21:07, 16/08/2024

Cái giếng làng tôi

TRẦN NINH THỌ

“Thơm như hương lúa lên đòng/Ngọt như nguồn nước ở trong giếng làng”. 

Từ thời xa xưa, khi cuộc sống còn nghèo nàn, lạc hậu, chưa có phương tiện hiện đại, người ta đâu có nước máy như bây giờ, các gia đình đa phần đều sử dụng nước giếng bởi nguồn nước ngầm dù sao cũng trong, sạch hơn nước ao hồ hay nước sông, nước suối. Từ đó, giếng nước tựa như nguồn sữa mát lành của người mẹ, nuôi sống con cái hết thế hệ này đến thế hệ khác. Với người Việt, cái giếng làng là hình ảnh quá quen thuộc, gần gũi với mọi nhà, nhất là ở các làng quê. Chính vì vậy, cùng cây đa, bến nước, sân đình…, giếng làng không chỉ trở thành biểu tượng gắn liền với văn hóa làng xã mà còn là hình ảnh thiêng liêng in đậm trong trong ký ức của nhiều người: “Xa quê nhớ mẹ nhớ cha/Nhớ cái giếng nước ngã ba đầu làng/Nhớ ai cất tiếng hò khoan/Trên dòng sông vắng ngập tràn ánh trăng”.

Cái giếng làng tôi.
Cái giếng làng tôi.

Nhà tôi xưa sống ở một vùng quê xa phố thị, nơi đầu làng có cái giếng bốn mùa đầy nước để mọi gia đình dùng chung. Chẳng rõ cái giếng ấy có từ khi nào, tôi chỉ biết, ngày còn rất bé, mình đã lon ton chạy theo mẹ đi gánh nước. Giếng làng với tôi đã trở thành nơi quá quen thuộc. Rồi lớn lên, cũng giống bao người khác, giếng làng với tôi ngày càng có thêm kỷ niệm. Tôi đã thuộc lòng những viên đá lớn bé xếp thành từng vòng tròn quanh giếng - những viên đá có hình cong cong, xanh xanh màu rêu vì đã ngâm dưới nước lâu ngày; thuộc lòng những con đường nhỏ từ giếng dẫn về các xóm.

Giếng làng là nơi bà con hàng ngày đến lấy nước, có người gặp nhau, thường nán lại, chào hỏi rồi trao đổi sơ qua những câu chuyện nhỏ. Vào những ngày cày cấy hay vào vụ thu hoạch lúa, khi hoàng hôn xuống, giếng thường có đông người. Đặc biệt, vào dịp Tết, trước lúc giao thừa, giếng làng thường rất rộn ràng, vì ở quê tôi, người ta cho rằng, vào thời khắc ấy mạch nước dẫn vào giếng rất tinh khiết nên nhà nào cũng muốn lấy cho được để về nấu trà dâng lên tổ tiên trong giây phút thiêng liêng khi năm mới bắt đầu với hy vọng được đón nhận sự an lành.

Đối với bọn nhỏ chúng tôi, nhiều buổi trưa hè, đứa nào cũng lưng trần đùa nghịch, chạy khắp xóm, khi chơi trò làm lính đánh trận, khi kéo nhau đi tìm dế, rồi sau đó tụ lại bên giếng, thi nhau múc những gàu nước mát rượi dội lên người giữa tiếng hò reo í ới, trong khi trên vòm cây cao gần đó, tiếng của bầy chim bồ chao đùa giỡn với nhau phát ra những tiếng kêu ríu ra ríu rít.

Tôi nhớ, hồi còn nhỏ, ở quê tôi ít có gia đình mua được gàu bằng tôn hay gàu nhựa. Để múc nước từ giếng lên, nhiều nhà phải dùng bồ đài. Đây là loại gàu làm bằng một tấm mo cau, bẻ cong hai đầu, dùng dây mây nhỏ khâu lại, rồi buộc chặt với một thanh gỗ ở giữa, vừa để giữ cho gàu được cứng vừa có chỗ cột dây, thả gàu xuống giếng. Loại gàu này tuy múc được ít nước nhưng nhẹ, bọn trẻ con chúng tôi rất thích sử dụng. Có lần thấy thằng Phúc, người cùng xóm, nhặt được một bẹ cau khô khá to từ đâu chẳng rõ, tôi bèn đổi nó bằng một con dế chọi. Phúc khoái chí, đồng ý ngay, và thế là sau lần đó nhà tôi có thêm một chiếc bồ đài mới mà chị tôi rất thích mỗi khi gánh nước.

