Khánh Hòa vốn có kho tàng di sản văn hóa độc đáo và hiện vẫn còn được lưu giữ. Để những di sản đó phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng, nhiều năm qua, địa phương đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực.
Khánh Hòa vốn có kho tàng di sản văn hóa (DSVH) độc đáo và hiện vẫn còn được lưu giữ. Để những di sản đó phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng, nhiều năm qua, địa phương đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực.
Giữ lại nhiều nét đẹp
Những năm qua, tỉnh đã có nhiều đề án, dự án nhằm gìn giữ giá trị DSVH. Đó là dự án sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền DSVH truyền thống điển hình của 3 dân tộc thiểu số Raglai, Êđê, T’rin; bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Cầu ngư. Di sản nghệ thuật bài chòi cũng đã có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị DSVH phi vật thể giai đoạn 2015 - 2020. Gần đây, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát huy giá trị DSVH phi vật thể bài chòi giai đoạn 2020 - 2023.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) chủ động xây dựng, biên tập, phát hành nhiều tập sách mang tính chuyên sâu về các DSVH trên địa bàn tỉnh như: Các di tích thờ Mẫu ở Khánh Hòa; Đình làng Khánh Hòa; Khánh Hòa - Di tích và danh thắng tiêu biểu; Tài liệu hướng dẫn thực hành nghi lễ tại các đình làng Khánh Hòa; Nghệ thuật bài chòi ở Khánh Hòa; Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa… Ngoài ra, Sở VH-TT đã thực hiện các phim tư liệu như: Lễ hội Tháp Bà; Du lịch Hòn Chồng; Nha Trang - Dấu xưa đình cổ; Diên Khánh - một miền di tích; Lễ hội Cầu ngư làng Trường Tây (TP. Nha Trang); Lễ hội cúng xuân đình làng Phước Đa…
Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở VH-TT cho biết: “Việc quan tâm đầu tư và bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các dự án, đề án về sưu tầm hiện vật cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH phi vật thể đã góp phần gìn giữ, lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống trong cộng đồng dân cư. Thời gian tới, Sở VH-TT sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu việc phân bổ kinh phí để các DSVH trên địa bàn tỉnh tiếp tục được bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị”.
Phát huy giá trị di sản
Song song với công tác bảo tồn DSVH, nhiệm vụ phát huy giá trị văn hóa gắn với hoạt động du lịch cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan chức năng. Sở VH-TT đã in 300 đĩa DVD Khám phá văn hóa Khánh Hòa bằng tiếng Việt và phụ đề tiếng Anh. Bộ sưu tập trang sức của người cổ Hòa Diêm được sưu tầm, nghiên cứu và đưa vào trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng tỉnh. Tập sách Nghệ thuật bài chòi tỉnh Khánh Hòa được hoàn thành đã góp phần tuyên truyền, quảng bá về nét đẹp văn hóa, nghệ thuật của loại hình diễn xướng dân gian này đến du khách. Tại di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng đã in ấn những tài liệu giới thiệu ngắn gọn, súc tích về di tích, danh thắng để phát cho du khách; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn ra thường xuyên tại 2 điểm du lịch này và không ngừng nâng cao chất lượng. Những hoạt động biểu diễn nghệ thuật múa Chăm, nhạc cụ dân tộc truyền thống, trình diễn dệt thổ cẩm, làm gốm Bàu Trúc, trưng bày thư pháp… đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.
Bảo tàng tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động triển lãm, trưng bày chuyên đề về văn hóa để giới thiệu, quảng bá đến người dân và du khách. Các hội thi tìm hiểu, tuyên truyền, giới thiệu di tích lịch sử văn hóa trong cộng đồng ở địa phương và khách du lịch được tổ chức định kỳ đã góp phần nâng cao nhận thức cho mọi người.
Theo ông Lê Văn Hoa, thời gian tới, Sở VH-TT sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về các DSVH, phục dựng các hoạt động văn hóa truyền thống, trò chơi dân gian; nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội gắn với phát triển du lịch, thu hút du khách tham quan, tăng khả năng quảng bá những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương đến bạn bè trong và ngoài tỉnh. Để thực hiện tốt những nội dung trên, cần nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, vị trí của DSVH; từng bước xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản về quản lý di sản; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan, tạo nên sự thống nhất trong công tác quản lý.
Giang Đình