23:39, 10/06/2024

Dự án đường giao thông liên vùng: Tập trung hoàn thiện thủ tục để thi công

VĂN KỲ

Dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận (gọi tắt là đường giao thông liên vùng) đã được UBND tỉnh tổ chức động thổ từ đầu tháng 3-2024. Hiện nay, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (chủ đầu tư dự án) nỗ lực đẩy nhanh các thủ tục để sớm thi công công trình, đáp ứng kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Liên kết vùng, mở ra không gian phát triển mới

Từ trước đến nay, tuy 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh có nhiều tiềm năng phát triển nhưng chưa phát huy được. Nguyên nhân chủ yếu do giao thông còn hạn chế, đặc biệt huyện Khánh Sơn chỉ có con đường duy nhất là Tỉnh lộ 9 kết nối với các địa phương khác. Để phát triển giao thông nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh cũng như tăng cường kết nối liên kết vùng, ngày 20-6-2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận.

* ÔNG NGUYỄN TẤN TUÂN - PHÓ BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Hiện thực hóa các mục tiêu trong Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị

 

Công trình đường giao thông liên vùng góp phần hiện thực hóa các mục tiêu trong Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra. Khi đi vào khai thác, tuyến đường sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh nói riêng, tỉnh Khánh Hòa nói chung; tăng khả năng kết nối giao thông, thúc đẩy hình thành vùng nông nghiệp quy mô lớn, phát huy tối đa thế mạnh của 2 huyện; đồng thời khai thác tiềm năng, phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa của mỗi địa phương. Tuyến đường cũng góp phần tạo thành mạng lưới giao thông cơ động, thông suốt, tăng khả năng vận chuyển hàng hóa liên vùng với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận. Vì vậy, thời gian tới, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cần đẩy nhanh thủ tục lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng công trình. Các sở, ban, ngành liên quan, UBND huyện Khánh Sơn, UBND huyện Khánh Vĩnh hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm hoàn thành đưa công trình vào khai thác.

Một góc huyện Khánh Sơn.

Công trình có điểm đầu giao với Quốc lộ 27C thuộc địa phận xã Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh); điểm cuối tại ranh giới giữa tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận trên đường vào địa phận xã Phước Bình (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận). Theo báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt, tổng chiều dài tuyến khoảng 56,7km, trong đó có gần 27km thuộc địa phận huyện Khánh Vĩnh và gần 30km thuộc địa phận huyện Khánh Sơn. Đây là loại đường cấp III miền núi, có bề rộng 9m (mặt đường rộng 6m, lề đường mỗi bên rộng 1,5m). Đường gồm 2 làn xe, không có dải phân cách giữa; được thiết kế tốc độ 60km/giờ, đoạn qua địa hình khó khăn 40km/giờ. Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 1.809 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu dự án có tính chất liên kết vùng 1.000 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương hơn 809 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến hết năm 2027.

Hướng tuyến của đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận.

Thông tin về việc đầu tư tuyến đường giao thông liên vùng khiến người dân 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh háo hức vui mừng bởi chỉ vài năm nữa, khi tuyến đường hình thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương phát triển. Ông Cao Việt (thôn Giang Mương, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh) cho biết: “Từ năm ngoái, khi nghe tin có dự án, người dân ở huyện Khánh Vĩnh gặp nhau là nói chuyện về con đường này. Ước mơ xây dựng con đường kết nối 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã trở thành hiện thực. Con đường không chỉ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Khánh Vĩnh, mà còn giúp người dân thuận lợi trong việc đi lại, buôn bán, trao đổi hàng hóa… Người dân hiểu được lợi ích của dự án khi chính quyền triển khai nên đã ủng hộ nhiệt tình”.

Hướng tuyến của đường giao thông liên vùng.
Hướng tuyến của đường giao thông liên vùng.

Ông Phạm Văn Hòa - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết, cách đây 20 năm, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1497 ngày 27-5-2004 cho phép chuẩn bị đầu tư đường Yang Bay - Tà Gụ kết nối huyện Khánh Vĩnh với huyện Khánh Sơn. Trong quyết định này, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo hướng tuyến từ Yang Bay (huyện Khánh Vĩnh) qua đèo Ta Lô đến Tà Gụ (huyện Khánh Sơn) và giao Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông thủy lợi làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do không bố trí được kinh phí nên dự án không được triển khai. Dự án đường liên vùng hiện nay đi đúng hướng tuyến đã định hướng trước kia, có vai trò kết nối đồng bộ với mạng lưới các trục đường giao thông theo hướng Đông - Tây hiện có của tỉnh (Quốc lộ 27C, Tỉnh lộ 9) và tỉnh Ninh Thuận (Quốc lộ 27, Quốc lộ 27B và đường tỉnh ĐT.707). Khi tuyến đường hoàn thành sẽ kéo 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh gần nhau hơn, tạo động lực mới thúc đẩy 2 huyện phát triển mạnh mẽ.

* ÔNG VĂN NGỌC HƯỜNG - CHỦ TỊCH UBND HUYỆN KHÁNH VĨNH: Đã có kế hoạch khai thác lợi thế khi có đường liên vùng

 

Chính quyền và nhân dân huyện Khánh Vĩnh rất vui mừng, phấn khởi khi Dự án đường giao thông liên vùng được Quốc hội đồng ý chủ trương cho phép thực hiện. Lãnh đạo huyện Khánh Vĩnh đã có ý tưởng khai thác lợi thế từ con đường này, đó là: Khai thác thương mại dịch vụ 2 bên đường; khai thác tiềm năng đất đai khi đường được mở; đầu tư mô hình phát triển du lịch sinh thái, thu hút du khách đến huyện Khánh Vĩnh khi giao thông đã thuận lợi; tính toán giải quyết hàng hóa, nông sản cho người dân… Chúng tôi quyết tâm phát huy lợi thế từ con đường này để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở huyện miền núi Khánh Vĩnh.

Nỗ lực hoàn thiện các thủ tục

Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, trong 56,7km đường giao thông liên vùng, có khoảng 30km đi qua địa hình đồi núi khó khăn và 26,7km là đường nâng cấp cải tạo. Bước thiết kế sơ bộ (báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) chỉ ghi công trình có đoạn có địa hình khó khăn, hiểm trở, độ dốc cao, gấp khúc, bao gồm 14 cầu làm mới (trong đó có 2 cầu cấp II, còn lại là cấp III). Tuy nhiên, tại bước thiết kế cơ sở (báo cáo nghiên cứu khả thi) ghi rõ công trình có quy mô 56,7km đường cấp III miền núi có địa hình khó khăn, hiểm trở, độ dốc cao, gấp khúc, trong đó bao gồm 15 cầu làm mới (2 cầu cấp I, 5 cầu cấp II, còn lại là cấp III). Như vậy, quy mô dự án bước thiết kế cơ sở có tăng so với bước thiết kế sơ bộ.

Khu vực rừng núi ở huyện Khánh Vĩnh.
Khu vực rừng núi ở huyện Khánh Vĩnh.

Do công trình thi công trên địa hình khó khăn, hiểm trở, độ dốc cao, gấp khúc, có cầu cấp I và tuyến đi qua khu rừng tự nhiên nên rất khó khăn trong việc làm đường công vụ, đường tiếp cận. Sau khi rà soát lại hồ sơ và thực tế hiện trường, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh thấy việc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi đã duyệt quy định thiết kế 2 bước là chưa phù hợp với quy mô và độ khó khăn, phức tạp của công trình nên cần xem xét điều chỉnh lại số bước thiết kế. Vì vậy, ban quản lý đã kiến nghị điều chỉnh từ 2 bước thành 3 bước thiết kế (thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công) tương tự như công trình Quốc lộ 27C đoạn Khánh Lê - Lâm Đồng (đoạn đèo) được thi công trước đây. Ngày 23-5, UBND tỉnh ban hành quyết định đồng ý phê duyệt điều chỉnh thay đổi số bước thiết kế từ 2 bước thành 3 bước nhằm cập nhật số liệu địa hình, địa chất, đảm bảo yếu tố an toàn kỹ thuật, tính hiệu quả và bền vững của công trình.   

* ÔNG ĐINH VĂN DŨNG - CHỦ TỊCH UBND HUYỆN KHÁNH SƠN: Cơ hội phát triển vùng sản xuất nông sản và du lịch sinh thái

 

Huyện Khánh Sơn có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái và vùng sản xuất nông sản, nhất là sầu riêng. Tuy nhiên, tiềm năng này chưa được khai thác hoặc phát triển chưa tương xứng. Nguyên nhân chính là do hệ thống hạ tầng giao thông chưa được đầu tư bài bản, đồng bộ. Con đường duy nhất để kết nối Khánh Sơn với các vùng là Tỉnh lộ 9 nhỏ hẹp, đèo dốc, cua gấp, đi lại khó khăn. Nhiều lần xe tải lớn lên thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn) khi đi đến giữa đèo là bị sự cố, gây ách tắc giao thông nhiều giờ. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động tiêu thụ nông sản, phát triển du lịch. Đường giao thông liên vùng hình thành sẽ phá được thế độc đạo của tuyến Tỉnh lộ 9, kết nối với hệ thống tỉnh lộ, đường huyện, quốc lộ trong khu vực, tạo thành mạng lưới đường bộ đa dạng, cơ động. Con đường này sẽ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện, tạo thuận lợi để Khánh Sơn phát triển thành vùng sản xuất nông sản quy mô lớn, đem lại lợi ích thiết thực cho từng người dân của huyện.

Ông Hòa cho biết, thi công công trình này khó khăn hơn nhiều so với thi công đường bộ cao tốc Bắc - Nam vì đường bộ cao tốc giải tỏa 24m bề ngang nhưng chỉ thi công trong phạm vi 17m; còn đường giao thông liên vùng chỉ cho giải tỏa đúng 9m, không có đường công vụ, đường tiếp cận. Theo kế hoạch được UBND tỉnh chấp thuận, tuyến giao thông liên vùng sẽ khởi công vào ngày 10-6. Tuy nhiên, từ ngày phê duyệt dự án đến nay, do ban quản lý phải phối hợp với các đơn vị điều chỉnh số bước thiết kế nên tiến độ thực hiện bị chậm. Ban quản lý đã trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án thành phần xây lắp và tờ trình báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư thuộc Dự án đường giao thông liên vùng. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản lấy ý kiến của các sở, ngành về đề xuất áp dụng gói thầu hỗn hợp thiết kế và thi công (EC) đối với công trình này. “Nếu áp dụng gói thầu theo trình tự thông thường thì sau khi lập và được phê duyệt thiết kế kỹ thuật mới lựa chọn nhà thầu thi công được với thời gian kéo dài khoảng 5 tháng. Tuy nhiên, áp dụng gói thầu EC thì khoảng tháng 8-2024 là có nhà thầu, sau đó sẽ thực hiện song song vừa lập thiết kế kỹ thuật vừa xây dựng lán trại, đưa máy móc đến công trường để thi công công trình. Như vậy, nếu được áp dụng gói thầu EC thì ban quản lý sẽ hoàn thành kế hoạch giải ngân 500 tỷ đồng trong năm 2024”, ông Hòa cho hay.  

Dự án đường giao thông liên vùng có tổng diện tích đất chiếm dụng gần 129ha. Trong đó, diện tích chiếm dụng đất rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng gần 75,6ha (huyện Khánh Vĩnh gần 40,4ha; huyện Khánh Sơn hơn 35,2ha); đất ở gần 7,6ha; đất nông nghiệp gần 38,3ha; đất giao thông hơn 11,3ha; đất khác hơn 13,1ha. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 211 hộ, trong đó có 11 hộ cần tái định cư. Thời gian tới, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh sẽ phối hợp với UBND huyện Khánh Sơn và UBND huyện Khánh Vĩnh thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đồng thời khảo sát, đánh giá, kiểm kê tài sản của người dân để đền bù thỏa đáng theo quy định, đảm bảo sinh kế, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

VĂN KỲ