Nha Trang là một thành phố nhỏ bé và xinh đẹp, nhỏ bé nên thứ gì cũng gần gũi, những ngã ba, ngã tư rất gần nhau và dễ dàng để tìm đến những nơi nổi tiếng vì tất cả đều nằm trong phố. Nha Trang gần Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh hiện đại, có một cảng tàu thủy rộng lớn có thể đón những chiếc tàu quốc tế mang hàng ngàn du khách đến đây. Nhưng thứ làm cho người ta nhớ nhiều nhất lại là ga xe lửa. Ga Nha Trang nằm ngay trung tâm thành phố, là một di tích lịch sử. Với người dân Nha Trang, đây là một nơi phải được trân trọng giữ gìn và bảo vệ. Người Nha Trang tự hào rằng, từ ga Nha Trang mình có thể đi khắp nơi, ra Bắc vào Nam rất dễ dàng.
Ga Nha Trang. Ảnh: AN NGUYỄN |
Khoảng giữa năm 1975, tôi bắt đầu chọn xe lửa để di chuyển đến chỗ làm việc khi có một thời gian công tác ở Tu Bông (huyện Vạn Ninh). Thời điểm đó, rất nhiều người trẻ Nha Trang ra các huyện phía bắc công tác, nhất là những ai làm trong ngành Giáo dục. Chúng tôi ở trọ trong nhà dân và 1 - 2 tuần mới về Nha Trang một lần vào 2 ngày cuối tuần. Tu Bông hồi đó chưa đông dân như bây giờ nên mỗi ngày chỉ có một chuyến xe đò chạy vào Nha Trang lúc 4, 5 giờ sáng, khách hàng chủ yếu là các bà, các cô đem tôm cá, rau củ đến các chợ ở Nha Trang, nên lựa chọn của chúng tôi vẫn là xe lửa để đi, về.
Ga Tu Bông nằm ngay đầu ngã rẽ vào thị trấn, là một ga xép, chỉ một gian nhà nhỏ có đặt cái cửa bán vé, còn lại là nơi để khách ngồi đợi tàu. Hồi đó chỉ có tàu chợ, tàu chạy không nhanh lắm, khi có tiếng còi tàu báo hiệu từ xa thì người đi tàu ra đứng gần với đường ray. Tàu còn chưa kịp dừng thì hành khách đã ùa lên chen nhau qua khung cửa chật hẹp để mong tìm được chỗ ngồi. Trong toa tàu chỉ có 2 dãy ghế gỗ sát vách tàu nên rất nhiều người phải đứng giữa toa mà lắc lư theo nhịp tàu chạy. Những chuyến tàu đó thường xuất phát ở Tuy Hòa (Phú Yên) và có 2 chuyến đến và đi dừng lại ở ga Tu Bông.
Khách đi tàu trong những ngày cuối tuần đông hơn những ngày khác vì có thêm các thầy cô giáo trẻ công tác ở các huyện từ Tu Bông trở vô. Một hai tuần mới gặp nhau nên có nhiều chuyện để kể và tất nhiên bất chấp là đứng hay ngồi, biết sắp về nhà là đủ vui rồi. Những chuyến tàu chợ đó đến ga nào cũng dừng lại năm bảy phút, từ ga Tu Bông chẳng bao lâu là tàu dừng lại ở ga Vạn Giã. Lại một lúc chộn rộn nữa vì thế nào cũng có thêm người bước lên là bạn bè của một ai đó trên tàu.
Những lúc may mắn có được một chỗ ngồi, tôi thích nhìn ra ngoài cửa sổ con tàu, những thửa ruộng, mỏm núi mà tàu lướt qua, về sau đã trở thành những cái mốc cho tôi biết là mình đang ở đâu. Tên của những nhà ga cũng trở nên quen thuộc dù đó chỉ là ga nhỏ mà tàu không ghé lại như: Ga Lạc An, ga Hòa Huỳnh...; ga Ninh Hòa là một ga lớn nên tàu dừng lại lâu hơn. Ai đã lên tàu ở những ga trước đều nhìn về phía cửa xem có bạn mình bước lên hay không vì Ninh Hòa là nơi có rất nhiều người Nha Trang ra công tác. Gặp được nhau thì tay bắt mặt mừng, cười nói ồn ào làm như đã lâu rồi không gặp.
