- Chị có khách ạ.
Sau câu nói nhã nhặn của cô văn thư, chị vừa ngửng lên cũng là lúc người ấy vừa bước vào. Một phụ nữ không còn trẻ, tóc đã lơ thơ đôi sợi bạc, cặp mắt trũng sâu u uẩn, một dáng vóc tầm thước.
- Chị có khách ạ.
Sau câu nói nhã nhặn của cô văn thư, chị vừa ngửng lên cũng là lúc người ấy vừa bước vào. Một phụ nữ không còn trẻ, tóc đã lơ thơ đôi sợi bạc, cặp mắt trũng sâu u uẩn, một dáng vóc tầm thước.
- Mời em ngồi.
Đáp lại câu mời vồn vã của chị là một cái khẽ gật đầu, một nụ cười he hé như muốn thay câu: “Vâng, em cảm ơn”.
Cô ấy ngồi, hai bàn tay đan chéo nhau, đặt trên đầu gối. Những ngón tay thô thô và có vẻ cứng cáp. Cô ấy đặt lên một cuốn sổ dày cộp, không, một cuốn album thì đúng hơn. Cô ấy hối hả giở ra, và chị thấy bên cạnh những dòng ghi chép với nét chữ to tròn của cô, đôi chỗ có nét chữ thanh thoát, bay bướm của anh.
- Chị ơi! Anh ấy có người khác rồi.
Cô ấy úp mặt xuống cuốn sổ và khóc. Không ồn ào, chỉ có đôi bờ vai rung rung và những tiếng nấc ấm ức nén chặt. Rồi cô ngửng lên, nhìn chị, mắt đỏ hoe, những dòng nước mắt ướt nhèm cuốn sổ.
… Chị tình cờ phát hiện ra cô ấy từ một tin nhắn từ chồng mình.
Vợ chồng chị vốn là bạn từ thời phổ thông trường làng và sau này là đồng nghiệp. Anh chị đã có những năm tháng khó khăn khi cùng đi nhận công tác tại một huyện miền núi. Cuộc sống gian khổ, mối tình đồng hương đã nhanh chóng biến thành tình yêu. Thứ tình yêu giản dị, chân thành của những đứa con từ đồng ruộng ra đi và có chung nỗi niềm, cảnh ngộ. Rồi anh chị lấy nhau. Dù nghèo, nhưng lúc nào cũng có vợ có chồng, có thêm đứa con gắn kết. Bỗng một dạo, khi anh đi học tại chức ở xa, chị nhận được tin nhắn sau lúc nói chuyện điện thoại của hai vợ chồng: “Em giận anh lắm hay sao mà không nói gì?”. Ngạc nhiên, chị gọi lại, và thấy anh buột miệng: “Chết rồi!”. Té ra anh đã nhắn tin nhầm vì số điện thoại của chị và cô ấy có số đầu và ba số cuối giống nhau. Sau đó, chị nghe bạn bè bàn tán về việc thấy họ đi nhà nghỉ với nhau. Đỉnh điểm là khi mấy cô giáo trẻ trong trường chỉ cho chị thấy trang facebook của cô ấy tràn ngập những bức ảnh anh và cô ấy - chính là người đang ngồi trước chị đây, đang vi vu bên nhau tại Đà Lạt. “Họ học cùng lớp tại chức, cô kia đã có chồng, một con trai chừng năm tuổi nhưng họ đang ly thân”, bạn chị nói vậy. Ai cũng bảo sao chị không gặp và cho cô ta một trận. Họ không biết điều trớ trêu cô ấy là con gái của thầy chủ nhiệm cũ thời cấp ba. Nhà nghèo, bố chị do bị bệnh viêm phổi nên ốm quanh năm. May mà có người quen giới thiệu vào giúp chăm cây cảnh ở ngôi chùa mãi tận trong Đồng Nai. Một mình mẹ chị lo xoay sở cho năm đứa con ăn học thật chật vật. Chị đã tính bỏ học đi làm phụ giúp mẹ. Nếu không có thầy làm công tác tư tưởng và khéo léo cùng cả lớp động viên thì chị đã không thể học hết cấp ba để rồi trưởng thành như bây giờ. Cứ nghĩ đến công ơn của thầy là chị lại không thể chạy đến “làm cho ra ngô ra khoai” với con gái thầy - cô ấy đã không nhớ ra chị trong vô vàn học sinh cũ của cha mình.
Chị hỏi anh. Nhìn ánh mắt lảng tránh và cách trả lời loanh quanh của anh, chị đã viết đơn ly hôn. Họ ra tòa, anh thuê nhà ở ngoài thị trấn, chị được giữ căn nhà và một mình cặm cụi nuôi con. Chính đứa con bé nhỏ và công việc đã giúp chị vượt qua nỗi cô đơn cũng như những phút chông chênh yếu lòng của một người đàn bà trẻ trung. Vậy mà đùng cái, chị lại nghe tụi bạn đồn rầm lên là họ lại chia tay nhau khi anh muốn cô vợ gửi con về cho ông bà nuôi.
Và hôm nay, cô ấy đang ngồi trước chị và khóc. Chị có thể nói gì, làm gì khi lòng chị đang xáo trộn: chút ái ngại, chút hả hê: “Các người yêu nhau lắm cơ mà”, và cả nỗi cay đắng cho mình, cho cô bây giờ.
- Chị có thể giúp gì cho em? Mà mới chỉ là tin đồn, đã chắc gì là sự thực?
Chị dịu dàng hỏi, tay đưa cho cô ấy chiếc khăn giấy, tự cảm thấy sao giọng mình có thể bình thản đến thế.
Cô ấy lại khóc:
- Không chị ạ. Đây này, bạn em chụp và gửi cho em bằng điện thoại, em in ra đây. Cô ấy là sinh viên đến xin thực tập ở trường anh ấy. Họ “cặp bồ” nhau, chị ơi! Mà mỗi khi em quan tâm đến con em, anh ấy khó chịu lắm. Anh ấy còn nói em phải gửi con về quê nữa.
Chị tiến lại, khẽ đặt tay lên vai cô ấy và nói:
- Chị biết là hai người có chuyện, em hãy về và làm theo quyết định của mình.
- Chị, em xin lỗi vì những gì em đã gây tổn thương cho chị. Xin chị hãy coi em như em gái, chị bảo em với, làm thế nào để vượt qua chuyện này? Để quên anh ấy?
- Liệu tôi có thể tin vào thành ý của em không đây, hay lại để bị hiểu lầm như trước kia đã từng bị, khi em buông những lời ghen ngược đến tai tôi? Câu nói ấy bật lên trong đầu. Nhưng rồi, nhìn khuôn mặt nhòe nhoẹt nước mắt, chị quả quyết:
- Hãy dựa vào con, em ạ. Chăm con cho tốt hơn. Con cái và công việc sẽ cho em niềm vui, sẽ có ai đó xứng đáng để cho em yêu thương và trao gửi. Rồi cuộc sống sẽ đền bù cho mẹ con em. Chị xin lỗi vì không thể giúp gì hơn nữa ngoài câu nói ấy. Chúc em vượt qua được tất cả.
- Vâng, em... Cảm ơn chị ạ!
Lại có mấy cô giáo đến hỏi về việc chuẩn bị cho hội diễn văn nghệ của học trò. Chị cắm cúi vào công việc, và quên đi người phụ nữ với cuốn sổ có những dòng sưu tầm thơ và đôi chỗ có bút tích của anh.
- Chị ơi! Chị có thể ra ngoài này chút không ạ? Chú bảo vệ cơ quan nói giọng khẩn thiết - Cô gái ấy cứ không về, cứ ngồi khóc mãi…
Trên chiếc ghế trước của phòng bảo vệ, cô ấy đang ngồi, úp mặt trên cái túi bên trong đựng cuốn sổ, vai vẫn rung rung từng đợt.
- Sao em chưa về à?
- Dạ, em xin lỗi chị. Cho em ngồi thêm chút. Em về đây ạ. Cô ngượng nghịu.
- Ừ, khóc nốt đi. Khóc được là nhẹ lòng hơn. Nhưng em đừng ngồi ở đây, ai đi qua thấy thì kỳ lắm.
- Dạ, em cảm ơn chị. Chị vào làm việc đi. Em sẽ ổn thôi ạ.
- Ừ, vậy nhé. Chào em, chúc em chóng lấy lại thăng bằng và mọi chuyện sẽ ổn. À, lát nữa về nhà, nhớ nói cha em “Chị Xoan 10B khóa 81-83 hỏi thăm cha” nhé.
Bỏ qua ánh mắt sững sờ của người phụ nữ trẻ, chị khẽ nói: Ôi, đàn bà! Rõ thật là…
Chị đi vào phòng. Nắng rực rỡ hết khoảng sân. Công việc bắt đầu lại cuốn chị đi.
. Truyện ngắn của Bích Thiêm