19:49, 21/05/2024

Tác giả Nguyễn Thế Kỷ với những xúc cảm về Trường Sa 

GIANG ĐÌNH

Lâu nay, công chúng vẫn biết đến PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương với vai trò của một nhà báo, nhà văn, nhà lý luận, phê bình văn học. Nhưng ông còn có nhiều bài thơ hay, trong đó có những dòng xúc cảm đặc biệt, chân tình về Trường Sa.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ.

1. Hơn 10 năm qua, chúng tôi vẫn thường nghe bài hát “Bâng khuâng Trường Sa” (nhạc Lê Đức Hùng, thơ Nguyễn Thế Kỷ). Những ca từ, giai điệu chân chất, mộc mạc khiến người nghe thổn thức hướng về miền biên đảo thân thương của Tổ quốc. Khi câu hát “Trường Sa ơi! mai tàu rời bến/Ta lại về phố thị thân thương/Vòng tay ấm bao chuyện buồn vui/Biển dẫu yên, lòng ta lay động…” được vang lên, những niềm tin yêu lại dâng trào trong trái tim mỗi người. Đặc biệt, với những ai đã từng có dịp đặt chân đến Trường Sa thì niềm thương, nỗi nhớ đó lại càng sâu nặng và thấu hiểu hơn. Ca khúc mang đậm chất tự sự với giai điệu lắng đọng đã thể hiện được tình cảm, sự biết ơn dành cho những người lính nơi hải đảo Trường Sa đang ngày đêm canh gác bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Phần ca từ của bài hát được chắt lọc từ bài thơ “Thao thức Trường Sa” của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ với những hình ảnh, ý tứ và cảm xúc thơ vừa da diết, gần gũi, vừa cuồn cuộn sóng trào. Sự hòa quyện giữa nhạc và thơ đã nâng cánh cho bài hát bay xa. Đã có nhiều ca sĩ lựa chọn và thể hiện thành công ca khúc này, trong đó có những ca sĩ trẻ như: Noo Phước Thịnh, Quốc Thiên, Đông Nhi - Ông Cao Thắng…

Một tiết mục văn nghệ về Trường Sa do các thiếu nhi biểu diễn trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một tiết mục văn nghệ về Trường Sa do các thiếu nhi biểu diễn trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm
94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

2. Đầu tháng 4 vừa qua, chúng tôi có dịp được nghe trực tiếp PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đọc trọn vẹn bài thơ “Thao thức Trường Sa” tại một buổi gặp mặt ở TP. Nha Trang. Chất giọng Nghệ An đặc trưng của tác giả bài thơ, cùng những cảm xúc chân thực trong từng câu chữ đã tạo ấn tượng mạnh đối với người nghe. Mọi người gần như lặng im khi nghe ông đọc những câu thơ: “Trường Sa ơi, ngày mai tàu cập bến/Ta lại về phố thị thân thương/Vòng tay ấm, bữa cơm sum họp/Và riêng, chung bao chuyện vui buồn/Biển dẫu yên mà lòng ta lại động/Lắng tin xa những cơn bão chập chờn/Bỗng hiển hiện trang sử thời mở cõi/Máu cha ông còn bầm đỏ hoàng hôn/Ôm lính đảo yêu tin bao gương mặt/Tuổi đôi mươi lồng lộng biển trời/Mắt trong vắt chưa một lần hò hẹn/Đêm mơ còn nũng nịu gọi - Mẹ ơi!”.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ, tháng 4-2012, ông có dịp tham gia đoàn công tác đến với các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Chuyến đi đó đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với cá nhân ông. Vào một buổi chiều, khi nhận được thông báo chỉ còn một đêm nữa tàu sẽ về đến đất liền, kết thúc hải trình thăm và làm việc ở Trường Sa, chút bâng khuâng, lưu luyến bỗng dâng trào trong tâm trí ông, cùng những cảm xúc được dồn nén đã thôi thúc ông viết nên những câu thơ ghi lại cảm nhận sâu sắc của mình với những người lính canh giữ biển trời Tổ quốc ở Trường Sa. Bài thơ “Thao thức Trường Sa” khắc họa hình ảnh những người lính trẻ đang tạm gác những cảm xúc riêng tư để viết tiếp bài ca giữ đảo, giữ sự bình yên cho đất nước.

3. Cùng với “Thao thức Trường Sa”, tác giả Nguyễn Thế Kỷ còn có những bài thơ khác cũng lay động lòng người, đồng thời góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Năm 1994, ông đã viết bài thơ "Trường Sa” với những câu lục bát đi vào lòng người: “Biển xanh ôm ấp trời xanh/Rồng Tiên thuở ấy sinh thành Trường Sa/Trùng khơi nào có ngái xa/Long lanh hạt cát đã là quê hương...”. Đến năm 2015, ông lại tiếp tục giới thiệu đến công chúng bài thơ “Tổ quốc”, trong đó có những câu thơ: “Ôi! Tổ quốc, biên cương chưa yên giấc/Đêm quặn lòng máu thịt Hoàng Sa/Ngày đỏ mắt Trường Sa giông bão/Lại bút, gươm giữ cõi, xây nhà”.

Bộ ba tác phẩm nêu trên đã thể hiện cảm xúc, sự quan tâm của tác giả Nguyễn Thế Kỷ đối với Trường Sa. Với ông, Trường Sa, Hoàng Sa là những địa danh để lại nhiều nỗi nhớ thương, niềm tự hào thiêng liêng đối với bất cứ người Việt Nam nào. Mỗi tấc đất, giọt nước ở đó đều thấm đẫm cống hiến, hy sinh của lớp lớp người dân Việt Nam. Những con người từ nhân dân đi ra, vì Tổ quốc phục vụ, nên trong tâm hồn họ luôn nặng tình với quê hương, xứ sở. “Trường Sa nắng nỏ bão giông/Cây phong ba với thành đồng lòng ta/Góc vườn xanh với tiếng gà/Cây súng thép với lời ca ngọt ngào” (Trường Sa). Đọc những vần thơ ấy, độc giả thấy được nỗi trăn trở, suy tư của ông về vùng biển, đảo thiêng liêng. Mỗi câu thơ như góp phần khẳng định niềm tự hào, trách nhiệm, tâm huyết của người dân đất Việt với bờ cõi, chủ quyền lãnh thổ do cha ông để lại.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ sinh năm 1960 tại tỉnh Nghệ An. Ông từng có nhiều năm công tác ở tỉnh này trước khi chuyển ra công tác tại Ban Tuyên giáo Trung ương. Ông từng giữ các chức vụ: Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Hiện nay, ông là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

GIANG ĐÌNH