Gắn liền với cái giếng làng tôi có câu chuyện tương tự như huyền thoại. Rằng, cụ tổ của làng trong một đêm nằm mơ, thấy vị tiên ông râu tóc bạc phơ, tay cầm cành liễu chỉ cho nơi đào giếng. Rằng, mạch nước dẫn vào giếng đi ngang qua hàm một con rồng đang ẩn mình trong lòng đất nên nước giếng rất ngọt và trong vắt suốt bốn mùa. Chẳng biết câu chuyện trên có thật không, nhưng nước ở cái giếng làng tôi rất trong và ngọt. Còn câu chuyện trên thỉnh thoảng được những người lớn tuổi kể lại mỗi khi có dịp, chắc là để con cháu nghe, qua đó có ý thức nhằm giữ gìn cho giếng luôn sạch sẽ.

Nhà thơ Tế Hanh từng có một bài thơ với những câu đầy cảm xúc viết về cái giếng làng ở quê hương ông: “Cái giếng đầu làng của em/Dưới khóm dừa xanh tỏa bóng êm/Em đi gánh nước đôi vai mịn/Đòn gánh cong cong uốn dẻo mềm/Cái giếng đầu làng của anh/Một buổi trưa hè trời trong xanh/Em múc trao anh gàu nước mát/Mặt nước hòa đôi bóng chúng mình/Cái giếng đầu làng của bà con/Nước trong như lọc, vị thơm ngon/Nơi hàng ngày hẹn hò gặp gỡ/Câu chuyện làm ăn chuyện xóm thôn/Cái giếng đầu làng của người bốn phương/Lau giọt mồ hôi dừng bên đường/Uống ngụm nước đựng trong lòng nón/Nghe thấm tràn tình nghĩa quê hương...”. Giống như những điều nhà thơ Tế Hanh đã kể, cái giếng ở làng tôi không chỉ có bà con trong làng, trong xóm mới dùng, mà hồi nhỏ, không ít lần tôi thấy có những vị khách đường xa, đi ngang qua đã dừng lại bên giếng, mượn gàu để giải cơn khát và làm mát tay, mát chân, lấy thêm sức tiếp tục cuộc hành trình. Giếng làng cũng là nơi hò hẹn của những đôi trai gái. Rất nhiều người trong số họ đã thành vợ, thành chồng. Có một chuyện làm tôi chẳng bao giờ quên. Ở xóm trên, cách nhà tôi không xa, có anh Ba Thái, một thanh niên khá đẹp trai, lại giỏi việc ruộng đồng. Anh Ba Thái yêu chị Ngọc, con của bác ruột tôi. Vì sợ bác trai la rầy, nên mỗi lần muốn gặp chị Ngọc, anh đều nhờ tôi đến báo, để chị Ngọc lấy cớ đi gánh nước, tới giếng gặp anh. Năm ấy tôi mới 10 tuổi, rất quý anh Ba và chị Ngọc nên chạy tới chạy lui nhiều lần mà không ngại. Rất tiếc, chuyện tình của hai người sau này không thành vì vào năm 1965, một năm sau khi phong trào Đồng Khởi ở quê tôi diễn ra thì Mỹ đưa quân vào miền Nam. Trước lời kêu gọi của chính quyền cách mạng, anh Ba Thái cùng nhiều thanh niên khác đã lên đường nhập ngũ rồi được bổ sung vào một đơn vị chủ lực của tỉnh. Nhiều lần đi gánh nước, gặp tôi nơi giếng làng, lần nào chị Ngọc cũng nhắc đến anh Ba Thái. Nhưng người mà chị Ngọc yêu thương, chờ đợi đã không về. Anh Ba Thái đã hy sinh trong một trận đánh nhau ác liệt với quân Mỹ khi chúng càn vào chiến khu…

Có thể ở nhiều nơi, ngày nay, có nước máy nên người ta không còn giữ lại những cái giếng làng, nhưng ở quê tôi thì vẫn còn. Cái giếng làng dung dị với những viên đá xanh màu vì ngâm nước lâu ngày như một chứng nhân, đã gợi cho tôi nhớ biết bao điều về một thời đã qua, mỗi khi tôi trở về thăm quê nhà…

TRẦN NINH THỌ