"Đạt chuẩn đã khó, giữ chuẩn còn khó hơn", đó là trăn trở của lãnh đạo và người dân xã Diên Lâm (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa). Bởi lẽ, một số tiêu chí nông thôn mới chỉ vừa chạm ngưỡng chứ chưa đạt khoảng cách an toàn.
“Đạt chuẩn đã khó, giữ chuẩn còn khó hơn”, đó là trăn trở của lãnh đạo và người dân xã Diên Lâm (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa). Bởi lẽ, một số tiêu chí nông thôn mới (NTM) chỉ vừa chạm ngưỡng chứ chưa đạt khoảng cách an toàn.
Nhiều khó khăn
Sau niềm vui được công nhận đạt chuẩn NTM, xã Diên Lâm bước vào giai đoạn giữ vững và phát triển các tiêu chí. Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch này cũng gặp nhiều thử thách, trong đó khó nhất là thu nhập của người dân. Bởi theo chuẩn mới của xã NTM, thu nhập bình quân của người dân phải đạt 27 triệu đồng/người/năm, nhưng điều tra cuối năm 2015, mức thu nhập của người dân trên địa bàn xã Diên Lâm mới đạt 23,2 triệu đồng/người/năm. So với chuẩn mới, đây là khoảng cách khá xa; 5 năm tới (thời hạn xét lại các tiêu chí NTM của xã), tiêu chí thu nhập còn tăng cao thì khoảng cách đó sẽ càng xa hơn nữa. Ông Phạm Văn Tám - Chủ tịch UBND xã Diên Lâm cho biết: “Diên Lâm là xã thuần nông, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp của xã chưa phát triển, sản xuất nhỏ lẻ, người dân chưa mạnh dạn đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Vì vậy, bài toán nâng cao thu nhập trong thời gian tới sẽ là thách thức lớn cho lãnh đạo xã và người dân”.
Xã Diên Lâm cần xây dựng kế hoạch sử dụng các nhà văn hóa một cách hiệu quả |
Xã có 4 thôn đều được xây dựng mới các nhà văn hóa khang trang, rộng rãi, sạch đẹp, nhưng cơ sở vật chất trong các nhà văn hóa phần lớn còn thiếu, không bàn ghế, loa đài… Những buổi họp dân, sinh hoạt chi hội, đoàn thể… vẫn phải mượn bàn ghế của dân hoặc ngồi bệt xuống nền nhà để sinh hoạt. Ông Huỳnh Thanh Hương - Trưởng thôn Trung cho biết: “Vừa qua, tại buổi làm việc với địa phương, lãnh đạo UBND tỉnh đã đồng ý hỗ trợ xã 200 triệu đồng để trang bị cơ sở vật chất cho các nhà văn hóa. Tuy nhiên, việc quan trọng là quy chế sử dụng nhà văn hóa như thế nào, công tác bảo vệ, giữ gìn tài sản trong nhà văn hóa ra sao…”. Ông Hương chia sẻ, tình trạng chung của các nhà văn hóa là tần suất sử dụng còn khá ít nên chưa phát huy được hiệu quả. Do đó, xã cần xây dựng kế hoạch sử dụng, tuyên truyền cho người dân thấy được lợi ích và tự nguyện tham gia các hoạt động ở nhà văn hóa.
Việc đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn cũng là điều trăn trở của lãnh đạo xã. Từ khi cầu Phú Cốc mới được đưa vào sử dụng, một số thanh, thiếu niên của địa phương và các xã lân cận thường tụ tập ở khu vực đầu cầu để ăn nhậu và thường xuyên xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau. “Chỉ cần trên địa bàn xã xảy ra một vụ trọng án hoặc xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, có phát sinh tệ nạn thì tiêu chí về trật tự xã hội sẽ không được giữ vững. Trong khi đó, đối tượng là người từ nơi khác đến gây án trên địa bàn, hoặc xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng do người điều khiển là người địa phương gây ra thì xã cũng rất bị động”, ông Phạm Văn Tám nói. Ngoài ra, hiện nay, xã còn nợ gần 4 tỷ đồng từ việc đầu tư cho chương trình xây dựng NTM giai đoạn trước. Trong vài năm tới, xã sẽ phải dùng nguồn ngân sách xây dựng cơ bản hàng năm của xã để trả nợ. Do đó, nếu xã muốn xây dựng các công trình mới trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn về kinh phí.
Giải pháp giữ vững các tiêu chí
Ông Đinh Văn Thiệu - Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh: Tuy Diên Lâm đã đạt chuẩn NTM nhưng có một số tiêu chí, đặc biệt là nhóm tiêu chí “mềm” chỉ vừa chạm ngưỡng như: thu nhập, văn hóa, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, môi trường… Để giữ các tiêu chí NTM một cách bền vững, địa phương cần triển khai đồng loạt nhiều giải pháp, từ quan tâm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân; đảm bảo tiêu chí môi trường, xây dựng các mô hình đảm bảo an ninh trật tự xã hội… Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ địa phương trong việc duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM. |
Vừa qua, tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM huyện, lãnh đạo xã Diên Lâm đã báo cáo kết quả rà soát các tiêu chí; đồng thời chỉ ra những thuận lợi, khó khăn và giải pháp để nâng cao chất lượng các tiêu chí. Trong đó, việc đẩy mạnh công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được chú trọng với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực như: nhân rộng diện tích cánh đồng mẫu của 2 hợp tác xã; triển khai đề án nuôi bò sinh sản và bò thịt… Hiện nay, xã đã sử dụng nguồn vốn hơn 410 triệu đồng từ chương trình xây dựng NTM của tỉnh để hỗ trợ người dân phát triển các cây trồng chủ lực, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương như: mía, xoài, mít, bưởi… Các lớp nghề như: kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi da xanh; đào tạo nghề giúp việc gia đình cũng được mở để tạo thêm ngành nghề cho người dân.
Trên địa bàn xã có 78 cơ sở sản xuất, kinh doanh; trong đó có 10% cơ sở chưa đạt chuẩn về môi trường, chủ yếu là các cơ sở chăn nuôi. Xã đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện kiểm tra, khảo sát và hướng dẫn các cơ sở này khắc phục, thay đổi quy trình sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, xã còn đẩy mạnh tuyên truyền để người dân cùng lãnh đạo địa phương chung tay tiếp tục duy trì, giữ vững và phát triển các tiêu chí NTM.
MAI HOÀNG