Những năm qua, huyện Vạn Ninh luôn chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Hoạt động này vừa giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, ổn định đời sống người dân vùng nông thôn.
Những năm qua, huyện Vạn Ninh luôn chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Hoạt động này vừa giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, ổn định đời sống người dân vùng nông thôn.
Ông Cuộc áp dụng những kiến thức đã học vào nuôi ếch, đem lại thu nhập ổn định. |
Phát triển kinh tế từ học nghề
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Vạn Ninh có rất nhiều nông dân quyết tâm học nghề để phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đó là những nông dân biết nắm bắt điều kiện đầu tư, mở rộng quy mô và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Ông Đỗ Văn Cuộc (thôn Tây Ninh 1, xã Đại Lãnh) đã chọn học nghề nuôi ếch do Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh mở tại xã. Sau 3 tháng học, ông áp dụng những kiến thức đã học bằng cách đầu tư hơn 20 triệu đồng xây bể xi măng với diện tích gần 30m2 và mua giống về thả. Hiện nay, trại ếch của ông đang nuôi khoảng 5.000 con. Ông Cuộc cho biết: “Ếch bò dễ nuôi, lớn nhanh, năng suất cao, thị trường khá ưa chuộng. Nghề này yêu cầu người nuôi phải siêng năng, hàng ngày thay nước sạch thường xuyên, nếu không, ếch sẽ bị bệnh, còi cọc, chậm lớn. Chăm sóc ếch theo đúng kỹ thuật đã học thì sau 3 tháng nuôi, ếch đạt trọng lượng bình quân 300g (kích cỡ thị trường ưa chuộng nhất). Hiện thị trường ếch thịt đang khan hiếm do cầu cao hơn cung nên việc nuôi ếch không lo đầu ra”. Từ việc nuôi ếch, mỗi tháng gia đình ông thu nhập hơn 13 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Thấy ông Cuộc nuôi ếch hiệu quả, nhiều hộ dân ở Đại Lãnh cũng đăng ký học nghề. Hiện nay, toàn xã đã có hơn 20 hộ nuôi ếch.
Chị Nguyễn Thị Kim Dung (thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ) lại chọn nghề nuôi gà thả vườn. Chị Dung cho biết: “Gia đình tôi có hơn 1ha đất, nhưng lại khó phát triển cây hoa màu, vì thế tôi đăng ký lớp học nghề nuôi gà thả vườn do Hội Nông dân xã phối hợp với Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh tổ chức. Qua 3 tháng học, tôi áp dụng nuôi 3.000 con gà và chỉ sau 4 tháng nuôi có thể xuất bán, mỗi con nặng khoảng 1,5kg”. Hiện nay, trang trại gà của gia đình chị Dung luôn duy trì số lượng từ 5.000 đến 6.000 con, nuôi theo hình thức gối đầu. Mỗi tháng, chị bán ra thị trường khoảng 1.000 con. Hiện nay với giá bán từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, chị Dung thu lãi trên 20 triệu đồng/tháng. Chị Dung chia sẻ, sau khi tham gia lớp học nghề, áp dụng những kiến thức đã học cùng với kinh nghiệm tích lũy từ thực tế thì hiệu quả tăng lên rõ rệt, gà nuôi lớn nhanh và ít dịch bệnh.
Bên cạnh tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp, huyện Vạn Ninh còn quan tâm đào tạo nghề phi nông nghiệp nhằm chuyển đổi ngành nghề cho lao động nông thôn. Riêng Công ty TNHH Chế biến hạt điều Sao Việt (xã Vạn Thắng) đã và đang tạo việc làm cho gần 500 lao động địa phương. Chị Nguyễn Thị Lượng (34 tuổi, xã Vạn Thắng) cho biết: “Trước đây, tôi cũng như một số anh chị em ở đây chủ yếu làm nông. Khi Công ty phối hợp với UBND xã và Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh mở lớp dạy nghề chế biến hạt điều, tôi đăng ký học. Sau khi tốt nghiệp, Công ty nhận tôi vào làm, hiện nay mỗi tháng tôi có thu nhập hơn 3 triệu đồng. Điều kiện làm việc ở đây rất thuận lợi, gần nhà nên ít chi phí cho việc đi lại, không phải lo lắng tiền nhà trọ, làm việc xong có thể về nhà lo chuyện gia đình...”.
Tạo điều kiện cho người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống
Theo ông Lê Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, thực hiện “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, từ năm 2010 đến nay, huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 2.200 lao động nông thôn. Các học viên được đào tạo các nghề trồng trọt, chăn nuôi, thú y, may mặc, chế biến hạt điều, mây tre đan... Thông qua các lớp đào tạo nghề và chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hơn 70% lao động sau học nghề đã chuyển nghề và có việc làm ổn định, góp phần tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. “Nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân sẽ góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, huyện luôn xem công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng”, ông Thắng nói.
Năm 2015, huyện Vạn Ninh sẽ tập trung đào tạo các nghề trọng điểm nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, tập trung đào tạo những nghề phục vụ cho vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa, chế biến nông lâm thủy sản, quy trình kỹ thuật, công nghệ sau thu hoạch. Đồng thời tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt hiệu quả cao.
PHÚ VINH