Khi hồi tưởng lại những chuyện xảy ra trong cuộc đời, tôi tự hỏi nên bắt đầu từ đâu. Hỏi và tự trả lời, bắt đầu từ chuyện đi học của mình chắc sẽ dễ dàng vì mọi chuyện ai nhớ được có lẽ đều hình thành từ khi bắt đầu đến trường đi học.
Ngôi trường đầu tiên trong đời tôi là cái lớp Đồng Ấu nằm trên đường Bạch Đằng. Ngày xưa chưa có trường mẫu giáo, lớp Đồng Ấu đó dành cho những đứa trẻ chưa biết chữ. Tôi không nhớ mình học được gì ở lớp học đó, cũng không nhớ người thầy đầu tiên ấy dạy cho mình cái gì, nhưng tôi nhớ rõ ràng hình dáng cao dong dỏng của thầy, khi thầy cười để lộ một cái răng vàng. Sau này khi tôi đã lớn, lớp Đồng Ấu ấy vẫn còn và sau nữa thì trở thành một trường mẫu giáo nhỏ mà thầy cô giáo là những người con của thầy. Thời gian thay đổi nhiều thứ lắm, bây giờ đi ngang đường Bạch Đằng, tôi không thể nào nhận ra chỗ của lớp học đầu tiên của mình.
Trường Tiểu học Phước Tiến trước đây là Trường Tiểu học Tân Phước. |
Ngôi trường tôi còn nhớ được nhiều thứ hơn là Trường Tiểu học Tân Phước (bây giờ là Trường Tiểu học Phước Tiến) nằm trên đường Lê Thánh Tôn. Thời ấy, Trường Tân Phước cũng là một trong những trường tiểu học khá lớn của thị xã Nha Trang, tôi học ở Trường Tân Phước từ lớp năm đến lớp nhất, cách gọi tên lớp hồi đó ngược lại với sau này. Mỗi khi nhớ lại những ngày còn nhỏ, tôi thường so sánh mình với trẻ con bây giờ, hồi đó gia đình nào cha mẹ cũng phải đi làm, bận bịu nên không thể chăm sóc con nhiều. Đa số chúng tôi hồi nhỏ tự đến trường, tự lo chuyện học hành. Nhà tôi hồi đó trên đường Nguyễn Trãi, gần chợ Xóm Mới, bây giờ là đường Võ Trứ. Tôi vào lớp năm Trường Tân Phước, ba chỉ đưa tôi đến trường vài lần và sau khi chỉ cho tôi thuộc đường đi thì ba không đưa tôi đi học nữa. Mỗi ngày tôi đi từ nhà, rẽ qua đường Nguyễn Tường Tam (bây giờ là đường Trần Bình Trọng), rẽ qua đường Huỳnh Thúc Kháng, rồi qua đường Cô Bắc đến đường Bùi Thị Xuân và vô trường bằng cửa sau. Hình như những năm học ở Tân Phước tôi đều đi theo lộ trình này và toàn đến trường bằng cửa sau vì đi theo đường Nguyễn Hoàng (bây giờ là đường Ngô Gia Tự) sẽ xa hơn và có nhiều xe qua lại.
Bao nhiêu năm tháng qua đi nhưng tôi vẫn nhớ tên của những người thầy đầu tiên của mình ở Trường Tân Phước: Cô Minh, cô Hương, cô Yến và thầy Lương Tắc. Thầy Lương Tắc dạy tôi năm lớp nhất, nhắc về thầy là tôi nhớ môn Toán chạy, nghĩa là giải toán đố thật nhanh, ai giải xong sớm nhất sẽ được điểm cao. Đó là cách rèn luyện Toán rất hay, nếu theo được thì học trò rất mau giỏi Toán. Không biết có phải nhờ thế mà sau này tôi thi vào lớp đệ thất Trường Nữ Trung học Nha Trang cũng dễ dàng chăng?
Nha Trang còn có 2 ngôi trường tiểu học nổi tiếng hơn, cổ kính hơn nữa là Trường Nam tiểu học (bây giờ là Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi) và Trường Nữ tiểu học (sau này là Trường bán công Chu Văn An và bây giờ là Trường iSchool Nha Trang). Xa phố chính một chút là Trường Tiểu học Phước Hải và Trường Văn hóa, những trường này hồi nhỏ tôi ít biết nên bây giờ không có ấn tượng gì.
