21:46, 15/10/2024

Vắng dần những khúc hát ru Raglai

GIANG ĐÌNH

Trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Raglai ở huyện miền núi Khánh Sơn, loại hình hát ru từng rất phổ biến trong đời sống thường ngày của người dân. Vậy nhưng, giờ đây, để nghe được lời ru con, ru em từ những người mẹ, người chị Raglai quả thực là điều rất hiếm gặp. 

Giấc ngủ của em bé Raglai ở Khánh Sơn. (Ảnh minh họa)
Giấc ngủ của em bé Raglai ở Khánh Sơn. (Ảnh minh họa)

1. Gần 15 năm trước, sau khi được Nghệ nhân Ưu tú Mấu Quốc Tiến cho xem bản dịch ghi lại âm sắc, lời ca làn điệu Du anảq (ru con), Du adơi (ru em) của đồng bào dân tộc Raglai, chúng tôi đã rất thích thú và đi tìm hiểu về thực trạng của những làn điệu hát ru này trong đời sống của đồng bào. Nhưng từ thời điểm đó, những làn điệu ru con, ru em đã dần mai một. Nghệ nhân Ưu tú Mấu Quốc Tiến từng chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi được lớn lên cùng lời ru của bà, của mẹ. Từ trên lưng mẹ, những lời ru cứ ngấm dần vào tâm hồn để khi lớn khôn vẫn mãi nhớ về những thanh âm ấy. Còn bây giờ, các em, các cháu không còn thuộc những lời hát ru đó nữa”. Mới đây, gặp lại và trò chuyện với Nghệ nhân Ưu tú Mấu Quốc Tiến, chúng tôi vẫn bắt gặp ánh mắt nuối tiếc như trước đây: “Đồng bào Raglai bây giờ không còn hát ru nữa…”.

Những lời hát ru từng được đồng bào Raglai sử dụng như sợi dây tình cảm gắn kết, chia sẻ giữa mẹ con, bà cháu, chị em. Những lời ru được ngân lên trong mỗi căn nhà; trên đường lên rẫy; khi trỉa bắp, trồng mì; lúc hái rau rừng... Và trên lưng mẹ, lưng chị, những em thơ chìm sâu trong giấc ngủ cùng âm thanh ngân nga nhẹ nhàng, đều đặn của những lời hát ru: “Này con ơi! chờ mẹ về nhé, mẹ đi rẫy thôi mà/Con nhỏ hãy ngủ đi này/Chiều mát mẻ rồi chiều sẩm tối, con cứ ngủ thiếp giấc say...”; hay “Em này em ơi! em hãy ngủ đi/Chị sẽ hái cho em trái đậu cúc đu đưa/Chiều mát mẻ rồi, em hãy ngủ đi/Mẹ đang từ trong rẫy đi về/Mẹ gùi nhiều củi về sưởi ấm... Ừ em ơi! cha đang đi làm rẫy xa/Mẹ đang xuống suối múc nước/Mà em ơi! đừng khóc nữa...”. Vậy nhưng, tất cả bây giờ có chăng chỉ là nỗi hoài niệm trong một số người già hoặc số ít những người quan tâm đến vốn văn hóa của đồng bào Raglai ở Khánh Sơn.

2. Theo Nghệ nhân Ưu tú Mấu Quốc Tiến, những câu hát ru của đồng bào Raglai thường có thanh âm dịu dàng, da diết để trẻ thơ dễ chìm vào giấc ngủ. Nội dung lời hát ru mộc mạc, đơn giản thể hiện cảnh sinh hoạt, lao động thường nhật trên nương rẫy của đồng bào, khung cảnh núi rừng tươi đẹp, bản làng thân thiết... Một số ít bài hát ru có nội dung đề cập về nguồn gốc tổ tiên của người Raglai, ca ngợi những người anh hùng trong huyền thoại: “Em thơ của chúng ta mai sau khôn lớn/Hãy nhớ gió mát tán cây đa/Nhớ con sông, nhớ rừng thiêng, nhớ con vật của rừng già/Hãy ngủ, ngủ đi em…”.

Trong cuốn “Văn hóa dân gian Khánh Hòa” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành năm 2014, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hảo (hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) có bài viết “Hát ru của người Raglai ở Khánh Hòa”. Trong đó có đoạn: “Đồng bào Raglai gọi hát ru là Du anảq (ru con), Du adơi (ru em). Cả Du anảq và Du adơi đều có giai điệu du dương, nhẹ nhàng. Nội dung những bài hát ru của người Raglai rất phong phú, chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, phản ánh chân thực đời sống của đồng bào Raglai”. Cũng theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Hảo, một điểm khá đặc biệt chính là môi trường diễn xướng hát ru không chỉ được đồng bào sử dụng trong sinh hoạt đời thường, mà còn được sử dụng trong sinh hoạt lễ hội.

Từng là một phương thức diễn xướng dân gian phổ biến của đồng bào Raglai, nhưng cũng như nhiều dân tộc khác, những lời hát ru đang dần mai một trong đời sống cộng đồng. Những năm gần đây, huyện Khánh Sơn đã thực hiện nhiều giải pháp phục dựng và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Raglai trên địa bàn. Kết quả ban đầu đã mang đến những tín hiệu tích cực khi một số lễ hội truyền thống được phục dựng; nhiều lớp truyền dạy sử dụng nhạc cụ truyền thống đàn đá, mã la được mở thu hút hàng chục thanh niên tham gia; hoạt động truyền dạy hát dân ca, sử thi Raglai cũng được thực hiện… Tuy nhiên, địa phương lại chưa để ý đến việc khôi phục những làn điệu hát ru cho đồng bào Raglai. Nên chăng, các tổ chức đoàn thể như: Phụ nữ, Đoàn Thanh niên trên địa bàn huyện quan tâm đến việc mở các lớp dạy hát ru cho hội viên, đoàn viên. Đây cũng là cách để góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai từ gốc rễ.

GIANG ĐÌNH