phim quay chậm, rời rạc nhưng rõ nét…


* * *


- Vậy là sắp tới ngày thi rồi, các em cố gắng ôn luyện cho tốt, đem vinh quang về cho trường nhé.


- Vâng ạ!


Mấy cô cậu học trò nhỏ đồng thanh đáp trong cái nhìn âu yếm của cô Vân - giáo viên dạy bồi dưỡng học sinh giỏi môn văn.


Tan buổi học ôn, Thùy vội vàng xếp sách vở, chạy ra nhà xe. Cô Vân nhìn theo cái dáng gầy gầy, tất tả của con bé mà thấy thương nó quá. Lớp 8 rồi mà vẫn bé tẹo, sau nó còn ba đứa em. Nó ngoan ngoãn, học giỏi lại chăm chỉ, tháo vát. Nhà Thùy nghèo, bố mẹ đi làm suốt, nó là chị cả, ở nhà trông nom, bảo ban các em. Thằng em lớp 4 vừa bị gãy chân do ngã xe đạp, phải băng bó. Hàng ngày, Thùy đưa em đi học rồi lại đón em về. Con bé dắt vội xe chạy về phía lớp em. Lớp vừa tan, nó chạy nhanh vào lớp cõng em ra. Cái chân thằng em bó bột cứng ngắc, nặng nề khiến nó loay hoay mãi chưa đặt em lên xe được. Cô Vân biết chuyện nên hôm nào cũng nán lại, bế thằng em đặt lên xe cho nó. Mỗi lần như vậy, nó đều cười tươi với cô rồi lễ phép cảm ơn cô.



Nắng đã lên cao. Nắng hòa vàng khoảng sân trước mặt chị. Nắng tràn trên đường quê ngày ấy. Rơm rạ phơi đầy đường, vàng ươm. Rơm khô tơi quấn lấy đôi bàn chân đang chạy vội đến trường vì sợ muộn buổi học ôn. Thùy ngã sõng soài, cuốn vở cùng cây bút kim tinh cầm trên tay tung ra. Thùy cuống cuồng tìm chiếc bút nhưng chẳng thấy. Thùy rưng rưng nước mắt tiếc cây bút được tặng ngày tổng kết cuối năm lớp 6. Phần thưởng cho học sinh giỏi huyện.


- Thùy, em sao vậy? Sao không viết bài đi?


Cô Vân đọc bài, thấy Thùy ngồi im, tay vân vê quyển vở. Cô bước xuống bên Thùy. Em đưa cặp mắt buồn so nói như mếu:


- Em bị ngã, làm rơi bút rồi cô. Đó là cây bút kim tinh đầu tiên của em, cây bút đẹp nhất mà em có... Em…


Ngày hôm sau, Thùy ngỡ ngàng khi cô đưa cho Thùy cây bút kim tinh… Mắt Thùy tròn xoe ngạc nhiên rồi reo lên sung sướng. Đoán biết ý Thùy, cô kể: Chiều qua về, cô nán lại đoạn đường đó, chờ cô bác nông dân thu dọn rơm xong thì cô tìm thấy cây bút của em nằm sát mép cỏ bên đường. Cô cười thật hiền rồi nhẹ nhàng lấy trong cặp ra lọ mực nhãn hiệu Thiên Long đưa cho Thùy: Cái này cho em! Cố gắng học tốt nhé!


Thùy thường tranh thủ thời gian học buổi tối, còn thì giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, chăn heo, gà, đi bán ít rau mẹ trồng. Mỗi khi bố đổ lờ được ít tép, Thùy lại giúp mẹ bê bán quanh làng. Bao giờ cũng vậy, còn một ít, nó sẽ ghé vào nhà cô Vân. Bởi cô đã dặn nó: Khi nào bán cái gì mang qua cô mua với nhé. Cô đỡ phải đi chợ. Mà mẹ dặn không lấy tiền cô thì cô không chịu. Thùy chẳng biết cô mua làm gì mà hôm qua mua rồi, nay vẫn mua. Rồi một hôm, nó vừa đi ra đến cổng, liền nghe thấy con cô nói:


- Mẹ lại mua tép nữa à? Tép hôm qua mẹ mua vẫn còn mà. Mấy hôm ăn tép, con chán lắm rồi.


- Thôi, con à. Trưa nắng thế này, con bé đi khắp làng, thấy khổ. Mình ăn không hết thì phơi. Mẹ phơi để dành nấu canh cũng được.


- Mẹ thật là…


Trong lòng cô bé cảm thấy ơn cô nhiều lắm. Cô luôn động viên Thùy học tập, luôn giúp đỡ Thùy hết mức có thể.


Ngày 20-11, các bạn rủ nhau đến thăm cô. Lên cấp III, mỗi đứa học một lớp nhưng cứ đến ngày này, cả lớp Thùy do cô Vân chủ nhiệm hai năm cấp II lại tập trung ở nhà cô. Bấy nhiêu năm rồi vẫn vậy, cô luôn chiêu đãi mấy đứa rổ khoai lang mật ngọt bùi. Mỗi đứa đều kể với cô về ước mơ sau này của mình. Cô chăm chú lắng nghe rồi nhẹ nhàng chắp cánh cho những ước mơ ấy.


- Mỗi bạn có một sở thích, một ước mơ trong tương lai. Nghề nghiệp nào cũng đáng trọng, đáng quý. Dù làm gì các em cũng cần cố gắng sống tốt, giữ cho tâm hồn mình luôn trong sạch.


Thùy ước mơ trở thành cô giáo dạy văn, như cô. Ước mơ của Thùy được cô ươm mầm từ ngày lớp 8. Mỗi bài văn của Thùy cô đều chấm rất kỹ và luôn nhận xét bằng những lời động viên giúp Thùy có thêm quyết tâm trở thành cô giáo. Thùy sẽ về quê, xin dạy học ở chính ngôi trường nơi Thùy đã từng học.


Ngày Thùy đỗ đại học, cô mừng lắm. Cô nói cô sẽ chờ em, cô đồng nghiệp tương lai. Thùy thường viết thư thăm hỏi cô, có nhiều chuyện Thùy chỉ biết hỏi cô và cô luôn hồi âm bằng những lời khuyên bảo, động viên Thùy. Cô nói Tết về lên nhà cô, cô trò sẽ nói chuyện thật nhiều.


Cô hẹn rồi sao cô không giữ lời? Sao không đợi em về? Em còn cần cô chỉ bảo nhiều lắm. Cô chẳng nói sau này cô trò ta sẽ trở thành đồng nghiệp hay sao? Sao cô lại đi? Sao không nói với em là cô bị bệnh?… Đứng trước mộ cô, nước mắt Thùy lăn dài. Trước mắt Thùy nhạt nhòa khuôn mặt cô đang cười và tan nhanh theo làn khói hương. Gió hiu hiu thổi cuốn làn khói nhẹ bay về trời.


Gió lùa vào cửa sổ, xô tập bài kiểm tra sột soạt, vài tờ bị thổi bay xuống đất. Chị giật mình, chợt nhận ra mắt mình đang đẫm lệ.


Chị nhớ cô thật nhiều!


. Truyện ngắn của Trương Thị Thúy