Nhưng có một ngôi trường nhỏ mà nhiều người sẽ nhớ, đó là Trường Hóa Khánh nằm trên đường Trần Quý Cáp, tôi biết đến trường này qua lớp học luyện thi vô lớp đệ thất trường công. Trường có thầy Hương hiền khô và giải Toán dễ hiểu. Tôi học ở đây 2 - 3 tháng trước ngày thi, bạn bè là ai cũng không nhớ, ngoài người bạn học chung ở Trường Tân Phước. Mấy chục năm sau gặp lại, bạn nhắc hồi đó khi ra khỏi lớp luyện thi hai đứa hay rủ nhau ra bến xe Ninh Hòa ăn chè.
Nha Trang khi đó có 2 ngôi trường trung học lớn nhất là Trường Võ Tánh dành cho nam và Trường Nữ Trung học Nha Trang dành cho nữ. Đó là trường công, muốn vào học phải qua một kỳ thi tuyển khá gay gắt vì số lượng học trò tuyển vào trường ít hơn nhiều so với số lớp học. Ngoài 2 trường trung học công lập, Nha Trang còn có Trường bán công Lê Quý Đôn, là Trường Tiểu học Tân Lập 1 trên đường Tô Hiến Thành bây giờ. Bên Trường Lê Quý Đôn có một hàng chè nổi tiếng ngon, rất đông con gái Trường Nữ trung học bên kia đường cũng chạy qua ăn hàng trong giờ ra chơi. Có một trường trung học nữ nữa là Trường Thánh Tâm của các sơ Công giáo, nằm xéo với Trường Tiểu học Phước Tiến, bây giờ là Trường Mầm non Hương sen. Gần Trường Võ Tánh, trên đường Trần Hưng Đạo có Trường College Francais, dạy chương trình tiếng Pháp, chính là Trường Tiểu học Lộc Thọ hôm nay. Gần bên, nằm trên đường Nguyễn Chánh bây giờ, trên phần đất của Trường Đại học Khánh Hòa là Trường La san Bá Ninh, một trường trung học dành riêng cho nam của các cha phụ trách…
Người Nha Trang rất hiếu học, nên thời đó có nhiều ngôi trường tư thục cũng nổi tiếng như Trường Trung học Đăng Khoa trên đường Lý Thánh Tôn (bây giờ là Trường Tiểu học Phương Sài). Bên phía đường Sinh Trung có Trường Trung học Khải Minh, dạy tiếng Việt lẫn tiếng Hoa của người Hoa, chúng tôi hay gọi là trường Tàu. Sau này đó là Trường Tiểu học Vạn Thắng rồi sát nhập với Vạn Thạnh và được xây lại hồi năm ngoái rất khang trang với tên mới là Trường THCS Trưng Vương. Còn một trường cũng chỉ dành cho nam là Trường Kỹ thuật ở đường Duy Tân cũ, bây giờ là đường Trần Phú. Đó là một trường trung học vừa dạy chữ vừa dạy nghề, học trò với đồng phục màu xanh biển đặc trưng mà người Nha Trang nào cũng biết…
Các trường đều có thầy cô chung với Trường Võ Tánh và Nữ trung học, sau này vì nhu cầu của học trò nên các thầy giáo của Trường Võ Tánh lập thêm Trường Kim Yến, nằm trong khuôn viên của Trường Văn học trên con đường Nguyễn Trãi cũ. Ngoài ra, lúc đó Nha Trang cũng có một Trường Sư phạm Tiểu học và đến năm 1973 thì Đại học Cộng đồng Duyên Hải được ra đời.
Thời gian như nước chảy qua cầu không thể quay lại nên có thể tôi nhớ sót tên của ngôi trường nào đó. Nhưng những tên trường tôi nhắc lại và những ngôi trường tôi đã từng học đều là những ngôi trường mà người Nha Trang không thể không nhớ. Bây giờ, theo chiều hướng thay đổi của cuộc sống, nhiều ngôi trường không còn nữa hoặc đã được xây dựng lớn hơn, khang trang và lộng lẫy hơn. Dù thế nào, trong những lần họp trường, họp lớp gần đây hoặc có dịp gặp nhau trong các sự kiện, những người học trò cũ đều rất hãnh diện khi giới thiệu mình là học trò của trường này, trường nọ. Trường cũ là những kỷ niệm ấm áp ngọt ngào mà bất cứ ai khi nhắc lại đều cảm thấy bùi ngùi. Nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ từng ngóc ngách của ngôi trường xưa chính là nhớ lại một thời thanh xuân tươi đẹp của mình.
Thời gian cứ qua đi nhưng kỷ niệm sẽ vẫn ở lại trong trái tim mỗi người. Đó không chỉ là tình yêu với trường cũ mà còn là tình yêu với quê hương Nha Trang yêu dấu.
LƯU CẨM VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin