Ngày nay, cả thế giới đều quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Muốn bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách bền vững cần đưa di sản văn hóa vào phục vụ du lịch để có kinh phí bảo tồn. Và cách tốt nhất chính là để cộng đồng (chủ nhân của di sản văn hóa) được hưởng lợi từ di sản văn hóa, để từ đó họ ra sức bảo tồn những di sản văn hóa mà cha ông đã để lại.
1. Mới đây, tôi cùng các doanh nghiệp du lịch Khánh Hòa có dịp đến tham quan làng cổ dân gian Naganeupseong (thành phố Suncheon, tỉnh Jeollanam-do, Hàn Quốc). Tham quan làng cổ, ai cũng thán phục cách bảo tồn và khai thác di sản văn hóa của xứ sở kim chi. Ra đời từ đầu thế kỷ XIV, dưới triều đại Joseon, làng cổ Naganeupseong được bảo tồn gần như nguyên vẹn đến ngày nay. Toàn bộ ngôi làng được bao bọc bởi thành đá cao khoảng 4m, rộng 3m với diện tích khoảng 60.000m2, phía trong là hơn 200 mái nhà hình cây nấm được lợp bằng rơm. Điều đặc biệt, hiện vẫn còn 85 hộ gia đình và 229 nhân khẩu sinh sống nơi đây. Năm 2011, UNESCO đã công nhận Naganeupseong là di sản văn hóa thế giới. Ngôi làng cổ này đã trở thành phim trường của nhiều bộ phim nổi tiếng như: Nàng Dae Jang Geum, Thần Y Hur - Jun, Truyền thuyết Jumong, 100 ngày của hoàng tử… Khi được giới thiệu đây là phim trường của Nàng Dae Jang-Geum, ai cũng rất háo hức muốn đến tham quan, chụp hình lưu niệm. Đi vào làng, du khách như đi xuyên không về thời phong kiến khi thấy những bức tượng mô phỏng hình ảnh quan lại xét xử người phạm tội, lính canh cổng thành… và cả một nhịp sống chậm rãi mấy trăm năm trước vẫn đang tiếp diễn. Giữa thời đại kinh tế số, những người dân ở đây chấp nhận một cuộc sống gần như xa rời thế giới văn minh để bảo tồn di sản. Cuộc sống của họ chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp với vườn nhỏ để trồng rau, hoa màu, chăn nuôi theo mùa, buôn bán đồ ăn và hàng lưu niệm cho du khách. Mức thu nhập của họ không cao nhưng người dân rất tự hào vì đã gìn giữ được di sản văn hóa của cha ông để lại.
Cũng tại Jeollanam-do, đoàn còn được tham quan chùa Daehung-sa được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới năm 2017. Khi đến thăm chùa, chính quyền địa phương đã mời nhà sư trụ trì trực tiếp giao lưu với khách, kể chuyện về lịch sử của chùa, những di sản văn hóa đang được lưu giữ tại đây. Người đại diện của chính quyền địa phương cho biết, Hàn Quốc tổ chức định kỳ các sự kiện ở từng địa phương nhằm xúc tiến chương trình nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp xã hội, tạo điều kiện cho toàn dân hiểu về giá trị của đất nước mình để người dân thấm nhuần những gì mình đang có, có ý thức tuyên truyền cho cộng đồng quốc tế. Hàn Quốc rất khuyến khích việc giới thiệu các phong tục tập quán đặc trưng đến du khách nước ngoài bằng cách rất tự nhiên và thực tế. Chẳng hạn khi giới thiệu về Phật giáo, về những ngôi chùa cổ, họ mời du khách đến thăm ngôi chùa đó, được nghe giảng đạo, tham gia các công việc của nhà chùa, xem những không gian tái hiện cuộc sống sinh hoạt của người Hàn Quốc xưa… Qua những hoạt động này, du khách nước ngoài, đặc biệt là các bạn trẻ cảm nhận được rõ nét truyền thống của Hàn Quốc.
Làng cổ dân gian Naganeupseong ở Jeollanam-do (Hàn Quốc). |
2. Ở Việt Nam, trong thời gian vừa qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã thu được những kết quả tốt hơn trước. Hội An (Quảng Nam) được đánh giá là một trong những điểm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tốt nhất cả nước. Ở đó, cộng đồng cư dân phố Hội đã dựa vào sức hút của di sản để kinh doanh buôn bán… và họ rất có ý thức trong việc bảo tồn di sản văn hóa để có thể khai thác kinh tế một cách lâu dài. Tuy nhiên, điểm sáng như Hội An chưa nhiều.
Khánh Hòa có hệ thống di tích, di sản văn hóa rất phong phú. Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 16 di tích xếp hạng quốc gia; 180 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ bỏ mả của người Raglai, lễ hội Cầu ngư). Ngoài ra, nghệ thuật bài chòi của Trung bộ Việt Nam (trong đó có tỉnh Khánh Hòa) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những năm qua, các địa phương, đơn vị chức năng trong tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm giữ gìn, bảo vệ hệ thống di tích, di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, phát huy giá trị di sản văn hóa để phục vụ du lịch. Tuy nhiên, việc này vẫn còn có những hạn chế. Ngoài một số điểm nổi bật như: Tháp Bà Ponagar, chùa Long Sơn, Nhà thờ Chánh Tòa, Bảo tàng Hải dương học đã quen thuộc với du khách, rất nhiều di tích có giá trị như: Thành cổ Diên Khánh, Am Chúa, Bảo tàng A.Yersin, hệ thống đình, chùa trên địa bàn tỉnh… chưa được đưa vào các tour, tuyến tham quan du lịch hoặc có nhưng lượng khách tham quan rất ít ỏi.
Nhìn nhận một cách thẳng thắn, dường như chúng ta mới làm tốt công tác bảo tồn chứ chưa làm tốt việc phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch. Các di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội Cầu ngư cùng nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống khác chưa được khai thác để phục vụ du lịch. Các hoạt động tuyên truyền, khuyến khích người dân tìm hiểu di sản, bảo vệ di sản nặng về hình thức hơn là thực chất. Chính vì vậy, người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ chưa thật sự thấu hiểu về di sản văn hóa, chưa có ý thức cao trong việc giữ gìn và quảng bá văn hóa truyền thống.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng, nguồn lực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa còn hạn chế nên không thể rập khuôn cách làm của những đất nước có kinh tế phát triển như Hàn Quốc. Tuy nhiên, không thể không băn khoăn suy nghĩ về cách thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đối với hoạt động du lịch. Và tôi tin rằng, nếu suy nghĩ một cách thấu đáo, có sự kết hợp chặt chẽ giữa ngành văn hóa, du lịch với doanh nghiệp…, Khánh Hòa có thể làm tốt hơn nữa việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong hoạt động du lịch.
XUÂN THÀNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin