Từ nhiều năm nay, bác sĩ Hán Trần Duy Thắng, 30 tuổi, Phó Trưởng khoa Khám - kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ, Bí thư Đoàn Trung tâm Y tế huyện Cam Lâm luôn là tấm gương mẫu mực, nỗ lực hết mình để chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Từ nhiều năm nay, bác sĩ (BS) Hán Trần Duy Thắng, 30 tuổi, Phó Trưởng khoa Khám - kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Thầy thuốc trẻ, Bí thư Đoàn Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Cam Lâm luôn là tấm gương mẫu mực, nỗ lực hết mình để chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Chúng tôi tới TTYT huyện khi BS Thắng đang chuẩn bị tham gia ca mổ u ở khoeo chân cho bà Đặng Thị Trúc Chi (55 tuổi, thôn Quảng Đức, xã Cam Hiệp Nam). Anh Võ Thanh Minh, con trai bà Chi cho biết, 2 tháng trước mẹ anh có hiện tượng đau nhức, chân sưng tấy. Khám cho mẹ xong, anh định đưa bà ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh mổ, nhưng được các BS tư vấn ca mổ này hoàn toàn có thể thực hiện tại tuyến cơ sở. Anh đã quyết định để mẹ điều trị tại TTYT huyện vì tin tưởng tay nghề của các BS ở đây, đặc biệt là BS Thắng - người khám tiền mê rất thận trọng, tư vấn đầy đủ, chu đáo.
Bác sĩ Thắng khám cho bệnh nhân |
Được biết, trung bình mỗi ngày, BS Thắng khám cho khoảng 50 lượt người. Từ tháng 10-2014 đến nay, sau khi học gây mê 1 năm tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), anh đã tham gia hơn 300 ca mổ sản và ngoại. Trong cuốn sổ trực điện thoại đường dây nóng của TTYT huyện, không hề thấy dòng nào phàn nàn về BS Thắng.
Đặc biệt, từ năm 2013, sau khi được kết nạp Đảng và làm Bí thư Đoàn TTYT huyện, BS Thắng đã hướng phong trào đoàn vào những hoạt động thiết thực với ngành y. Ban Chấp hành Đoàn đã triển khai nhiều phần việc thanh niên như: trồng, chăm sóc vườn cây thuốc nam; vệ sinh cảnh quan đơn vị vào thứ Sáu hàng tuần, tổ chức trồng cây xanh vào thứ Bảy… Hiện nay, vườn cây thuốc nam của bệnh viện có 24 loại cây thuốc, tạo cảnh quan xanh mát, vừa giúp người dân thêm trân trọng cây thuốc nam. Từ thực tế nhiều người đến khám bệnh rất lúng túng với quy trình khám, BS Thắng đã tham mưu thành lập tổ công tác xã hội, thu hút tất cả 122 đoàn viên tham gia trực tại Khoa Khám. Khi người bệnh tới, các thành viên hướng dẫn quy trình khám, lấy xe lăn đưa bệnh nhân già yếu, không có người nhà đi cùng đến từng bộ phận khám, xét nghiệm.
BS Nguyễn Công Xanh - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc TTYT huyện: BS Thắng luôn đảm nhiệm tốt mọi nhiệm vụ chuyên môn, đóng góp nhiều vào thành quả chung của TTYT huyện. Trong công tác đoàn, BS là người chịu nghĩ, chịu làm, dám chịu trách nhiệm, năng nổ, nhiệt tình, đưa phong trào đoàn đi vào hoạt động thiết thực.
|
Năm 2013, Ban Chấp hành Đoàn TTYT huyện còn vận động thành lập CLB Thầy thuốc trẻ. Từ 22 thành viên ban đầu, đến nay, CLB đã có 122 y, BS trẻ sẵn sàng xung kích vì sức khỏe cộng đồng. CLB thường xuyên thăm, khám từ thiện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn… Nêu cao truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, CLB nhận thăm khám, phát thuốc cho 2 gia đình chính sách ở thị trấn Cam Đức và phối hợp cùng Hội Liên hiệp Thanh niên thị trấn Cam Đức thường xuyên dọn vệ sinh quanh nhà 2 gia đình này.
Đoàn TTYT huyện cũng ra mắt CLB máu sống từ năm 2015, và phấn đấu thành lập ngân hàng máu sống tại đơn vị, sẵn sàng cung cấp máu sống khi bệnh nhân cần. Đoàn TTYT thường xuyên phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện khám, phát quà cho các hộ gia đình khó khăn và người cao tuổi, neo đơn trên địa bàn. Mới đây, đơn vị đã phối hợp thực hiện 2 đợt khám, chữa bệnh miễn phí và phát quà cho khoảng 250 lượt người tại 4 xã: Cam Hòa, Cam Tân, Cam Phước Tây và Cam Thành Bắc.
Chia sẻ về những dự định khám, chữa bệnh và tuyên truyền tại cộng đồng, BS Thắng tư lự: “Khó khăn lớn nhất của CLB Thầy thuốc trẻ là nguồn thuốc miễn phí. Hiện nay, nguồn thuốc chủ yếu do TTYT huyện và các nhà hảo tâm hỗ trợ, một phần trích quỹ đoàn, nhưng về lâu dài cần nguồn thuốc đầy đủ, chủ động hơn. Thực tế khám bệnh ở các địa bàn cũng cho thấy, các BS rất khó tiên lượng các loại bệnh để mang đủ thuốc điều trị. Các đợt khám miễn phí tại cơ sở cũng chỉ tầm soát được các bệnh thông thường, khó thực hiện được các biện pháp cận lâm sàng do nhiều trang thiết bị y tế không thể mang theo. Mặt khác, ý thức giữ gìn sức khỏe của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất hạn chế, cần phải được tiếp tục tuyên truyền…”.
TIỂU MAI