UBND huyện Trường Sa vừa triển khai thực hiện đề án phát triển nghề dệt lưới tại xã đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa. Đề án này không chỉ tạo việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân mà còn góp phần xây dựng huyện đảo ngày càng phát triển…
UBND huyện Trường Sa vừa triển khai thực hiện đề án phát triển nghề dệt lưới tại xã đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa. Đề án này không chỉ tạo việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân mà còn góp phần xây dựng huyện đảo ngày càng phát triển…
Thêm nghề, thêm vui
Đầu tháng 6, UBND huyện Trường Sa triển khai đề án phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp dệt lưới. Khi tiếp cận với các trang thiết bị, máy móc và được hướng dẫn kỹ thuật, người dân trên các đảo ai cũng phấn khởi. Vợ chồng ông Lâm Ngọc Vinh và bà Phương Dung (ở thị trấn Trường Sa) chia sẻ: “Mấy ngày qua được học nghề, tự tay mình dệt lưới, đúng nghề mình yêu thích nên tôi rất mừng. Có thêm nghề, chúng tôi có thêm thu nhập, đời sống sẽ ngày càng khá hơn”.
Ông Huỳnh Xuân Toàn - hộ dân ở xã đảo Sinh Tồn cho biết: “Gia đình tôi ra đây làm ăn, sinh sống đã nhiều năm. Do đảo cách xa đất liền nên muốn phát triển ngành nghề gì cũng rất khó. Hiện nay được đầu tư, hỗ trợ nghề dệt lưới, ai cũng thấy vui vì phần lớn những hộ ở đây đều sinh ra và gắn bó với biển nên làm nghề rất phù hợp. Nghề dệt lưới không chỉ đem lại thu nhập cho các hộ mà còn góp phần lưu giữ nghề truyền thống”.
Sẽ có Hợp tác xã dệt lưới Trường Sa
Được biết, UBND tỉnh chọn xã đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa để triển khai đề án là vì những đảo này có nhiều hộ dân sinh sống. Trước khi triển khai đề án, ngay từ đầu năm 2018, UBND huyện Trường Sa đã thực hiện xây dựng hệ thống nhà xưởng, kho bãi đảm bảo an toàn cho hệ thống máy dệt. Theo đề án, mỗi xã, thị trấn được lắp đặt 7 máy dệt, 4 máy se sợi, 2 máy suốt và 1 máy phát điện với tổng kinh phí đầu tư cho toàn bộ đề án gần 6 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1 từ năm 2018 - 2019, đề án tiến hành đầu tư 50% trang thiết bị máy móc và hỗ trợ hướng dẫn, đào tạo nghề cho bà con. Giai đoạn 2 sẽ đầu tư, hỗ trợ hệ thống máy se dây lưới. Với ngành nghề chính là đánh bắt, việc trang bị thêm nghề dệt lưới được xem là một phương thức hỗ trợ sinh kế cũng như nâng cao thu nhập cho bà con.
Đại tá Bùi Đình Dương - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa cho biết: “Bước đầu, những sản phẩm lưới của người dân ở các đảo sẽ được Công ty TNHH Ngọc Long (phường Phước Long, TP. Nha Trang) thu mua. Còn khâu vận chuyển sản phẩm, lưới sợi từ đất liền ra đảo và ngược lại được bộ đội hỗ trợ, giúp đỡ. Trung bình mỗi tháng, một máy dệt được khoảng 270kg lưới thành phẩm, nếu bán với giá 6.500 đồng/kg, một hộ sẽ có thêm thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Sau khi làng nghề đi vào hoạt động ổn định, chúng tôi sẽ thành lập Hợp tác xã dệt lưới Trường Sa. Từ đó, sẽ ký kết hợp đồng dệt lưới với các tập đoàn nghề cá. Khi đó, tàu đánh cá của ngư dân ra Trường Sa đánh bắt hải sản chỉ cần ghé đảo lấy ngư lưới cụ để đi khai thác, rồi sau đó quay lại các đảo để gửi lưới đưa hải sản về đất liền tiêu thụ. Đối với những tàu cá khi đang đánh bắt ở Trường Sa không may bị mất hoặc hư hỏng ngư lưới cụ cũng có thể cập đảo để lấy lưới tiếp tục đánh bắt. Từ đó, giảm chi phí cho ngư dân khi ra Trường Sa khai thác hải sản”.
Có thể nói, việc triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp dệt lưới ở Trường Sa vừa bảo tồn được nghề truyền thống, vừa giải quyết việc làm cho các hộ. Từ đó, tạo ra giá trị kinh tế, góp phần xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành khu vực phòng thủ kiên cường, vững chắc, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
V.GIANG