12:06, 24/06/2017

Tâm bão

Giữa đường đi lấy tin bài, Túc tạt vào quán nước ven đường nghỉ chân. Trời nóng như đổ lửa, thèm một cánh võng để ngả lưng trong cơn say nắng choáng váng, nhưng Túc chỉ có thể dựa tạm vào gốc cây bàng mọc ngay giữa quán. Túc thấy người mình lả đi, không trọng lượng, tiếp đó chỉ còn lại cảm giác trôi bồng bềnh giữa quốc lộ như trôi trên chảo nắng.

Giữa đường đi lấy tin bài, Túc tạt vào quán nước ven đường nghỉ chân. Trời nóng như đổ lửa, thèm một cánh võng để ngả lưng trong cơn say nắng choáng váng, nhưng Túc chỉ có thể dựa tạm vào gốc cây bàng mọc ngay giữa quán. Túc thấy người mình lả đi, không trọng lượng, tiếp đó chỉ còn lại cảm giác trôi bồng bềnh giữa quốc lộ như trôi trên chảo nắng. Từng bản tin bị lốc xoáy bay tứ tung trên trời rồi rơi xuống đường, mặc xe cộ lao qua vùn vụt đầy bụi bặm… Giờ thì Túc muốn về nhà với con, về với làng quê yên bình và người mẹ già ngày đêm ngóng đợi. Túc đã xa nhà quá lâu rồi…

 


Quê Túc ở miền trung du, nằm giữa những cánh đồng xen kẽ uốn quanh dải đồi. Nơi ấy đã nuôi Túc cùng giấc mơ bền bỉ được trở thành một nữ phóng viên. Nuôi từ khi bố còn sống, chuyên đi đào ao đóng gạch lấy tiền đóng học phí cho Túc. Đến khi bố bị ung thư vì hít khói gạch và uống nguồn nước ô nhiễm thì chỉ còn mình mẹ kê vai gánh gồng nốt giấc mơ của Túc. Mười năm tuổi trẻ mệt nhoài hình như Túc chưa bao giờ cho phép mình dừng lại. Luyện thi vào trường báo chí là cuộc chiến đầu tiên. Thêm bốn năm ngồi trên ghế nhà trường, lóc cóc đạp xe khắp ngõ ngách phố phường nhặt lấy một mẩu tin nhỏ xíu là chặng đường kế tiếp. Ra trường, cầm tấm bằng trên tay chạy đôn đáo khắp nơi nộp hồ sơ xin việc. Cuối cùng thì Túc cũng xin được vào một tòa soạn báo. Hai năm thử việc chạy như điên trên các cung đường, khoản nhuận bút còm cõi chỉ đủ tiền thuê một căn phòng nhỏ và cơm canh đạm bạc qua ngày. Bữa cơm nào nghĩ về mẹ, Túc cũng khóc. Đêm nào Túc cũng vỗ về giấc ngủ của mình bằng tiếng hỏi han của mẹ “Con về đấy à? Có mệt lắm không?”. Bình yên chỉ vẻn vẹn có từng ấy.


Làm sao Túc dám nói với mẹ rằng mình đang đuối sức. Giấc mơ này là do Túc chọn. Chính Túc vẽ lên nó lung linh bằng những giọt mồ hôi của cha mẹ mình. Túc không hối hận mà cũng không được quyền hối hận, sẽ phải sống và yêu niềm đam mê ấy. Túc là vậy, đã yêu là yêu đến kiệt cùng. Như cách mà cô yêu Phong, chàng phóng viên đã bỏ nghề đi buôn, bỏ luôn cả đứa con trong bụng Túc. Từng hứa sẽ dành khoản tiền đó mua đất làm nhà để kịp đón con ra đời, nhưng cuối cùng Phong góp vốn đi buôn vì chê nghề bèo quá. Túc thì không sợ mang tiếng ăn học đàng hoàng mà lại chửa hoang. Thời này thiếu gì người làm mẹ đơn thân. Chỉ thương mẹ già ở quê chưa kịp qua cơn bão điều tiếng thì lại đến những đêm dài thức trông cháu ốm đau. Túc chỉ biết cố gắng chuyên tâm làm nghề để mong nghề không phụ người mà đủ nuôi mẹ già, con nhỏ. Mười năm sau ngày ra trường, Túc không biết đã vắt kiệt mình cho bao nhiêu bài báo. Tình yêu nghề lẫn cả chút tạp nham của cơm áo gạo tiền. Đau đấy nhưng biết làm sao được.



