12:08, 19/08/2016

Khánh Vĩnh: Cần giải pháp khả thi trong giảm nghèo

Giảm tỷ lệ hộ nghèo là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên hiện nay, công tác này đang là bài toán khó giải của huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), đòi hỏi địa phương cần đề ra những giải pháp căn cơ.

Giảm tỷ lệ hộ nghèo là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên hiện nay, công tác này đang là bài toán khó giải của huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), đòi hỏi địa phương cần đề ra những giải pháp căn cơ.


Người dân còn trông chờ, ỷ lại


Hơn 10 năm nay, gia đình ông Hứa Văn Biên (37 tuổi, dân tộc Tày, xã Khánh Nam) trong diện hộ nghèo. Nhà có 3 nhân khẩu, ông Biên là lao động chính trong gia đình nhưng hầu như ông không đi làm mà chỉ ở nhà uống rượu suốt ngày. Vợ ông - bà Chiều Thị Nghiệp đi ươm keo giống thuê mỗi ngày được hơn 100.000 đồng, đây là nguồn thu nhập chính nuôi cả gia đình. Khi được hỏi vì sao không đi làm nuôi gia đình, ông nói: “Phong tục của người Tày, đàn ông không phải đi làm, vợ phải đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Vả lại, nếu mình đi làm, có tiền thì Nhà nước sẽ cắt hỗ trợ”.

 

Căn nhà của ông Hứa Văn Biên
Căn nhà của ông Hứa Văn Biên


Theo tìm hiểu của chúng tôi, căn nhà gia đình ông Biên đang ở do chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng. Trước đây, được nhiều người vận động, ông Biên đi làm phụ hồ được hơn 2 tháng rồi bỏ vì công việc nặng nhọc. Nhà có hơn 1ha đất do bố mẹ để lại, ông trồng keo xong rồi bỏ mặc không chăm sóc, cỏ dại mọc um tùm.


Theo lãnh đạo huyện Khánh Vĩnh, những năm qua, Đảng, Nhà nước và tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ huyện trong công tác giảm nghèo. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo giảm thấp, số hộ thoát được nghèo thì chưa bền vững. Nguyên nhân là do nhiều người dân còn ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều hộ nghèo thiếu vốn, thiếu đất sản xuất; tập quán sản xuất của người dân còn lạc hậu, diện tích đất canh tác ít, chủ yếu là đất đồi rừng, khó sản xuất. Việc sản xuất ở một số vùng còn mang tính tự phát, làm theo phong trào, chưa có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả; việc tiếp thu kiến thức khoa học, kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất còn hạn chế. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn không nhiều, quy mô không lớn nên khả năng thu hút, tạo việc làm cho người dân chưa cao. Không ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn thụ động, không phấn đấu vươn lên thoát nghèo… Đây là những nguyên nhân khiến công tác giảm nghèo của huyện đạt thấp và thiếu bền vững; đồng thời ảnh hưởng đến công tác xây dựng nông thôn mới khi huyện khó đạt tiêu chí giảm nghèo.


Cần giải pháp căn cơ

 

́Huyện Khánh Vĩnh hiện có 8.835 hộ dân. Qua kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, toàn huyện hiện có 5.413 hộ nghèo, chiếm 61,27% dân số; 450 hộ cận nghèo, chiếm 5,1%. Khánh Vĩnh được xem là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Huyện đang đặt mục tiêu đến cuối năm 2016 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 52,21%.

Ông Mấu Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, huyện đã đề ra những giải pháp chủ yếu trong thời gian tới như: Tích cực vận động nhân dân khắc phục khó khăn, chủ động xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả; vận động các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình giảm nghèo; lồng ghép chương trình giảm nghèo với các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, huyện sẽ tập trung phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện tốt công tác bóc tách đất rừng giao cho hộ nghèo thiếu đất sản xuất; tăng cường triển khai cho hộ nghèo vay vốn kinh doanh, sản xuất; đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hộ nghèo áp dụng vào sản xuất, nâng cao chất lượng, sản lượng cây trồng, vật nuôi…  


Cũng theo ông Phi, các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và của tỉnh cần đi vào trọng tâm, thực chất và đem lại hiệu quả. Trong đó, việc hỗ trợ đất sản xuất cho người nghèo, người dân tộc thiểu số phải được rà soát kỹ, tránh tình trạng cấp đất cho hộ nghèo được một vài năm họ lại bán cho người khác. Đặc biệt, tỉnh cần hỗ trợ và đưa ra giải pháp khả thi trong việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cho những hộ lười lao động, giúp họ thay đổi suy nghĩ. Có như vậy, công tác giảm nghèo mới đạt được kết quả cao, giúp huyện sớm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.


PHÚ VINH