00:26, 23/09/2023

Cái thời đi đánh dây thép...

ÁI DUY

Thập niên 90 thế kỷ XX trở về trước, mỗi lần chia tay đi đâu, thế nào cũng bịn rịn dặn dò nhau nhớ viết thư, nhớ đánh điện tín. Viết thư thì ai viết cũng được, năm 10 tuổi tôi đã thành đứa viết thư không công cho bà ngoại. Ngoại có 4 người con ở xa, trong đó 3 người ở chiến trường. Cứ trưa là bà réo tôi tới ngồi cạnh để bà đọc cho chép lại. Bao giờ cũng có “Đầu thư...”, hễ nghe tới “cuối thư” là tôi mừng húm. Nhiều bữa làm biếng, tôi còn tự ý biên tập cho ngắn bớt, chắc không ai phát hiện ra. Thư viết xong, dán tem bỏ vào thùng thư trung bình một tuần tới nơi nếu có địa chỉ rõ ràng. Thư tay thường do khổ chủ giúi tận tay hoặc nhờ ai thân tín chuyển hộ thì nhanh hơn bưu điện chút.

 

Riêng điện tín chỉ dành cho những trường hợp khẩn cấp, thường là sau 1, 2 ngày tới nơi. Đánh điện tín còn gọi là đánh dây thép. Muốn đánh điện phải ra tận nơi đọc tin cho nhân viên bưu cục gửi, chữ nào tính tiền chữ đó. Năm 18 tuổi, lần đầu tôi xa nhà, việc đầu tiên khi đặt chân tới vùng đất mới là hỏi đường ra bưu điện đánh điện tín và chỉ đủ tiền để gửi mấy chữ “Con đã tới nơi bình yên”. Vậy mà không hiểu sao mãi 5 ngày sau, 6 chữ này mới về tới nhà, khiến người ở nhà suýt lên đường tìm con. Mà ngày ấy, chữ in ra trên bức điện gõ kiểu Telex không dấu, người nhận dịch ra được kể cũng phi thường. Những ai đã từng trải qua cảm giác mòn mỏi chờ con rùa dây thép từng ngày, từng giờ, nghe tiếng chuông xe đạp của bưu tá reng từ đầu ngõ là chạy nhanh ra đón nay chắc cũng sắp lên hàng cụ. Nhưng vậy cũng đã là thiên đường rồi, còn hơn chờ bồ câu lang thang.

Trước khi email, điện thoại di động và mạng xã hội phổ cập toàn dân thì còn có thời đại của điện thoại bàn. Trừ cơ quan ra thì chẳng nhà dân nào có, mãi đến những năm 90, các nhà buôn mới dần xin lắp đặt được phương tiện xa xỉ này. Để đôi bên có thể liên lạc với nhau ngay tức khắc không còn cách nào khác ngoài việc ra bưu cục đúng giờ đã hẹn, xếp hàng chờ, đưa số đối phương cũng là số của một bưu cục khác rồi chờ bưu cục bên kia nhận và chuyển giao cho vị khách có tên đó đang hồi hộp chờ tới phiên. Nghe được tiếng nhau bên kia đầu dây mừng phát khóc mà cũng phải hối hả nói kẻo lố phút quy định.

Lúc điện thoại bàn nở rộ vào cuối thập niên 90 thì cũng là lúc các trụ điện thoại thẻ mọc lên nhanh chóng ở các thành phố, thị trấn. Chỉ một cái cardphone mua tự do với nhiều mệnh giá khác nhau, có thể tới thẳng các trạm điện thoại công cộng nằm trên các lề đường lớn, cho thẻ vào rồi gọi thoải mái, chừng nào hết tiền trong thẻ thì thôi. Hồi đó, đi đâu xa mà cầm theo cái cardphone kể như là vững bụng. Tuy nhiên, chỉ ít năm sau đó, điện thoại di động tràn tới như cơn lốc đã cuốn phăng đi tất cả những trạm, trụ, buồng, bốt. Thế hệ 9x, 2k e rằng còn chưa kịp ghi nhớ trong đầu hình ảnh về các trụ điện thoại đường phố, trừ các mô hình phục dựng lại nhằm trang trí trong các quán xá bây giờ. 

Mà đó chỉ là liên lạc trong nước, còn viễn thông quốc tế thì mãi đến khoảng năm 2000 mới có thể gọi trực tiếp cho nhau không cần qua tổng đài bưu điện, nhờ thông qua mạng Internet.

Năm 2001, lần đầu tiên tôi cầm cái điện thoại di động của một người đang hôn mê trong phòng cấp cứu bệnh viện chạy ra ngoài hành lang gặp ai cũng nhờ mở giùm để gọi về nhà báo tin trong tuyệt vọng và đến người thứ 4 mới giúp được. Hơn 20 năm sau, những người bảo thủ nhất mà tôi biết cũng đã đổi năm bảy đời điện thoại và bây giờ không ai còn hỏi số điện thoại nữa, chỉ cần add nick Zalo, Facebook... Chỉ cần vài phút là những thông tin sự kiện liên quan lẫn chẳng liên quan dội cho choáng váng.

Đôi khi quá phiền hà vì tin nhắn, cuộc gọi vô bổ lại bâng khuâng nhớ cái thời ngắm không chán những dòng chữ nắn nót run rẩy, lời yêu thương chắt lọc dành cho nhau... Có lá thư viết tay nào, hay có ai bên kia đầu dây đang chờ người nhận ra nhau không cần nick name mà ngay từ nét bút, từ hơi thở?

ÁI DUY