11:04, 29/04/2021

Ngày ấy bầu cử ở Trường Sa

Đầu tháng 7-1997 tôi được cơ quan phân công đi đưa tin bầu cử Quốc hội khóa X và HĐND các cấp ở Trường Sa. Bao nhiêu năm đã trôi qua, nhưng ấn tượng về những ngày vượt sóng theo thùng phiếu ra vùng biên đảo cực Đông của Tổ quốc vẫn vẹn nguyên trong ký ức.

Đầu tháng 7-1997 tôi được cơ quan phân công đi đưa tin bầu cử Quốc hội khóa X và HĐND các cấp ở Trường Sa. Bao nhiêu năm đã trôi qua, nhưng ấn tượng về những ngày vượt sóng theo thùng phiếu ra vùng biên đảo cực Đông của Tổ quốc vẫn vẹn nguyên trong ký ức.


Thời ấy những gì liên quan đến Trường Sa thuộc về bí mật quân sự, việc đưa tin trên báo chí còn rất hạn chế, nên một sự kiện quan trọng như thế mà cánh phóng viên đi theo rất gọn. Chuyến đi năm ấy chỉ có 4 người: Tôi là phóng viên Báo Khánh Hòa, Ngô Mỹ phóng viên ảnh của Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Khánh Hòa (đã mất), Đăng Khoa của KTV và một phóng viên của Báo Hải Quân. Đoàn công tác phục vụ bầu cử được lãnh đạo Vùng 4 chuẩn bị và đón tiếp rất chu đáo, cánh báo chí đương nhiên được căn dặn đủ điều. Đoàn xuất phát vào buổi chiều, được bố trí đi riêng trên con tàu trọng tải 1.000 tấn mới đóng xong, phiên hiệu HQ 631. Mấy anh Vùng 4 nói đây là chiếc tàu tốt nhất, vừa nhận ở Ba Son về, chạy chuyến đầu ưu tiên phục vụ nhiệm vụ chính trị. So với tàu khách HQ 996, tàu Quân y Khánh Hòa 01 sau này thì chiếc tàu vận tải này quá nhỏ, tiện nghi quá đơn sơ. Phòng sĩ quan chỉ là phòng rộng hơn chút, có sàn gỗ, đến bữa ăn khách, chủ trải chiếu ngồi bệt trên sàn.

 

Bầu cử Quốc hội trên đảo Trường Sa. Ảnh: DUY HƯNG
Bầu cử Quốc hội trên đảo Trường Sa. Ảnh: DUY HƯNG


Năm ấy không hiểu sao, biển động rất sớm. Mới tháng 7 mà sóng gió mịt mù. Khi tàu ra đến Trường Sa, sóng to quá nên phải quay về neo ở Đá Tây mất 2 ngày, chờ sóng gió ngớt mới quay lại. Kỷ niệm không thể quên là sóng gió vặn vẹo con tàu ngàn tấn như chiếc lá tre. Đến bữa ăn, mọi người ngồi khoanh tròn, dùng chân cặp chặt xoong thức ăn cho khỏi bị xô nghiêng. Đến ngày thứ ba của hải trình là tàu hết rau xanh, món canh bữa nào cũng bắp cải nấu với… mì gói. Cả đoàn cán bộ, toàn dân kỳ cựu đi biển của hải quân say sóng nằm lử lả, vậy mà không hiểu sao tôi và Ngô Mỹ lại không bị say, cả ngày đi ngó nghiêng mọi ngóc ngách của con tàu.


Rồi cũng cập được Trường Sa. Đêm nằm nghe mưa mà sốt ruột. Lắp cuốn phim mới, bấm thử vài pô mà chưa yên tâm, cứ chút lại lôi máy ra săm soi, thầm mong mai khi tác nghiệp máy thật trơn tru. Rồi sớm mai cũng đến, trời hửng nắng, những tấm hình về cảnh quân dân Trường Sa đi bầu cử ngay bên cột mốc chủ quyền được tôi gói riêng mấy lớp báo, mấy lớp ni-lông. Kỷ niệm nhớ đời là buổi trưa hôm đó, lính đảo liên hoan chia tay đoàn, đám rau mùng tơi để dành giờ mới được hái lên, nấu với đám ốc mượn hồn giã nát thay cho cua… Tô canh không thể có được lần thứ hai trong đời.


Rồi đoàn tiếp tục ghé Trường Sa Đông, An Bang, Phan Vinh để tổ chức bầu cử. Các điểm bầu cử trang hoàng rất gọn, quân dân trên đảo ai cũng chọn bộ đồ mới nhất, chỉ tiếc là hồi đó chưa có bóng phụ nữ nên các tấm hình không có tà áo dài.  Buổi trưa chia tay ở An Bang, toàn đàn ông với nhau mà mắt ai cũng cay… Đoàn công tác lên tàu lo gói ghém, canh giữ các thùng phiếu như của quý.


Về đến nhà, việc đầu tiên là đem phim đi rọi ảnh. Hồi hộp lắm, vì ai mà biết chuyện gì có thể xảy ra. Khi những tấm hình hiện ra rõ ràng, tôi mới dám thở phào nhẹ nhõm. Nhiệm vụ đã hoàn thành. Lúc đó mới sang “nhiệm vụ” thứ hai, ấy là gửi hình chụp lính ngoài đảo cho người thân của họ tới khắp nơi trên cả nước. Mấy ngày trên đảo, lính thấy nhà báo ra mừng lắm, năn nỉ nhờ chụp cho mấy kiểu ảnh bên cột mốc chủ quyền, ghi địa chỉ để khi nhà báo về gửi hình cho người nhà mừng.


Riêng chuyến đi này, Ngô Mỹ sau khi hoàn thành tư liệu ảnh về bầu cử cho Thông tấn xã Việt Nam, còn có một giải báo chí về ảnh. Tấm hình chụp buổi chiều Trường Sa, mấy chàng lính trẻ trên bờ đang nhảy lên reo hò, hướng về phía xa là con tàu HQ 631 đang thả neo. Còn với anh Đăng Khoa, KTV có cả một kho tư liệu về Trường Sa, rất nhiều các chương trình chính luận và cả văn nghệ của đài sau này đều dùng những thước phim của anh trong mùa bầu cử không thể quên ấy.


Trần Duy