Từ Ninh Hòa về Nha Trang có những đoạn đường ray rất gần quốc lộ nên tàu lửa chạy song song với xe cộ dưới đường cái. Qua khỏi Ninh Ích, thế nào người trên tàu cũng thấy được những người bạn của mình đang còng lưng đạp xe đạp dưới kia, thế là ai cũng vẫy tay, hò reo gọi tên bạn. Những người đang đạp xe có thể không nhận ra là ai nhưng vẫn vẫy tay theo cho tới khi chỉ còn thấy toa cuối của đoàn tàu. Qua một đoạn hầm nhỏ rồi đến ga Ngọc Hội là thấy Nha Trang, nhiều người bắt đầu chen ra cửa. Chúng tôi thường chia tay nhau ngay bên những con đường ray, vội vàng hẹn gặp nhau vào sáng thứ Hai, rồi đường nhà ai nấy về.
Một thời gian dài sau khi từ giã Tu Bông, tôi không đi tàu lửa, không biết phương tiện đường sắt thay đổi thế nào cho tới khi con tôi vào Sài Gòn thi đại học. Sự thay đổi của đường sắt gây ấn tượng cho nhiều người là khoảng năm 2000, tàu lửa bắt đầu có những toa tàu 2 tầng hiện đại, có trang bị máy lạnh. Những chuyến đi trở nên thú vị hơn vì số đông người thích trải nghiệm sự tiến bộ ấy, dần dần có thêm những toa giường nằm thì không còn ai nhớ tới những chuyến tàu chợ. Sự thay đổi ấy làm cho người ta không còn ngại những chuyến đi bằng tàu lửa và hài lòng hưởng thụ mọi tiện nghi, ga Nha Trang lại càng được nhắc đến nhiều hơn.
Tôi làm hành khách trên những chuyến tàu Nha Trang - Sài Gòn rất nhiều năm. Tàu lửa bây giờ không có hàng hóa lộn xộn, người đi tàu cũng lịch sự, ăn mặc đẹp đẽ, phong thái nhẹ nhàng. Những khoang tàu chỉ có 4 khách, cười nói vừa đủ và dễ dàng giao tiếp mà không làm phiền lẫn nhau. Dễ dàng tiếp cận nhau như thế, tôi nhận ra một điều thú vị là hầu hết các phụ nữ Nha Trang đi tàu lửa đều vào Sài Gòn thăm con đi học, ai cũng lỉnh kỉnh vài cái giỏ hay thùng xốp và khoe với nhau những gì mang theo, ngoài các loại hải sản còn có bánh phở, bột bánh canh và cả bánh mì, rồi kết luận mấy đứa nhỏ chỉ thích ăn mấy món này của Nha Trang mình. Sự yêu thích giống nhau đó nghe dễ thương quá đỗi như mấy chữ “Nha Trang mình”.
Ga Nha Trang mặc nhiên đã là một phần của thành phố, như Hòn Chồng, bờ biển, nhà thờ núi, chùa Long Sơn..., một cách nghiễm nhiên, gần gũi và thân quen nên nhiều khi trở nên bình thường. Cho đến một thời gian rộ lên tin đồn sẽ dời ga Nha Trang ra khỏi trung tâm thành phố hoặc dỡ bỏ ga Nha Trang thay bằng một cao ốc gì đó. Tin đồn chạm đến trái tim của người Nha Trang nên lại xôn xao sự phản đối và lại ồn ào các ý kiến phải bảo vệ cho được ga Nha Trang. Đến một ngày có thông báo chính thức phải giữ lại ga Nha Trang vì đây là một di tích lịch sử, ai cũng thở phào nhẹ nhõm thấy như lòng mình có được một cơn mưa rào.
Bây giờ, mặc dù có rất nhiều phương tiện di chuyển, tôi vẫn chọn tàu lửa mỗi khi có việc vào Sài Gòn. Phòng đợi của ga Nha Trang tuy cũ kỹ nhưng sạch sẽ, nhỏ gọn và gần gũi với ánh đèn vàng ấm áp, nhìn cũng khá đẹp. Khi ngồi trong phòng chờ nhìn ra con đường Thái Nguyên trước mặt lại thấy như đang từ một nơi cổ tích mà quan sát phố phường thời hiện đại. Những đường ray cũ vẫn ở đó lặng lẽ quan sát những cái ôm, những cái vẫy tay tạm biệt của người đi kẻ ở. Ga Nha Trang vẫn là chứng nhân các cuộc hành trình đi về, ngậm ngùi và hân hoan.
Cuộc sống như một đoàn tàu luôn hướng về phía trước và chúng ta là những hành khách luôn tin về những điều tốt đẹp hơn mà mình sẽ gặp.
LƯU CẨM VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin