10:04, 26/04/2019

Nha Trang thành phố tôi yêu

Đó là tên bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Dung dành tặng Nha Trang trong thập niên 80 của thế kỷ trước. Cùng với Ơi Nha Trang mùa thu lại về (Văn Ký), Nha Trang thu (Phó Đức Phương), Biển hẹn Nha Trang (Phạm Minh Tuấn), Nha Trang biển nhớ (Văn Chừng), ....

Đó là tên bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Dung dành tặng Nha Trang trong thập niên 80 của thế kỷ trước. Cùng với Ơi Nha Trang mùa thu lại về (Văn Ký), Nha Trang thu (Phó Đức Phương), Biển hẹn Nha Trang (Phạm Minh Tuấn), Nha Trang biển nhớ (Văn Chừng), Nguyện làm con sóng (Đỗ Trí Dũng), Nha Trang ngày mới (Trọng Đài) và rất nhiều ca khúc khác về Nha Trang thì ca khúc của Văn Dung thật sự tươi tắn, trong veo như biển trời Nha Trang và có giai đoạn được lấy làm nhạc hiệu cho sóng phát thanh buổi sáng.

 

Một góc biển Nha Trang.

Một góc biển Nha Trang.


Với Nha Trang, nhạc sĩ Văn Dung thực sự coi như mảnh đất quê nhà vì rất yêu biển. Ông có những tác phẩm về biển rất lãng mạn: Chiều xa thành phố cảng, Nhớ biển nhớ em, Tình yêu của biển… được rất nhiều giới trẻ yêu thích qua các giọng ca vàng một thời như: Ngọc Tân, Thùy Dung, Thanh Lam biểu diễn. Văn Dung là nhạc sĩ đa tài, phổ đề tài ông rất rộng lớn. Thời kháng chiến chống Mỹ, ông sáng tác nhiều ca khúc đúng chất thời đại lúc đó: hoành tráng, ngợi ca và tràn trề niềm lạc quan cách mạng như: Giải phóng quân ta đi, Bài ca đường 9 chiến thắng, Trường Sơn xe anh qua, Hành khúc thanh niên cộng sản… Nét nhạc của ông thật riêng biệt, đó là sự trẻ trung và bài hát thể hiện rõ nhất chính là Những bông hoa trong vườn Bác. Đây là bước trở lại tâm hồn xanh non của người nhạc sĩ gốc Hà Nội với mọi góc nhìn. Ông viết bất cứ ca khúc nào, từ trên núi rừng biên cương xa thẳm. Ở bài hát Mùa xuân cho em với giọng ca Dương Minh Đức, ta thấy bát ngát một dải biên cương Tây Bắc thật đẹp, thật hào sảng. Văn Dung công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, thời gian dài giữ chuyên mục nổi tiếng về âm nhạc suốt thập niên 70, 80 thế kỷ 20 có tên “Khắp nơi ca hát” nên bao niềm lạc quan cuộc sống tươi trẻ đều thấm đẫm vào tâm hồn để có dịp thể hiện vào ca khúc của mình.


Nếu không nói quá thì Văn Dung là một trong những nhạc sĩ đầu tiên ở phía bắc thể hiện phong cách nhạc nhẹ sớm nhất, người kia chính là Vũ Thanh - người đàn anh đồng nghiệp của nhạc sĩ. Vũ Thanh có bài hát Rừng chiều nổi tiếng nhưng lại mang mác buồn. Văn Dung cũng có chút hơi xao xuyến qua bài Chiều xa thành phố cảng qua giọng ca Kim Phúc.


Với Nha Trang sau giải phóng, thành phố bừng lên tươi tắn trong nắng mới. Thành phố trong veo nắng vàng biển xanh cùng những con người mới thực sự làm say đắm Văn Dung, chính vì thế Nha Trang thành phố tôi yêu ra đời. Bài hát theo phong cách nhạc nhẹ thể hành khúc, tươi trẻ chính là sở trường Văn Dung trước đây với Giải phóng quân ta đi, Hành khúc đoàn thanh niên Cộng sản. Tuy nhiên, nhạc sĩ có điều tiết vừa phải để cho bài hát xinh xắn, nhẹ nhàng, dễ thuộc dễ hát: “Trời quê ta hôm nay đẹp nắng/Biển quê ta bao la hiền hòa/Dạt dào trong tôi bao niềm ước hẹn/Tuổi trẻ ta đi say trong tiếng hát/Ơi Nha Trang khi nắng lên/Mặt biển xanh trong, một bầu trời bao la/Ôi đất quê hương tha thiết trong tôi”. Ca khúc có 3 đoạn vẽ lên một bức tranh về thành phố biển vừa thanh thoát vừa tươi tắn đậm màu biển mùa nắng hạ. Đây là thời điểm đỉnh cao phong cách hồn nhiên trong sáng trong các ca khúc của Văn Dung nên gặp “người yêu” Nha Trang, nhạc sĩ đã thể hiện trọn vẹn tình yêu của mình. Cũng lưu ý rằng, Nha Trang đã đón hàng trăm nhạc sĩ cả nước tới thực tế sáng tác hàng trăm ca khúc, nhưng được một tác phẩm tươi tắn, rộn ràng như con sóng biển như ca khúc của nhạc sĩ Văn Dung là rất hiếm.


Lê Đức Dương