Trước khi nổi danh sáng tác văn chương, Ngô Tất Tố tìm đến với văn chương quốc ngữ qua những tác phẩm dịch từ Hán văn. Ông dành nhiều thời gian để dịch, chú giải các tác phẩm triết học và văn học cổ có lẽ là để chuẩn bị chất liệu cũng như rèn luyện, sử dụng một ngôn từ, chữ viết mới thay thế cho lối văn chương kiểu cũ. Đồng thời với việc học chữ Hán, Ngô Tất Tố cũng học thêm chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp khi còn trẻ nên ông có điều kiện cập nhật được văn phong cũng như hơi hướng mới của thời đại.
Tiểu thuyết chương hồi "Hoàng Lê nhất thống chí" (Ngô gia văn phái) do Ngô Tất Tố dịch năm 1942. |
Ngô Tất Tố với vốn Hán học uyên thâm được thừa hưởng từ truyền thống của gia đình, ông đã đỗ đầu trong kỳ thi khảo hạch cuối cùng ở Bắc Ninh vào năm 1915 nên được gọi là “đầu xứ Tố”. Sống thấm đẫm trong môi trường văn chương cổ điển từ nhỏ, vì thế Ngô Tất Tố cảm nhận được phong khí của thơ ca cổ bởi tác phẩm dịch của ông tự thân đã truyền tải được hồn cốt và ý tứ của người xưa. Ngô Tất Tố dịch các tác phẩm thơ Đường cũng như thơ văn chữ Hán thời Lý, Trần... ra chữ Quốc ngữ một cách thuận lợi. Những bản dịch của ông khi mới ra đời đăng tải trên các báo: An Nam tạp chí, Thần Chung, Trung Bắc chủ nhật... đã được đánh giá cao. Nhiều bản dịch được lựa chọn đưa vào trong sách giáo khoa đương thời và được coi là những bản dịch chuẩn mực.
Ngô Tất Tố sinh ra và lớn lên trong buổi giao thời giữa nền cựu học và tân học, khi Nho học đã dần thất thế, tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ đang được thay thế dần. Cái học văn chương cử nghiệp không còn quan trọng nữa mà buộc những nho sĩ như ông phải thay đổi để hòa mình vào thời đại mới. Ngô Tất Tố đã không chỉ thích nghi mà còn vững vàng trụ lại ở vị trí hàng đầu với nhiều tác gia cùng thời. Các tác phẩm dịch của Ngô Tất Tố nhằm nêu lên những gương luân lý, gương anh hùng khí tiết của cổ nhân để khuyến khích mọi người tinh thần yêu nước, độc lập và tự chủ. Cách chuyển ngữ với những câu văn xuôi dễ hiểu, ngắn gọn, gần gũi nên đọc truyện cổ Trung Hoa được Ngô Tất Tố dịch không thấy xa lạ. Dịch giả đã vận dụng thuần thục ngôn từ dân gian, các từ Hán Việt, tục ngữ phong dao, ngôn ngữ dân dã hằng ngày để chuyển tải ngôn ngữ dịch gần gũi, dung dị tới bạn đọc.
Với thế mạnh về cổ văn, Ngô Tất Tố đã chọn dịch “Cẩm Hương đình” đầu tiên vào năm 1915 khi ông mới 21 tuổi. “Cẩm Hương đình” là một trường thiên tiểu thuyết được sáng tác từ đầu thời nhà Thanh. Bản dịch cho thấy khả năng tư duy và sử dụng chữ Quốc ngữ dịch tiểu thuyết chữ Hán của ông rất sống động và uyển chuyển, là cuộc thử bút trước cổng làng văn Quốc ngữ của Ngô Tất Tố. “Cẩm Hương đình” đề cao chính nghĩa, chủ nghĩa anh hùng, tinh thần trượng nghĩa, đạo quân thần, đạo Phật... có giá trị với hoàn cảnh của đất nước ta lúc bấy giờ.
Đến năm 1928, Ngô Tất Tố dịch “Ngô Việt Xuân Thu” đăng đầu tiên ở An Nam tạp chí. Năm 1942, ông dịch tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí” với mục đích “bởi nó là thứ truyện chí, chép những sự thật, có thể giúp cho chính sử, vả lại, công việc trong hồi Lê mạt, chỉ có tập này ghi lại tường tận mà thôi, cho nên các nhà chép sử sau này đều dùng làm tài liệu”; năm 1943 dịch và chú giải “Kinh Dịch”, bộ sách cổ phương Đông về Tu Tề Trị Bình.
“Đường Thi” được dịch và in năm 1940 là công trình nghiên cứu và dịch thuật thơ Đường tiêu biểu của Ngô Tất Tố được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao. Ông đã giới thiệu 23 nhà thơ cùng với 56 bài thơ tiêu biểu. Mỗi bài thơ đều có in nguyên bản chữ Hán, phiên âm Hán Việt, phần trích điển cố và giải thích điển cố cùng bối cảnh cũng như nội dung sáng tác của bài thơ. Đặc biệt phần dịch vần, tác giả đã không bị niêm luật gò bó, “phá cách mà dịch ra bằng nhiều thể, hoặc thể thơ, hoặc thể lục bát, hoặc thể song thất lục bát, tiện thể nào thì dùng thể ấy, cốt cho bài dịch không sai ý của nguyên văn và cũng không mất vẻ mỹ thuật của nghề thơ”. Chính vì thế nên nhiều bản dịch thơ Đường của Ngô Tất Tố được nhiều người thuộc và sử dụng rất phổ biến như bài “Lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng”: “Bạn từ lầu Hạc lên đường/ Giữa mùa hoa khói, châu Dương xuôi dòng/ Bóng buồm đã khuất bầu không/ Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời”.
Quá trình dịch thuật các tác phẩm kinh điển của Trung Hoa từ “Lão Tử”, “Mặc Tử” đến “Đường Thi”, “Kinh Dịch” và các tiểu thuyết Hán học là văn liệu khiến ngòi bút của Ngô Tất Tố càng trở nên uyển chuyển và gần với hơi hướng thời đại hơn để tạo ra các tác phẩm sâu lắng. Những đóng góp về dịch thuật và khảo cứu của ông không những ảnh hưởng tới đời sống văn chương đương thời mà nó cũng là chất liệu tác động trở lại tới các sáng tác của chính bản thân để Ngô Tất Tố cho ra đời các tác phẩm có giá trị.
Theo qdnd.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin