"Vậy mà thoáng chốc đã 35 năm. Nghĩ lại, tôi càng thấy việc chọn nghề y là đúng. Vui nghề, vui con cháu, xuân năm nay với tôi thật trọn vẹn", đó là tâm sự của bà Phan Thị Thanh Cần, Trưởng Trạm Y tế xã Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa).
“Vậy mà thoáng chốc đã 35 năm. Nghĩ lại, tôi càng thấy việc chọn nghề y là đúng. Vui nghề, vui con cháu, xuân năm nay với tôi thật trọn vẹn”, đó là tâm sự của bà Phan Thị Thanh Cần, Trưởng Trạm Y tế xã Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa).
Những ngày khó khăn…
Tâm sự về nghề, bà Cần cho biết, việc bà từ bỏ ước mơ làm cô giáo để theo ngành y là quyết định đúng. Chứng kiến hàng xóm chạy bộ hơn 10km cõng người nhà tới bệnh viện, có khi chưa tới nơi đã qua đời; trạm y tế xã cũ kỹ, dột nát, thiếu nhân lực và trang thiết bị y tế, bà rất trăn trở. Đúng lúc đó, xã thiếu người đi học ngành y. 16 tuổi, bà quyết định học y sĩ đa khoa, rồi chuyên khoa sản - nhi…
Bệnh nhân được y sĩ Cần khám bệnh |
Năm 1980, Trạm Y tế xã Ninh Thọ chỉ là căn nhà xập xệ, mái dột nát, tường nứt nẻ. Xã chưa có điện. Vì vậy, việc cấp cứu, đỡ đẻ ban đêm đều phải dùng đèn dầu. Với bà Cần, 14 năm cùng các nhân viên khám, chữa bệnh trong ánh sáng đèn dầu, có lẽ khó quên nhất là ca sinh con đẻ ngược ở thôn Lạc An. Sản phụ tới trạm y tế lúc đã gần sinh nên không thể chuyển viện. Lúc đó, bà Cần bị vỡ xương bánh chè nên chỉ có thể ngồi hướng dẫn đồng nghiệp. Ca đỡ khó nên lúc em bé ra được thì toàn thân đã lạnh. Đồng nghiệp của bà đành đặt vội bé xuống bàn, lo cứu mẹ trước. Thoáng nhìn bé, bà Cần chợt có cảm giác rất lạ: “Mặt bé đã trắng bệch, mắt vẫn nhắm như đang ngủ, rất đáng yêu. Như vô thức, tôi cứ thế cúi xuống thổi ngạt cho bé. Rất lâu sau, tim bé bắt đầu đập, rồi bé bật khóc thật to. Lúc đó, chúng tôi muốn vỡ tung lồng ngực vì sung sướng”, bà Cần nhớ lại. Ca song sinh của sản phụ làng bên cũng khiến bà thót tim bởi sản phụ tới ban đêm, lúc đó chỉ có một mình bà. Thăm khám thấy song thai, bà đang động viên chuyển tuyến thì sản phụ co tử cung liên tục. Không còn lựa chọn, bà xắn tay vào việc. Bé thứ nhất ra đời, bà chỉ kịp cuốn bé vào chăn, không kịp cắt rốn vì còn lo đỡ bé thứ hai. 15 phút kể từ khi sản phụ vào trạm, 2 bé đã khóc vang trạm! “Chắc do tôi may mắn nên cả 9 ca đẻ ngược đều an toàn”, bà nói vui.
Bản tính thân thiện, yêu đời, nhưng bà Cần từng có lúc muốn ngã quỵ vì tuyệt vọng. Năm 2008, con gái bà đang học lớp 12 thì phát hiện bị ung thư phổi. Con điều trị được 3 tháng thì chồng đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. “Tôi tưởng mình không vượt qua nổi. Tuy biết con cần mình, bệnh nhân cũng cần mình, nhưng mường tượng tương lai đơn độc lạnh lẽo là tôi chỉ muốn đổ gục. Cũng may, đồng nghiệp, bạn bè, người thân luôn động viên tôi, thậm chí có bệnh nhân đang đau sốt cũng cố gắng động viên tôi. Vì thế, tôi đã gắng gượng vượt qua tâm tư riêng”, bà Cần nhớ lại. Và sự gắng gỏi đó của bà đã được đáp đền.
