11:11, 27/11/2014

Tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn

Ninh Phụng là một trong hai xã điểm của thị xã Ninh Hòa được tập trung đầu tư để hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2015. Hiện xã đang triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất, nâng cấp các công trình giao thông nhằm tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn.

Ninh Phụng là một trong hai xã điểm của thị xã Ninh Hòa được tập trung đầu tư để hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2015. Hiện xã đang triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất, nâng cấp các công trình giao thông nhằm tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn.


Ninh Phụng là xã đồng bằng, với tổng diện tích tự nhiên 853ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 580ha. Toàn xã có 8 thôn với hơn 2.700 hộ và 12.358 người. Hiện nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo, chiếm 55% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế tại địa phương. Những năm qua, nhằm mang lại bộ mặt mới cho vùng nông thôn địa phương thông qua việc triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, xã đã triển khai các mô hình, tổ liên kết sản xuất, dự án chăn nuôi đạt hiệu quả cao.

 

Các tuyến đường  giao thông trong xã  đang được xây dựng mới.
Các tuyến đường giao thông trong xã đang được xây dựng mới.


Hiện xã đang thực hiện thành công mô hình trồng rau muống phục vụ cho Trung tâm Giống Đà điểu Ninh Hòa, tạo việc làm ổn định cho 7 - 10 lao động với mức lương bình quân gần 2 triệu đồng/người/tháng. Đây là tổ liên kết làm ăn có hiệu quả. Đến nay, địa phương tiếp tục phát triển và thành lập các tổ liên kết cơ giới, trồng hoa kiểng, trồng nấm rơm... Ngoài ra, từ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ phát triển sản xuất, địa phương đã chủ động chọn mô hình nuôi bò thịt, bò sinh sản, tạo điều kiện cho từ 10 - 20 hộ chính sách, hộ nghèo, cận nghèo vay 10 triệu đồng/hộ phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Đối với các hộ dân đã vay vốn từ năm 2012 thì sau 2 năm nuôi, chăm sóc, các hộ đều thu được lợi nhuận hơn 9 triệu đồng/hộ song vẫn giữ được con giống.


Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất ngành nghề nông nghiệp, nông thôn, từ năm 2013 đến nay, xã đã hỗ trợ các hộ nông dân mua 5 máy cày tay (15 triệu đồng/máy) trong thời gian 3 năm không tính lãi nhằm giải quyết tình trạng thiếu sức kéo khi vào vụ sản xuất. Nhờ quan tâm công tác hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, công tác giảm nghèo tại địa phương đã hiệu quả. Đến nay, số hộ nghèo toàn xã còn 94 hộ, chiếm 3,5%; hộ cận nghèo 231 hộ, chiếm 8,61% tiêu chí hộ nghèo đạt chuẩn NTM.


Một trong những điểm nổi bật của xã Ninh Phụng trong xây dựng NTM là việc huy động các nguồn lực, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, thị xã, địa phương và khoản đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Xã đã vận động người dân hiến đất làm đường, bê tông hóa đường giao thông liên thôn, xã, tạo bộ mặt mới cho vùng nông thôn. Riêng trong năm 2014, xã đã triển khai đầu tư xây dựng 5 công trình với tổng vốn hơn 3,2 tỷ đồng. Trong đó vốn của tỉnh hơn 1,7 tỷ đồng; vốn ngân sách xã hơn 1,3 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp 164 triệu đồng để làm hơn 1,191km đường bê tông nông thôn và cứng hóa 3,432km đường nội đồng, sửa chữa hội trường, nhà bia tưởng niệm của xã, 2 nhà sinh hoạt cộng đồng thôn. Bên cạnh đó, thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay người dân địa phương đã hiến hơn 6.000m tường rào các loại (cây trồng, bê tông, lưới B40...), 60 cây ăn quả, 650m2 đất và di dời 20 ngôi mộ phục vụ mở rộng đường giao thông nông thôn mà không đòi hỏi đền bù. Bà Đoàn Thị Mỹ Dung (thôn Đại Cát 1) chia sẻ: “Khi xã triển khai xây dựng con đường bê tông qua thôn, người dân ở đây ai cũng đồng tình. Tôi đã ủng hộ bằng cách tự tháo dỡ tường bao để tạo thuận lợi cho đơn vị thi công công trình”.


Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện công tác xây dựng NTM ở xã Ninh Phụng còn gặp một số khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, theo kế hoạch, đến cuối năm 2015, Ninh Phụng là một trong hai xã của Ninh Hòa hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM. Dự kiến đến cuối năm 2014, xã sẽ đạt được 14/19 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt là: quy hoạch, giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập. Để hoàn thành các tiêu chí này, xã phải cần nguồn vốn tới hơn 28 tỷ đồng.


Phúc Hiếu