Trong cuộc bàn tròn về nâng cao chất lượng phim truyền hình mới đây, nhiều ý tưởng đã được đưa ra bàn luận. Và giữa bối cảnh sản xuất phim đang thiếu đủ thứ hiện nay, xem ra việc nghiên cứu thị hiếu khán giả trở nên rất cần thiết đối với các nhà sản xuất.
Trong cuộc bàn tròn về nâng cao chất lượng phim truyền hình mới đây, nhiều ý tưởng đã được đưa ra bàn luận. Và giữa bối cảnh sản xuất phim đang thiếu đủ thứ hiện nay, xem ra việc nghiên cứu thị hiếu khán giả trở nên rất cần thiết đối với các nhà sản xuất.
Thiếu đủ thứ
Bà Jeine Stein - Tổng Biên tập Tạp chí Content Asia đưa ra thống kê ở Malaysia, Singapore, Hồng Kông, hầu hết phim truyền hình đều do địa phương sản xuất, rất ít phim nhập khẩu. Kinh phí cho mỗi tập phim ở các nước châu Á từ 15.000 đến 2 triệu USD, trong khi con số này ở nước ta chỉ 10.000 USD. “Chính vì thế, đơn vị sản xuất trong nước phải “khéo co” cho vừa. Và thành phần đoàn làm phim của VFC còn thiếu nhiều vị trí, người làm chính phải kiêm nhiệm quá nhiều trách nhiệm và phim vẫn phải lồng tiếng” - ông Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) cho biết. Điều này khiến ông Mohd Mahyidin Mustakim - Giám đốc điều hành Hiệp hội sáng tạo nội dung Malaysia bất ngờ: “Nước tôi đã bỏ phim lồng tiếng từ 12 năm nay. Và lâu nay, Chính phủ Malaysia đã dành 1,65% GDP cho sản xuất phim. Riêng phim hợp tác sản xuất với nước ngoài sẽ được nhà nước viện trợ không hoàn lại 30% kinh phí sản xuất. Kết quả là việc xuất khẩu phim điện ảnh và truyền hình ra nước ngoài đã mang về 60 triệu USD/năm”.
Một cảnh trong phim truyền hình “Đại gia đình” của đạo diễn Quang Đại. |
Phần lớn đội ngũ làm phim hiện tại đều từ một lĩnh vực khác chuyển sang. Bên cạnh đó, phim truyền hình Việt còn đang đối mặt với tình trạng các nhà làm phim thiếu kỹ năng làm việc... Đấy là những mắt xích lộ rõ sự thiếu chuyên nghiệp trong sản xuất phim truyền hình Việt Nam.
Nên làm phép thử
Ông Chee Kong Cheah, đạo diễn bộ phim truyền hình 13 tập “The kitchen musical” của Singapore (ứng cử viên duy nhất của châu Á lọt vào vòng đề cử giải Emmy và được mua bản quyền phát sóng khắp châu Á) cho biết: “Chúng tôi tiến hành nghiên cứu thị trường, thị hiếu khán giả, nghĩ đến cách làm mới, kết hợp giữa phim truyền hình với chương trình truyền hình thực tế về nấu ăn đang ăn khách”. Thành công của bộ phim là có sự đóng góp không nhỏ của người viết kịch bản, viết lời thoại và lời bài hát cho phim. “Khi làm “The Kitchen Musical”, tôi đã bị nhiều đơn vị từ chối đầu tư vì chưa mường tượng ra kịch bản. Tôi đã làm thử 1 tập và ngay sau đó đã thuyết phục được nhà đầu tư” - ông Chee Kong Cheah cho biết. Vì thế, ông khuyên các nhà làm phim Việt nên bỏ công nghiên cứu thị hiếu khán giả để có những bộ phim chất lượng thu hút khán giả, đồng thời, tận dụng các kênh miễn phí như mạng xã hội để quảng bá cho phim. Ngoài ra, bà Ngô Thị Bích Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH BHD cũng cho rằng, phim truyền hình Việt không nên đầu tư dàn trải, mà cần có trọng điểm để thay đổi gia vị như Malaysia và Singapore đang làm...
Thực tế cho thấy, sau một thời gian “chạy sô” làm phim truyền hình, chất lượng phim Việt đã được quan tâm hơn nhưng vẫn chưa làm vừa lòng những người yêu điện ảnh. Có lẽ, các nhà làm phim Việt nên lắng lại để thử nghiệm với những kinh nghiệm này?
Theo KTĐT