* * *


Mỗi năm lại có một vài trận bão lớn nhỏ quét qua thành phố. Lần nào dầm mình trong mưa bão lấy tin bài, Túc đều thấy mình bỗng chốc trở nên nhỏ bé. Bao nhiêu nỗi bất an cứ rình rập xâm chiếm tâm trí Túc. Như lúc đang đi trên đường ngập nước, cô tưởng tượng sẽ có một hố tử thần khổng lồ chỉ trực chờ Túc đến là há miệng nuốt chửng cả người lẫn xe. Hoặc những thân cây rỗng gốc tiềm ẩn hiểm nguy trong dáng hình cổ thụ kia biết đâu chỉ chờ một cơn bão là đổ quật xuống đường đúng lúc Túc vừa đi tới. Lúc ấy ai nuôi con Túc? Ai phụng dưỡng mẹ già? Ai sống để trả hết ân tình mà Túc đã nợ đời, nợ mẹ quá nhiều? Để chờ xem lời hứa của Phong đến cuối đời liệu có thực hiện được hay không? Túc không thích chết vì những nguyên do lãng xẹt. Hay ít ra cũng muốn chết trong lòng mẹ, trong sự bình yên của quê hương xứ sở, chứ không thể nào cái chớp mắt cuối cùng chỉ nhìn thấy một vòm trời thành phố đầy giông bão. Nên mỗi lần vào vùng tâm bão, Túc đều để tâm tưởng nghe theo tiếng con thơ đang bập bẹ chỉ đường. “Mẹ Túc. Mẹ Túc…”. Và lần nào bàn tay nhỏ xíu ấy cũng đưa lên cho Túc nắm. Đi theo con luôn là những bước chân bình yên nhất, không có hiểm nguy hay nỗi bất an nào xâm chiếm Túc.


Nhưng dạo này bỗng nhiên Túc thấy đuối sức. Đồng nghiệp bảo trời nắng, chỉ có dân lao động vất vả và cánh phóng viên là vẫn không ngừng phơi mặt ngoài đường. Túc thèm những tán cây hiếm hoi chìa bóng lá ra đường. Cây cũng xanh đến kiệt cùng để tạo ra bóng mát. Nương tựa vào cây trong những chặng hành trình mưa nắng bao giờ cũng khiến Túc thấy được an ủi. Phong từng bảo:


- Đam mê gì thì cũng phải sống cái đã. Như thân cây kia có xanh mãi được đâu. Một hôm nào đó sỏi đá và sức nóng của những khối bê tông phả lên sẽ khiến chúng rũ rượi như người mất sức.


- Ai cũng nghĩ như anh thì cuộc sống này sẽ thế nào?


 Phong cười bảo:


- Em ấu trĩ lắm. Thì em cứ sống theo cách em thích đi. Sẽ chẳng chết ai cả, chỉ có em là ngấp ngoải thôi.


Bây giờ bao nhiêu hoài bão của Phong hình như đều đã chết từ trong ý nghĩ. Không còn là Phong của thời sôi nổi đầy nhiệt huyết, của những năm tháng còn là sinh viên trường báo, lóc cóc đạp xe đi làm thêm để kiếm tiền mua sách. Nhìn Phong của hiện tại, Túc không mường tượng ra chàng trai mình đã từng yêu. Hai đứa có lần hét lên sung sướng khi thấy bài mình đăng trang nhất. Nhuận bút không đủ tiền đi lại viết bài nhưng vẫn dư để khao nhau một chầu kem. Đêm về còn âm ỉ sướng, lâng lâng trằn trọc thèm nghe một tiếng gà gáy báo canh ở quê nhà. Bao nhiêu năm trôi qua, Túc cũng không nhớ hết mình đã viết bao nhiêu bài báo, gặp gỡ bao nhiêu nhân vật, thấy tên của mình trên bao nhiêu số báo. Nhưng niềm vui của Túc vẫn không thay đổi, chỉ có điều nó điềm đạm và chìm lắng hơn bởi không còn có người để sẻ chia. Tính Phong là vậy, đã nhất quyết đoạn tuyệt cái gì là không muốn bận tâm hay dây dưa tới. Vậy mà sao đầu óc Túc cứ vương vấn mãi bóng hình Phong? Dù cả trăm lần tự nhắn nhủ đừng thương chi người không thương mình nữa.


Trong cơn say nắng mê man, Túc nghe thấy con cười. Tiếng cười lanh lảnh rơi vào lòng Túc mát lạnh tựa mạch nguồn. Rồi Túc ngửi thấy mùi trầu của mẹ. Mẹ Túc gần bảy mươi tuổi thích ăn trầu cuộn thêm vỏ vối. Mùi trầu hăng nồng phả vào ký ức Túc những điều thân thuộc nhất. Mẹ nổi lửa nấu canh cua với hoa thiên lý, ngọt và thơm như lòng mẹ. Túc thấy mình nhỏ dại, ngồi chìa bát chờ mẹ múc cho từng muôi canh nhỏ. Cơm trắng thơm, quện dẻo mùi đồng quê lẫn trong từng hạt gạo. Túc mơ mãi… mơ mãi cho đến khi có người lay dậy. Túc ngó lên nhìn mảnh trời bé xíu xuyên qua mái tôn chỉ thấy nắng là nắng. Mà đời Túc thì như cánh chim, sẽ vẫn luôn rướn sức bay kể cả trong mưa giông hay bão nắng…


. Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang