23:42, 19/04/2024

Ngày xưa có một đảo hoang

ÁI DUY

Nhiều năm trước, có lần bạn rủ đi chơi đảo, cả nhà cùng cắm trại qua đêm. Dân ở phố biển, vài lần đi theo tour ra đảo này đảo kia nhìn quanh đông đúc vốn chẳng thấy hứng thú bằng chuyện nhảy ùm xuống nước tha hồ bơi lội ngắm mặt trời mọc, nhưng nghe khám phá hoang đảo thì lại là chuyện khác.

 toàn cảnh sống lưng khủng long Mỹ Giang, xa xa là các bể chứa xăng dầu.
Toàn cảnh "sống lưng khủng long" Mỹ Giang, xa xa là các bể chứa xăng dầu.

Đó là một chuyến đi tự túc, tự do, tự lo từ ăn uống cho tới nước nôi sinh hoạt, các loại thực phẩm, đồ dùng cá nhân. Ghe máy đón từ trong làng chài chở ra gần tới đảo thì dừng lại bên ngoài vì bãi đá lởm chởm lô xô trải dài chồm ra sát mép nước, phải thả thuyền thúng xuống đưa người vào dần. Ghe không ở lại cùng mà rút đi luôn, hẹn hôm sau tới đón. Trên đảo không homestay, resort lẫn những dịch vụ tối thiểu, không điện đóm nước nôi, thậm chí không cả bóng người. Dường như có vài cái rẫy trồng mì, trồng chuối ở những vạt đất hiếm hoi có địa thế bằng phẳng mặt bên kia của đảo, nhưng nói chung không có ai sống ở đây, một cái đảo đá có hình thù một con khủng long sần sùi nằm ngủ không có suối lẫn mạch nước ngầm, không có rừng, trơ trọi dưới mặt trời. Cả nhóm kéo nhau đi dọc cả cây số lượm củi khô mà trừ mấy hốc đá hoặc vách núi cao dựng đứng mới có chút bóng mát, ngoài ra chỉ nắng và nóng. Xen kẽ giữa hang hốc đồi núi bụi rậm và các khe nước ăn luồn vào sâu chỉ có đá, bãi đá nhọn sắc dưới chân, trước mặt, sau lưng. Bỏng rát còn hơn cát trên sa mạc khi nắng gắt. Và tất nhiên khi đêm xuống thì hơi lạnh từ sa mạc đá này tỏa ra như đền bù, nếu không có một đống lửa nhỏ sưởi ấm có khi phải ngồi co ro suốt đêm. Ai thích thì ra mấy đầu ghềnh buông câu, trẻ nhỏ xuống bơi lội ở mấy khe nước trong vắt, người nhóm lửa, người lặt rau vo gạo nấu cơm. Thứ dè sẻn nhất là nước ngọt dù đã chất theo trên ghe máy tới mấy can nhựa, cứ hình dung ra cảnh vẫy vùng dưới biển đã đời rồi quay lên mà chỉ được phát cho ca nước không đủ tráng. Người bạn dẫn đi ở trong nhóm thường theo ghe ra đây câu cá qua đêm mỗi cuối tuần, cũng chưa từng gặp cư dân ở đây bao giờ.

Tôi đã có một đêm màn trời chiếu đá không ngủ trên hòn đảo hoang đó giữa các tình thân, đủ để nhớ hoài. Lòng cứ nghĩ bao giờ mình trở lại nơi này, khi đó chắc chỉ có mình đổi thay chớ núi non biển đảo trầm mặc khô khan như vầy ắt cô đơn muôn đời. Và đó là đảo Mỹ Giang của năm 2002 ở phía nam Vân Phong, thuộc xã Ninh Phước, cách Ninh Hòa hơn 20km, cách đất liền chưa tới 1km.

Từ đó tới giờ, tháng 4 năm nay tôi mới quay lại Mỹ Giang mà không hề hẹn trước. Cảm giác bồi hồi là có thật. Tất nhiên tôi biết Mỹ Giang nay đã nằm trong quy mô cụm công nghiệp Nam Vân Phong cùng với Nhà máy đóng tàu Hyundai Việt Nam, Cảng tổng hợp Nam Vân Phong, Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong. Từ năm 2012, Kho ngoại quan xăng dầu Vân Phong đã đi vào hoạt động vận hành ngay trên hòn đảo khô cằn này với tổng diện tích trên đất 56,7ha và 42ha mặt biển. Hai cây cầu bê tông nối đất liền và đảo, một được làm từ năm 2008 đi qua khu vực dân cư, cầu mới bề thế hơn xây năm 2019 kết nối ra thẳng tỉnh lộ. Bước chân lên nơi ngày xưa chỉ là đồi núi hoang vu chơ vơ giữa biển, giờ trở thành một vị trí chiến lược an ninh cao với kho xăng dầu có tổng sức chứa lên tới 505.000m3 trong 29 bể chứa, hệ thống 4 cầu cảng có thể tiếp nhận tàu trọng tải lên đến 150.000 tấn mà không khỏi bàng hoàng. Đây chính là trung tâm trung chuyển xăng dầu lớn nhất nước và cả khu vực. Từ trên một cầu cảng lớn, tôi phóng tầm nhìn ra rất xa, tít tắp là Dốc Lết, kia là bãi đá ngày xưa ghe máy cập vào thả khách, dưới nước cá lội nhởn nhơ từng đàn. Trong cảng hiện có 2 chiếc tàu lai dắt đang làm nhiệm vụ đưa tàu lớn vào. Không phải ai cũng có cơ hội được quan sát tận mắt khu vực này ở thời điểm hiện tại. Loáng thoáng nghe ai đó kêu rằng thời tiết trên đảo rất khắc nghiệt, biên độ chênh lệch trong ngày rất cao. Đúng là một Mỹ Giang mà tôi đã từng.

Kho xăng dầu trên Mỹ Giang hiện nay.

Liệu Mỹ Giang có thể phát triển du lịch song song không? Theo tôi biết thì trong ít năm gần đây, giới trẻ có xu hướng thiên về du lịch khám phá, trekking các điểm hiếm và hiểm. “Sống lưng khủng long” là cụm từ dùng để chỉ một đường mòn, lối đi nhỏ trống trải và cheo leo ngang đỉnh núi không có vách, hiện cả nước chỉ có 5 điểm được du khách tìm đến chinh phục là đỉnh Tà Xùa (Yên Bái), Bình Liêu (Quảng Ninh), Háng Đồng (Sơn La), Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và hòn Mỹ Giang (Khánh Hòa). Tất cả đều có chung đặc điểm là rất khó để đặt chân lên, nhưng với “sống lưng khủng long” Mỹ Giang thì có vẻ dễ dàng hơn khi chỉ cần đi thẳng qua cầu trong khu dân cư ra đảo, chạy về khu vực còn núi đá cách biệt với kho xăng dầu vốn đã được rào kín. Từ chân núi lên tới đỉnh không cao lắm, nếu may mắn còn có thể chiêm ngưỡng được hồ nước vô cực xanh biếc giữa lưng trời được vây kín bởi vách đá. Trên “sống lưng khủng long” Mỹ Giang này sẽ ngắm được cả đất trời vịnh Vân Phong.

Và chắc không ai biết, Mỹ Giang đã từng là một đảo hoang bình yên trong tôi…

ÁI DUY