Viện Nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp hữu cơ (IOA) trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã và đang triển khai dự án đưa hệ sinh thái hữu cơ ra Trường Sa, góp phần giúp quân dân Trường Sa cải thiện cuộc sống và tạo hệ sinh thái hữu cơ có lợi trên các đảo.
Viện Nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp hữu cơ (IOA) trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã và đang triển khai dự án đưa hệ sinh thái hữu cơ ra Trường Sa, góp phần giúp quân dân Trường Sa cải thiện cuộc sống và tạo hệ sinh thái hữu cơ có lợi trên các đảo.
Ông Nguyễn Văn Cường - Viện trưởng IOA cho biết, nhiều lần được ra thăm Trường Sa, ông thấy điều kiện sinh sống và môi trường trên các đảo chìm, đảo nổi còn nhiều khó khăn. Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thổ nhưỡng chủ yếu là đất đá san hô kém dinh dưỡng nên việc trồng rau xanh, cây cối phát triển chậm. Vì vậy, IOA đã quyết định triển khai dự án đưa hệ sinh thái hữu cơ ra Trường Sa. Bước đầu, IOA triển khai dự án tại các đảo gồm: Sinh Tồn, Song Tử Tây, Cô Lin, Len Đao. Ở mỗi đảo, các chuyên gia của IOA đã thả ra môi trường các chủng vi sinh vật với chức năng phân giải lân, cố định đạm để cải tạo đất, giúp cây trồng phát triển tốt. Những vi sinh vật này được nhân chủng ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đồng thời, các chuyên gia tiến hành lấy mẫu đất và nước ở mỗi đảo đưa về đất liền nghiên cứu, tìm ra những vi sinh vật hữu cơ có lợi cho cây trồng. Từ đó nhân lên rồi đưa trở lại Trường Sa để thả xuống các đảo nhằm từng bước cải thiện môi trường đất, nước theo hướng có lợi.
Bên cạnh đó, IOA còn đem hơn 1.000 bầu cỏ Vetiver (còn gọi là cỏ hương bài, cỏ hương lau) trồng thử nghiệm tại các đảo ở Trường Sa. Loại cỏ này có bộ rễ cứng như rễ tre, thân mềm; rễ ăn rất sâu xuống đất khoảng 10m, thích nghi ở môi trường đất khô cằn, nhiễm mặn. Với điều kiện thực tế ở Trường Sa, cỏ Vetiver sẽ giúp tăng cường khả năng chống nhiễm mặn, bộ rễ như mạng lưới sẽ cố kết san hô, giữ nước ngọt, chống xói mòn đất. Lá cỏ Vetiver cao hơn 1,5m có thể làm thức ăn cho gia súc, phơi khô để che chắn mưa, nắng, gió; cỏ chết sẽ tạo chất mùn cho đất. “Qua hơn 2 tháng trồng ở các đảo, cỏ Vetiver phát triển rất tốt. Đây là tín hiệu vui để thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với Hải quân nhân rộng loại cỏ này trên các đảo”, ông Ngô Đức Thọ - chuyên gia cỏ Vetiver của IOA cho biết.
IOA đưa ra các đảo Trường Sa hơn 10 tấn phân trùn quế- loại phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng, rất tốt cho cây trồng để giúp quân dân trồng rau xanh; hàng chục kilogam giá thể trùn quế để thả nuôi tại các đảo. Các loại thức ăn dư thừa, lá cây, cỏ… đều có thể làm thức ăn cho trùn quế để tạo ra phân bón trồng trọt. Ngoài ra, IOA còn trực tiếp hướng dẫn cách trồng, chăm sóc rau xanh an toàn, khoa học cho quân dân trên các đảo. Đặc biệt, IOA đã thử nghiệm lắp đặt 15 hệ thống tháp rau hữu cơ cho bộ đội các đảo. Mỗi tháp rau cao khoảng 1,5m, có 60 hốc trồng được nhiều loại rau xanh, có thể di chuyển khi trời mưa, bão. Các tháp rau này cho năng suất cao, lại không chiếm quá nhiều diện tích như trồng rau trong khay hay thùng xốp. Đặc biệt, phần lõi tháp có khoang thả nuôi trùn quế để cung cấp dinh dưỡng cho rau nên không phải bón phân hay thay đất trong nhiều năm. Đáy tháp có khay hứng nước thừa khi tưới để tái sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Minh - chuyên gia nông nghiệp hữu cơ IOA chia sẻ: “Đến nay, hệ thống tháp rau đang phát huy rất hiệu quả, trung bình mỗi tháp cung cấp rau xanh hàng ngày cho khoảng 10 người ăn. Đối với giá thể trùn quế cũng phát triển mạnh nhờ chúng tôi hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho bộ đội. Đặc biệt, khi trùn quế phát triển nhiều có thể dùng làm thức ăn chăn nuôi gia cầm, thủy sản. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ở Trường Sa”.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, ngoài mong muốn giúp cải tạo đất, nước, mang lại môi trường xanh hơn cho Trường Sa, đây sẽ là bước tiền đề quan trọng cho các hoạt động môi trường ở Việt Nam. Bởi nước ta có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, nếu khắc nghiệt như ở Trường Sa mà vẫn thành công thì đó là niềm tin lớn để thực hiện ở các đảo còn lại.
Đại tá Nguyễn Công Sơn - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết, việc IOA triển khai dự án đưa hệ sinh thái hữu cơ ra Trường Sa là rất thiết thực. Dự án sẽ góp phần tạo hệ sinh thái có lợi, tạo môi trường xanh, cải thiện điều kiện sống cho quân dân Trường Sa.
VĂN GIANG