20:45, 03/05/2024

Nhớ khu tập thể ngày nào

NGUYỄN TÚ PHƯƠNG

Một ngày đầu hạ, giữa nhịp sống hối hả thường nhật, chuyến tàu hồi ức đưa tôi về kỷ niệm ngọt lành của thập niên 1990, những ngày thơ bé được sống tại một khu tập thể cũ. 10 năm ấy như dòng suối nguồn tưới mát tâm hồn tôi suốt chặng đường đời. Bởi nơi đó với tôi là bầu trời kỷ niệm, của niềm vui, nỗi buồn, niềm thương, nỗi nhớ...

Nằm trên trục đường Lý Tự Trọng, cách cửa Đông thành Diên Khánh không xa, khu tập thể ấy “tọa lạc” tại một vị trí khiêm nhường tít đằng sau văn phòng Huyện ủy cũ. Những ai từng sống ở đây hẳn còn nhớ dãy nhà nhỏ các phòng san sát nhau, mảng tường vôi xanh nhạt phai màu. Mỗi căn phòng nhỏ xíu nhưng đồ đạc bố trí gọn gàng, tinh tươm. Với lứa 8X như tôi, khu tập thể là cả một ký ức tuổi thơ sống động. Ở nơi ấy gắn liền những nếp sống sinh hoạt tập thể quen thuộc, giản dị; giếng nước, sân chơi... đều được sử dụng chung; cuộc sống tuy vất vả nhưng ấm áp tình người. Nhớ những buổi chiều các mẹ quây quần rửa bát, rửa rau, giặt quần áo... tiếng cười nói rôm rả. Nhớ cả những ngày mưa gió, những ông bố tất tả kê đồ đạc lên cao vì nước lụt sắp tràn vào nhà. Nhớ những lần bị mẹ cho “ăn” chổi lông gà vì điểm kém mà cả khu ai cũng biết. Tôi cũng nhớ mùi nồng nồng không mấy dễ chịu từ bếp lò xô mỗi nhà một cái những khi nấu ăn… Nhớ con đường, nhớ hàng cây, dường như mọi ngóc ngách ở đây đều chứa chan kỷ niệm!

Khu tập thể ngày nào 
nay là Trường Tiểu học thị trấn 1 Diên Khánh. Ảnh: Internet
Khu tập thể ngày nào nay là Trường Tiểu học thị trấn 1 Diên Khánh. Ảnh: Internet

Tôi làm sao quên một thời xem ti vi dạo! Cuộc sống khó khăn, cả khu tập thể chỉ có 1 chiếc ti vi màu màn hình lồi khoảng 14 inch nên bọn trẻ con chúng tôi thường kéo nhau sang nhà bên cạnh để xem… ké! Nhất là những hôm có chuyên mục hay, đặc biệt, tôi ăn vội chén cơm, tranh thủ làm hết bài tập về nhà để kịp giờ phát sóng. Tôi và các bạn trang lứa là “fan” của chương trình “Những bông hoa nhỏ” phát trên Đài Truyền hình Việt Nam, đây là món ăn tinh thần không thể thiếu của khán giả nhí bấy giờ. Nhà tôi không có ti vi, gia đình tôi theo dõi tin tức thời sự, nghe cải lương, ca nhạc... bằng chiếc máy thu thanh nhỏ. Nhớ những buổi trưa, tôi và mẹ cùng háo hức với mười lăm phút dạy hát mỗi ngày cho các bạn nhỏ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngày mưa, thời tiết xấu, sóng radio không ổn định, âm thanh bị nhiễu những tiếng “rẹt... rẹt... rẹt”, có khi mất tín hiệu nhỡ luôn cả chương trình hôm ấy, hai mẹ con cứ tiếc hùi hụi. Những năm đó đâu có nhiều chương trình dành cho trẻ em trên ti vi, trên đài nên thấy rất quý. Thiếu thốn là thế, vậy mà bọn trẻ con chúng tôi vẫn thật hồn nhiên, hạnh phúc trong khu tập thể của mình!

Phải chăng khi làm trẻ con, sự ngóng đợi bao giờ cũng đầy nôn nao hơn người lớn? Đợi xem ti vi, đợi một bài hát mới... hay là những lúc tôi mong ba mang về những con tem bưu chính nhỏ xinh. Biết con gái thích nên có thư gửi đến cơ quan, ba ưu tiên giữ lại cho tôi những chiếc tem be bé như món quà mỗi ngày, hôm có hôm không. Chiếc tem thư hình chữ nhật viền răng cưa nhiều màu sắc, nhiều hình ảnh khác nhau về người, về cảnh, cả những sự kiện lịch sử nước ta... Trên không gian nhỏ nhắn ấy còn chứa đựng nhiều thông tin, thông điệp ý nghĩa khiến tôi mê mẩn. Hồi ấy, tôi dành hẳn một cuốn vở mới thật đẹp để dán những con tem xinh xinh làm thành bộ sưu tập khoe với mấy đứa hàng xóm và bạn bè, ưu ái một góc trên bàn học để cất giữ chồng báo tuổi thơ. Tiếc làm sao sau nhiều lần dọn và chuyển nhà tôi không mang theo được hết những vật báu ấy bên mình. Có lần ngồi kể lại, cả nhà tôi ai cũng tiếc nuối vì tất cả chỉ còn trong hồi ức!

Đầu năm học cấp 2, toàn bộ các gia đình sống ở đây phải chuyển đi nơi khác vì xây trường tiểu học của huyện. Tôi không kịp về thăm "ngôi nhà" của mình trước khi cả khu san lấp. Rời xa nơi mình đã gắn bó cả tuổi thơ, mỗi khi nghĩ lại tôi thấy cay cay nơi sống mũi. Những người đã từng sống và gắn bó với khu tập thể này, dù không gặp lại nhau nhưng tôi tin tất cả chúng tôi đều trân trọng những ký ức về khu tập thể ngày đó. Chúng ta sẽ cùng nhau lưu giữ những giá trị tốt đẹp về tình làng nghĩa xóm, nét đẹp văn hóa cộng đồng một thời và lan tỏa đến những thế hệ mai sau…

NGUYỄN TÚ PHƯƠNG