Sau gần 18 tháng chờ đợi, Câu lạc bộ bài chòi Khu V đã ra mắt cuối tháng 4. Từ đây, những nghệ nhân, nghệ sĩ và người yêu mến nghệ thuật bài chòi trải chiếu cùng gặp gỡ, giao lưu và thực hiện các buổi biểu diễn phục vụ khán giả.
Sau gần 18 tháng chờ đợi, Câu lạc bộ (CLB) bài chòi Khu V đã ra mắt cuối tháng 4. Từ đây, những nghệ nhân, nghệ sĩ và người yêu mến nghệ thuật bài chòi trải chiếu cùng gặp gỡ, giao lưu và thực hiện các buổi biểu diễn phục vụ khán giả.
Lan tỏa nét đẹp bài chòi
CLB bài chòi Khu V trực thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh được thành lập với 25 thành viên. Tuy xuất thân của mỗi người khác nhau nhưng họ đều có chung tình yêu, niềm đam mê với nghệ thuật bài chòi và mong muốn lan tỏa loại hình nghệ thuật này trong cuộc sống hôm nay. Điều này đã phần nào được thể hiện ngay trong buổi lễ ra mắt, khi các thành viên luân phiên biểu diễn 6 tiết mục hát múa, đơn ca, song ca, biểu diễn trích đoạn, diễn hoạt cảnh, tạo nên bầu không khí sôi nổi. “CLB bài chòi Khu V đi vào hoạt động sẽ cố gắng góp phần duy trì, phát huy loại hình nghệ thuật này đến quần chúng, nhất là các bạn trẻ. Sắp tới, các thành viên trong CLB sẽ tham gia biểu diễn ở các tụ điểm sân khấu đường phố để truyền bá cho người dân và khách du lịch biết về dân ca bài chòi”, nghệ sĩ Bích Vương - Chủ nhiệm CLB bài chòi Khu V cho biết.
Việc thành lập CLB bài chòi Khu V đã đáp ứng được nhu cầu về một sân chơi, một nơi sinh hoạt của những người từng có thời gian dài gắn bó với dân ca bài chòi. Ở CLB, chúng ta có thể thấy sự xuất hiện của những nghệ sĩ nổi tiếng của sân khấu dân ca kịch bài chòi như Mỹ Hạnh, Bích Vương, Bích Thủy, hay những nghệ nhân bài chòi dân gian như Bạch Lan, Ngọc Sơn; đặc biệt nhiều cựu giáo chức có niềm yêu thích nghệ thuật bài chòi cũng gia nhập CLB. “Tôi đã có 37 năm đứng trên sân khấu ca kịch bài chòi để đóng rất nhiều vai diễn. Nay tôi đã nghỉ hưu được 3 năm, nhưng tình yêu và niềm đam mê với nghệ thuật bài chòi đã ngấm sâu vào huyết mạch. Vì vậy, được tham gia CLB, được biểu diễn trở lại cho mọi người xem, bản thân tôi cảm thấy rất vui và xúc động”, nghệ sĩ Bích Thủy chia sẻ.
Cùng chung niềm vui khi CLB bài chòi Khu V ra mắt và đi vào hoạt động, nghệ nhân Bạch Lan (xã Suối Tân, huyện Cam Lâm) đã không quản ngại đường xa để về tham dự. Trong buổi lễ, nghệ nhân Bạch Lan đã cùng nghệ nhân Ngọc Sơn gửi tới mọi người trích đoạn dân ca bài chòi Chuyện tình trong vương phủ. Theo nghệ nhân Bạch Lan, sự ra đời của CLB bài chòi Khu V đã đáp ứng được nhu cầu của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ và những người yêu mến dân ca bài chòi. Từ đây, mọi người đã có chỗ để sinh hoạt, biểu diễn và thỏa mãn niềm đam mê, cũng như ước muốn lan tỏa nghệ thuật bài chòi đến nhiều người hơn.
Gia tăng việc quảng bá di sản
Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi dân gian của các tỉnh khu vực miền Trung bao gồm 2 loại hình: Bài chòi hô bài và bài chòi trải chiếu. Bài chòi hô bài hay còn gọi là bài chòi giàn được xem là một trò chơi dân gian, một loại hình vui chơi, giải trí của người dân. Với hệ thống 33 quân bài được đặt tên khác nhau, người chơi sẽ ngồi trên 9 hoặc 11 chòi (giàn) để chơi. Người hô bài (được gọi là Hiệu) sẽ sử dụng làn điệu xuân nữ để hát các câu có nội dung liên quan đến quân bài. Từ những hoạt động hát hô bài giàn, người dân đã sáng tạo nên bài chòi kể chuyện hay còn gọi là bài chòi trải chiếu. Các nghệ nhân xưa đã lấy những làn điệu bài chòi gồm: Xuân nữ, xàng xê, hò quảng, cổ bản để kể lại những tích truyện dân gian như: Thoại Khanh Châu Tuấn, Tống Trân Cúc Hoa, Lâm Sanh Xuân Nương, Phạm Tải Ngọc Hoa… Bài chòi kể chuyện còn có bước phát triển mạnh hơn khi trở thành nghệ thuật sân khấu kịch hát. Ở Khánh Hòa, nghệ thuật bài chòi trải chiếu có sự phát triển mạnh mẽ và rất được người dân ưa chuộng vì họ thích nghe kể các tích truyện xưa. Còn bài chòi hô bài vẫn hiện diện, nhưng người dân Khánh Hòa lại không quá đam mê như người dân ở các địa phương khác trong khu vực.
Lâu nay, loại hình CLB bài chòi hô bài đã được chúng ta thành lập ở nhiều nơi để lưu truyền, phát huy giá trị về một loại hình trò chơi giải trí của người xưa. Còn CLB bài chòi trải chiếu thì đến hôm nay chúng ta mới có CLB đầu tiên, dù trong thực tế, người dân vẫn tự tổ chức các hội nhóm dân ca bài chòi để sinh hoạt, biểu diễn. Theo ông Văn Đình Ân - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, trước đây, trung tâm đã có quyết định thành lập CLB bài chòi cổ Khánh Hòa, với các thành viên chủ yếu thực hiện nhiệm vụ trình diễn hô bài chòi ở khu vực công viên bờ biển gần Quảng trường 2-4, Nha Trang. Còn sự ra mắt CLB bài chòi Khu V nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể bài chòi miền Trung một cách đầy đủ cả 2 loại hình. Thông qua CLB này, trung tâm hướng đến việc tổ chức các chương trình biểu diễn dân ca bài chòi để khán giả, nhất là khán giả trẻ hiểu hơn về nét đẹp của nghệ thuật bài chòi. Một điều khá thuận lợi là CLB bài chòi Khu V đã quy tụ được sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ có tài năng, kinh nghiệm về loại hình nghệ thuật này.
Bài chòi là loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở các tỉnh miền Trung nói chung và Khánh Hòa nói riêng. Trên hành trình phát triển của mình, nghệ thuật bài chòi dân gian đã từ một trò chơi thành một loại hình biểu diễn sân khấu. CLB bài chòi Khu V đi vào hoạt động sẽ góp phần quảng bá di sản bài chòi đến khán giả hôm nay.
Giang Đình