10:03, 30/03/2017

Giai đoạn 2017 - 2020: Không còn cào bằng các tiêu chí

Không còn hình thức cào bằng, các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020 sẽ được phân chia thành 2 nhóm xã khác nhau. Theo đó, một định mức thấp hơn dành cho các xã còn khó khăn và mức chuẩn cho các xã đồng bằng. 

Không còn hình thức cào bằng, các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2017 - 2020 sẽ được phân chia thành 2 nhóm xã khác nhau. Theo đó, một định mức thấp hơn dành cho các xã còn khó khăn và mức chuẩn cho các xã đồng bằng. Đây được xem là quyết sách phù hợp trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM.


Chia thành 2 nhóm xã


Theo quyết định của UBND tỉnh về việc quy định cụ thể hóa bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM và mức đạt chuẩn NTM của các xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, các xã xây dựng NTM được chia thành 2 nhóm. Trong đó, nhóm các xã đặc biệt khó khăn, xã nghèo thuộc 2 huyện miền núi giáp ranh Tây Nguyên sẽ áp dụng quy định, mức đạt chuẩn của khu vực Tây Nguyên (tạm gọi là nhóm xã miền núi). Nhóm xã còn lại áp dụng quy định, mức đạt chuẩn của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ (tạm gọi là nhóm xã đồng bằng). Theo ông Huỳnh Quang Thành - Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Khánh Hòa, căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về các xã đặc biệt khó khăn, Khánh Hòa có 8 xã thuộc diện này gồm: Giang Ly, Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh); Ba Cụm Nam, Thành Sơn (huyện Khánh Sơn); Sơn Tân (huyện Cam Lâm); Vạn Thạnh, Vạn Phước, Vạn Khánh (huyện Vạn Ninh). Ngoài 8 xã đặc biệt khó khăn trên, các xã thuộc diện xã miền núi gồm tất cả các xã còn lại của 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Như vậy, trong số 94 xã tham gia chương trình xây dựng NTM tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2017 - 2020, có 24 xã áp dụng quy định, mức đạt chuẩn của khu vực Tây Nguyên.

 

Một người dân ở huyện Khánh Sơn thu hoạch cà phê
Một người dân ở huyện Khánh Sơn thu hoạch cà phê


Khác biệt không nhiều


Việc phân chia thành 2 nhóm xã, có một số khác biệt về mức độ đạt chuẩn được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện, động lực cho các xã còn nhiều khó khăn phấn đấu cán đích NTM. Tuy nhiên, cách biệt giữa nhóm xã miền núi và nhóm xã đồng bằng không nhiều. Theo đó, trong số 19 tiêu chí NTM, có đến 13 tiêu chí không có sự khác biệt giữa 2 nhóm xã, gồm: quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, thu nhập, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất, văn hóa, hệ thống chính trị, quốc phòng an ninh. 13 tiêu chí này gần như phủ quát hầu hết các góc cạnh của đời sống vật chất, tinh thần ở khu vực nông thôn. Trong đó đặc biệt là tiêu chí thu nhập sẽ không có sự chênh lệch giữa các nhóm xã. Đây được xem là tiêu chí quan trọng nhất và cũng là nhiệm vụ nặng nề nhất bởi để đạt được tiêu chí  này (theo kế hoạch đến năm 2020, mỗi cư dân của xã NTM đều phải có mức thu nhập từ 41 triệu đồng/năm trở lên), gần như toàn bộ các tiêu chí khác từ hình thức tổ chức sản xuất cho đến giao thông, thủy lợi, điện, hạ tầng thương mại… cũng phải phát triển xứng tầm. Và như một sự mặc nhiên, một khi đã đạt được tiêu chí thu nhập, đời sống vật chất của người dân tăng lên, các chỉ tiêu về an sinh xã hội, giáo dục, y tế… cũng sẽ được đảm bảo. Ở nhóm tiêu chí có sự khác biệt, chủ yếu là nhóm giáo dục, y tế, nhà ở… mức độ chênh lệch không quá lớn.

 

Chương trình NTM Khánh Hòa đến năm 2020 đặt mục tiêu: có 58/94 xã (61,7% số xã) đạt chuẩn NTM; không có xã dưới 10 tiêu chí; số tiêu chí đạt chuẩn NTM bình quân chung đạt 16,5 tiêu chí/xã; TP. Nha Trang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Trao đổi với chúng tôi về những thuận lợi, khó khăn khi chia thành 2 nhóm xã, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn cho biết: “Khi chia thành 2 nhóm xã, một số tiêu chí có mức độ đạt thấp hơn sẽ phù hợp hơn với điều kiện phát triển của địa phương. Điều này tạo động lực tốt hơn cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sơn Bình phấn đấu trở thành xã đầu tiên của Khánh Sơn cán đích NTM vào năm 2020. Tuy nhiên, dù được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên để phát triển sản xuất nông nghiệp, có khá nhiều mô hình phát triển sản xuất bước đầu hiệu quả, nhưng ý thức của một số người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, tập quán canh tác còn manh mún, nhỏ lẻ, ý thức vươn lên chưa cao. Mặt bằng chung về thu nhập bình quân đầu người của xã có cao hơn so với các xã khác trên địa bàn huyện nhưng chưa đồng đều, có sự phân hóa, chủ yếu doanh thu cao tập trung vào các chủ trang trại có quy mô sản xuất lớn của các hộ gia đình người Kinh. Hơn nữa, với xuất phát điểm thấp, sản xuất nông nghiệp phát triển chưa bền vững, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng còn chậm, chưa hình thành nguồn đầu ra ổn định đối với nông sản làm ra tại địa phương là những yếu tố tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hướng đến việc hoàn thành bộ tiêu chí. Riêng tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều của xã còn cao, chiếm đến 44,6% (400/897 hộ), nhu cầu đầu tư nhà ở qua hàng năm đều phát sinh do các hộ đồng bào dân tộc thiểu số mới lập gia đình dựng nhà tạm để ở rồi trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Đây là những bài toán khó, vì thế bên cạnh sự nỗ lực của Sơn Bình, cần có sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành mới mong đạt mục tiêu đề ra”.


Như vậy có thể thấy, việc phân chia thành 2 nhóm xã đang là bước đổi mới trong chương trình NTM giai đoạn 2017 - 2020. Các xã có xuất phát điểm thấp, điều kiện phát triển hạn chế sẽ được giảm mức độ trong một số tiêu chí. Tuy nhiên, mức giảm này không nhiều bởi đạt chuẩn NTM chỉ mới là nền móng cần thiết của khu vực nông thôn.


Công Định