10:08, 27/08/2018

Nông thôn khởi sắc

Những năm qua, bằng nhiều nguồn lực khác nhau, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã tập trung đầu tư hiệu quả cho khu vực nông thôn. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn mới ở địa phương có nhiều khởi sắc.

 

Những năm qua, bằng nhiều nguồn lực khác nhau, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã tập trung đầu tư hiệu quả cho khu vực nông thôn. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn mới (NTM) ở địa phương có nhiều khởi sắc.


Trở lại Xuân Sơn sau gần 10 năm xây dựng NTM, chúng tôi cảm nhận được vùng đất này đã thực sự chuyển mình mạnh mẽ, mang dáng dấp của một vùng quê đổi mới, trù phú. Xã đã đầu tư 42 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Cùng với đó, xã đặc biệt quan tâm công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; khai thác tốt thế mạnh nguồn nguyên liệu đá granite để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, tạo việc làm và giới thiệu việc làm cho lao động địa phương...  Ông Đỗ Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho biết, tháng 7-2018, địa phương đã đạt 19/19 tiêu chí NTM. Tuy bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 12 cuối năm 2017 nhưng địa phương đã tập trung khắc phục và hoàn thành các tiêu chí. Đến cuối tháng 6-2018, Xuân Sơn đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức 4,35%, thu nhập người dân đạt 35,62 triệu đồng/người/năm. Địa phương đang tập trung thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí còn lại.

 

Xã Xuân Sơn đã mang dáng dấp nông thôn mới.

Xã Xuân Sơn đã mang dáng dấp nông thôn mới.


Không chỉ Xuân Sơn mà hầu khắp các địa phương trong toàn huyện cũng tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo bộ mặt mới cho các vùng quê. Từ năm 2012 đến nay, huyện Vạn Ninh đầu tư hơn 205 tỷ đồng xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục. Đồng thời, địa phương đã tập trung chuyển đổi hình thức sản xuất hàng hóa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, gắn với tiêu thụ bằng việc khai thác các lợi thế vốn có. Đến nay, toàn huyện có 17 hợp tác xã và 18 tổ hợp tác hoạt động trên các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ… góp phần tăng giá trị nông sản, tạo việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập người dân. Đến nay, toàn huyện có 3 xã đạt chuẩn NTM là: Vạn Thắng, Vạn Lương, Vạn Hưng; tỷ lệ lao động thường xuyên có việc làm hơn 98%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 85%; 11 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế… Dự kiến đến hết năm 2018, huyện sẽ có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM: Vạn Phú, Vạn Bình và Xuân Sơn, nâng tổng số xã đạt chuẩn trên toàn huyện là 6/11 xã. Theo lộ trình, đến năm 2020 sẽ có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM là xã Vạn Thọ (năm 2019), xã Vạn Phước (năm 2020).

 
Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh khẳng định, sau gần 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn thực sự khởi sắc; hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư cơ bản. Chính sự khởi sắc đó đã giúp kinh tế của huyện ngày càng phát triển, giá trị sản xuất nông nghiệp, nông thôn tăng nhanh; tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt; đời sống người dân được cải thiện và nâng cao.


Để hoàn thành chương trình xây dựng NTM, huyện Vạn Ninh đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung thực hiện các tiêu chí thu nhập, hộ nghèo thông qua hỗ trợ phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn; xây dựng các mô hình sản xuất có năng suất, mang lại hiệu quả cao; chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư các công trình thiết yếu nhằm đảm bảo nhu cầu của người dân vùng nông thôn. Ông Võ Lục Phẩm cho biết: “Đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM thì tiếp tục duy trì các tiêu chí đạt và thực hiện các tiêu chí bị “tụt” do yêu cầu tiêu chí được nâng cao. Qua đó, nâng cao hơn nữa đời sống cư dân vùng nông thôn và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vạn Ninh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra”.


THANH HẢI