Việc nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa chuyển sang viết cho thiếu nhi sau khi nghỉ hưu làm mọi người rất ngạc nhiên và thú vị, bởi ông nổi danh với những bài báo trào phúng trên "Tuổi trẻ cười" dưới bút danh "Hai Cù Nèo" hay "Điệp viên không không thấy"…
Việc nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa chuyển sang viết cho thiếu nhi sau khi nghỉ hưu làm mọi người rất ngạc nhiên và thú vị, bởi ông nổi danh với những bài báo trào phúng trên “Tuổi trẻ cười” dưới bút danh “Hai Cù Nèo” hay “Điệp viên không không thấy”… Có lẽ tâm hồn hài hước, hồn nhiên vốn có của Lê Văn Nghĩa rất gần gũi với tâm hồn tuổi thơ nên việc ông chuyển sang mảng văn học thiếu nhi tự nhiên như một cuộc chơi và công chúng, nhất là bạn đọc nhỏ tuổi hào hứng đón nhận quà của nhà văn: Tào lao xịt bộp (tập truyện ngắn, năm 2010); Mùa hè năm Petrus (truyện dài, năm 2012); Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (truyện dài, năm 2014); Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (tạp bút, năm 2018); Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (truyện dài, năm 2018).
Với tập truyện Mùa tiểu học cuối cùng ấn hành năm 2020, đúng như nhiều nhà phê bình và bạn đọc đánh giá - như lời mời gọi tha thiết của cậu bé - tác giả Lê Văn Nghĩa để trở lại ngôi trường Tiểu học Bình Tây Chợ Lớn đất Sài Gòn đầu thập niên 60. Dưới ngòi bút hài hước, tưng tửng với rất nhiều ngôn ngữ “cổ” của giới học trò Sài Gòn thập niên 60, tập sách đúng là một bức tranh, một bộ phim vô cùng sống động, tự nhiên của trẻ con khu Chợ Lớn. Lê Văn Nghĩa có cách kể rất “Sài Gòn”, cà tưng cà tửng và cà rỡn nên chuyện gì cũng vui cũng ngộ với các nhân vật, từ cô giáo, anh nhà báo, anh y sĩ, anh bán kem… Ngộ nhất là thế giới học trò từ chính cậu “nhà báo” - tác giả tới thằng Ty, thắng Cảnh, con Thu, Út Đẹt… với cả mấy chục nhân vật trong lớp, trong trường, ngoài xóm… Và hiển nhiên, với tuổi thơ thì có rất nhiều trò theo đúng “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Tuy nhiên, kiểu chơi của lũ nhóc trong Mùa tiểu học cuối cùng có nét rất riêng, rất lạ đó là “cà tưng”. Đây là cách nói đùa giỡn hồn nhiên của các cô bé, cậu bé giữa trung tâm Sài Gòn thập niên 60 nên tính sử liệu vô cùng quý giá, dù vẫn biết đây là sự sáng tạo có tính riêng biệt của nhà văn nhưng ai cũng nghĩ đó là cuộc sống tuổi thơ một thời.
Không chỉ nghịch ngợm, đùa giỡn hay quậy phá trong mọi hành động, lũ trẻ con ở trường Bình Tây vẫn tràn đầy tâm hồn trong sáng, yêu kính thầy cô, vâng lời cha mẹ, yêu quý bạn bè, tôn trọng lẽ phải, trọng tình trọng nghĩa. Đó chính là thông điệp nhà văn muốn đem lại.
Có một điều rất cảm động là cuốn sách được viết khi nhà văn đã lâm bệnh nan y cùng tuổi cao sức yếu nhưng tâm hồn vẫn hồn nhiên, lạc quan. Đây thực sự là nghị lực lớn của một cây bút yêu tuổi thơ. Vì vậy, cuốn sách được bạn đọc coi như món quà quý của một “học trò lớn” người Sài Gòn thứ thiệt dành tặng. Nhà văn Lê Văn Nghĩa sinh năm 1953 tại Chợ Lớn, Sài Gòn; ông mất tháng 7-2021 khi cuốn sách đang được bạn đọc chào đón.
Quyển sách Mùa tiểu học cuối cùng được trao tặng Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2021 (diễn ra vào tháng 2-2022) như sự tri ân trước cống hiến của nhà văn với tuổi thơ Việt Nam.
Dương My Anh