Mùa xuân lại về…
Bà Cần cười, mắt ánh lên niềm vui khi cho biết bây giờ, bà đã “lên chức” bà nội với đứa cháu 30 tháng tuổi. Con gái bà cũng đã lên xe hoa. “Đỡ đẻ cho con dâu, tôi cũng bình tĩnh như bao ca đỡ khác. Nhưng khi ẵm cháu nội ra, niềm vui của bà đỡ như nhân đôi!”, bà chia sẻ.
Trạm Y tế xã Ninh Thọ giờ cũng khác xưa nhiều. Qua 2 lần chuyển trụ sở rồi xây mới, trạm hiện có 14 phòng chức năng với trang thiết bị y tế hiện đại, cho phép xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm, đo điện tim… Đội ngũ nhân lực cũng vững tay nghề với 8 người, trong đó có 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng. Trạm thu hút 70 - 80 lượt người khám/ngày và khoảng 100 - 110 ca sinh/năm. “Để gây dựng lòng tin của người bệnh, trước tiên, nhân viên y tế phải nhiệt tình, tận tâm phục vụ và lo trau dồi kiến thức chuyên môn”, bà Cần chia sẻ “bí quyết” để có một trạm y tế được người dân tin tưởng.
Y sĩ Phan Thị Thanh Cần đã được nhận 1 bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh, 2 bằng khen của Bộ Y tế, 7 bằng khen của UBND tỉnh, 1 bằng khen của Tỉnh ủy và là một trong những nữ y sĩ đầu tiên được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú (tháng 2-2010). Năm 2015, bà được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. |
Bây giờ, mỗi khi đi tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh ở cơ sở, bà luôn được người dân giữ lại mời uống nước, trò chuyện hoặc biếu ít trái cây trong vườn. Có người còn chỉ cậu bé này, cô bé kia và cho biết “bà Cần đã đỡ đẻ cho cả hai mẹ con nó”. Anh Cao Văn Trung (thôn Ninh Điền) nhớ như in lần bị xuất huyết tiêu hóa nặng, được y sĩ Cần điều trị: “Bữa đó ra trạm không gặp được thím Cần chắc tôi đã chết”. Những tình cảm đó của người dân khiến bà Cần cảm thấy ấm áp và như được tiếp thêm sức mạnh. Bà cho biết, bé gái ở thôn Lạc An mà bà hà hơi thổi ngạt năm nào giờ đã là cô học sinh lớp 8. “Tôi đã theo dõi sức khỏe của cháu từ lúc ở trạm, đầy tháng, thôi nôi vì lo cháu yếu, nhưng thật kỳ diệu, cháu phát triển rất tốt. Bây giờ, thi thoảng gặp cháu tung tăng đi học, tôi vẫn thấy hạnh phúc y như lúc cháu bật tiếng khóc đầu đời”, bà Cần nhớ lại.
Bà tư lự khi được hỏi về mong ước trước thềm xuân mới: “Niềm tin yêu, sự quan tâm của người dân là nguồn động viên lớn nhất với người làm y tế cơ sở. Nhưng tôi vẫn mong người dân tích cực hơn và đừng chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh; cán bộ y tế cập nhật kiến thức chuyên môn thường xuyên hơn; trạm có thêm nhiều trang thiết bị y tế hiện đại… Có như vậy, trạm mới góp phần bảo vệ tốt sức khỏe nhân dân, xứng đáng với niềm tin yêu của người bệnh”.
THIỀU HOA