Sống trọn đời với tinh thần yêu nước, thương dân lầm than trước ách thống trị của thực dân, phong kiến, Thai Xuyên Trần Quý Cáp đã nêu cao gương sáng, hành động vì nước, vì dân, để lại lòng cảm phục sâu sắc trong lớp lớp nhân dân.
Sống trọn đời với tinh thần yêu nước, thương dân lầm than trước ách thống trị của thực dân, phong kiến, Thai Xuyên Trần Quý Cáp đã nêu cao gương sáng, hành động vì nước, vì dân, để lại lòng cảm phục sâu sắc trong lớp lớp nhân dân.
“Sống vô ích, sướng gì cái sống”
Trần Quý Cáp tự là Thích Phu, hiệu Thai Xuyên, sinh năm 1870 tại thôn Thai La, làng Bất Nhị, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình nhà Nho nghèo có truyền thống hiếu học. Từ nhỏ, Trần Quý Cáp đã tỏ ra là người thông minh, học giỏi, ham hiểu biết và có chí khí nên được thầy giáo và bạn bè yêu quý, mến phục. Ông cùng với các ông: Phạm Liệu, Nguyễn Đình Hiến, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Quang là 6 học trò nổi tiếng thông minh ở đất Quảng Nam thời bấy giờ. Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh xã hội Việt Nam đầy những biến động lớn, ngay từ năm 13 tuổi, ông đã ấn tượng mạnh với tinh thần yêu nước nồng nàn của Tổng đốc Hoàng Diệu khi thành Thăng Long thất thủ trước quân Pháp. Năm 15 tuổi, ông tận mắt chứng kiến sức mạnh to lớn của nhân dân trong phong trào Cần Vương. Tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân, sự đàn áp, giết hại tàn khốc của kẻ thù đối với những người yêu nước đã hun đúc trong ông lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc.
Một điều rất đặc biệt trong cuộc đời của Trần Quý Cáp là tuy ông thông minh, học giỏi nhưng lại rất lận đận với con đường thi cử. Mãi đến năm 1903, ông vẫn chỉ là một Tú tài, trong khi học trò của ông nhiều người đã thành danh. Năm 1904, ông được đặc cách vào thi Hội và giành giải cao ở kỳ thi này. Cũng trong thời gian ở kinh đô Phú Xuân, ông đã kết giao với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thượng Hiền, Ngô Đức Kế... Ông tham gia “Duy Tân hội” - một tổ chức tiền cách mạng do Phan Bội Châu sáng lập để chống lại mọi hành động ngu dân của thực dân Pháp, chống lại các thủ đoạn áp bức, bóc lột, mở rộng dân trí, canh tân đất nước trên mọi lĩnh vực. Trần Quý Cáp đã có nhiều đóng góp cho phong trào này khi luôn tuyên truyền và đề cao tân học, bài xích cử nghiệp, xóa bỏ những tập tục lỗi thời, lạc hậu. Là người cương trực với khí tiết cứng cỏi, nhân cách thanh cao của bậc trượng phu, ôm hoài bão cứu nước, cứu dân nên ông xác định phương châm sống cho bản thân: Sống vô ích, sướng gì cái sống/Chết nên công, chết cũng nên đời.
Thấy được những việc làm và tinh thần yêu nước của Trần Quý Cáp, bọn quan lại phong kiến và thực dân Pháp đã tìm mọi cách để triệt tiêu tinh thần cách mạng trong ông. Năm 1908, khi ông đang dạy học ở huyện Tân Định, phủ Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa), đám quan lại ở đây đã kiếm cớ bắt giam ông. Sau đó, tên Bố chánh tỉnh Khánh Hòa lúc đó là Phạm Ngọc Quát đã nhanh chóng phê chuẩn án tử hình ông với tội danh “Mưu vãn tha quốc” và truyền xử tội hình “Trảm nêu” (chém bay đầu). Ngày 16-5 năm Mậu Thân (1908), Trần Quý Cáp bị xử tử. Đối mặt với cái chết, ông vẫn tỏ rõ khí tiết hiên ngang, không chút sợ hãi. Về cái chết của Trần Quý Cáp, cụ Phan Bội Châu cho rằng đấy là cái án “Mạc tu hữu”, ý chỉ kẻ thù đã vô cớ ghép cho ông tội chết.
Ngôi đền của lòng dân
Trước cái chết của Trần Quý Cáp, đông đảo nhân dân ở Khánh Hòa và khắp các tỉnh Nam Trung bộ đều tỏ rõ sự thương cảm. Ngay cả trong hàng ngũ quan chức thời bấy giờ, nhiều người cũng tỏ ra xót xa, khâm phục trước nhân cách, khí chất của ông. Ông Đốc học tỉnh Khánh Hòa lúc đó là Nguyễn Việt Huyện trên đường tiễn Trần Quý Cáp ra pháp trường đã khóc lóc thảm thiết; viên Tri phủ Diên Khánh là Phạm Sĩ Ngật làm giám thị cuộc xử trảm đã bị cách chức vì dám tự tiện mua sắm lễ vật để chôn cất cho ông. Những người bạn chiến đấu của ông như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng khi nghe tin ông bị tử hình đều có thơ điếu, văn tế thể hiện nỗi đau đớn, cũng như lòng khâm phục trước chí anh hùng của Thai Xuyên Trần Quý Cáp.
Tuy không phải sinh ra và lớn lên ở vùng đất Khánh Hòa, những năm tháng ông sống ở đây cũng rất ngắn, nhưng tấm lòng, chí khí của ông đã để lại ấn tượng khó phai mờ trong các thế hệ người dân xứ Trầm Hương. Chính tấm gương sáng về lòng yêu nước của chí sĩ Trần Quý Cáp đã làm lay động lòng người hậu thế. Vì vậy, mãi hơn 60 năm sau ngày Trần Quý Cáp bị xử tử tại gò Chết Chém, phủ Diên Khánh (nay là huyện Diên Khánh), những nhân sĩ, trí thức ở Khánh Hòa đã đứng ra đấu tranh với chính quyền Ngụy ở quận Diên Khánh để xây dựng đền thờ Trần Quý Cáp nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1970). Vị trí ban đầu của đền nằm ở khu vực gò Chết Chém gần cầu Sông Cạn (nay là cầu Trần Quý Cáp). Năm 2003, vì yêu cầu xây mới cầu Trần Quý Cáp nên ngôi đền được di dời về vị trí hiện tại, cách vị trí cũ 50m.
Ngôi đền thờ Trần Quý Cáp được dựng lên là minh chứng cho tấm lòng khâm phục, yêu quý của nhân dân trước tinh thần vì dân, vì nước của Trần Quý Cáp. Trong bối cảnh nước nhà chưa thống nhất, ngôi đền còn là nơi thể hiện lòng yêu nước nồng nàn của những người dân địa phương. Nơi đây không chỉ thờ chí sĩ Trần Quý Cáp mà còn là nơi thờ cúng các thủ lĩnh của phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa, thờ cúng các chiến sĩ cách mạng đã bị kẻ thù sát hại ở khu vực này trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Năm 1991, ngôi đền thờ Trần Quý Cáp đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia. Nơi đây đã trở thành một địa chỉ thể hiện tinh thần yêu nước, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta.
NHÂN TÂM - PHÚC NGUYÊN