Trong xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xã Ba Cụm Nam (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân một phần là do thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xã Ba Cụm Nam (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân một phần là do thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Chỉ đáp ứng khoảng 20% nước tưới
Ông Mấu Uy - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Cụm Nam cho biết: “Trong XDNTM, địa phương xác định việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp sẽ là “chìa khóa” để giải quyết bài toán nâng cao thu nhập cho người dân. Những vườn cây ăn trái, mía tím, rừng keo đã được người dân đầu tư. Thế nhưng, vấn đề nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương hết sức khó khăn”. Theo thống kê, xã Ba Cụm Nam có hơn 270ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng diện tích đất có nước tưới ven các con suối chỉ khoảng 20%; 80% còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước trời.
Tại thôn Hòn Gầm, ở khu vực Đầu Bò, không ít diện tích đang bị bỏ hoang. Ông Cao Ngạo, hộ dân có đất sản xuất nơi đây cho biết: “Gia đình tôi có 5 sào đất nông nghiệp. 3 năm trước, thấy người dân trong xã trồng mía tím cho thu nhập cao nên tôi cũng đầu tư trồng. Tuy nhiên, do thiếu nước tưới nên mía không phát triển được, năng suất rất thấp. Tôi chuyển sang trồng bắp, tuy nhiên hạn hán khiến bắp bị hư nên tôi bỏ đất hoang hơn 1 năm nay”. Ở cạnh diện tích đất của gia đình ông Ngạo có phần đất nông nghiệp của hơn chục hộ dân khác, đa phần đều không được đầu tư sản xuất. Lý do là vì không có nước nên người thì bỏ hoang, người trỉa bắp, trồng mì, thu được bao nhiêu thì mừng bấy nhiêu chứ không thể chủ động đầu tư.
Hệ thống đập, kênh mương Đầu Bò vẫn chưa thể phát huy hiệu quả. |
Tình trạng thiếu nước sản xuất diễn ra đã nhiều năm nay trên địa bàn xã. Rất ít gia đình may mắn có nước để cứu cây trồng mùa hạn hán nhờ có diện tích đất sản xuất gần suối. Chị Mấu Thị Lịm (ở thôn Suối Me) cho biết: “Ở xã Ba Cụm Nam, nước sinh hoạt còn khó, nói gì đến nước sản xuất. Hầu hết các gia đình đều thiếu nước, gia đình tôi nhờ có diện tích đất gần suối nên mùa hạn năm nay hơn 5 sào bắp không bị chết khát”. Còn theo tính toán của ông Võ Thành Toản - cán bộ phụ trách giao thông - thủy lợi xã Ba Cụm Nam, trong số hơn 270ha đất nông nghiệp của địa phương chỉ có 8ha có thể phát triển lúa nước, diện tích còn lại chủ yếu trồng keo, chuối, mía, sầu riêng… Hiện nay, chỉ duy nhất khu vực Suối Me (hơn 20ha) là có nước phục vụ sản xuất; khu vực Đầu Bò (hơn 20ha) tuy đập Đầu Bò đã được đầu tư nhưng chưa phát huy hiệu quả, một số khu vực còn lại ở Ka Tơ (hơn 15ha), Suối Lau (8ha), Suối Môn (14ha) vẫn chưa có nước tưới.
Kỳ vọng đập Đầu Bò
Để giải quyết một phần “cơn khát” nước sản xuất tại xã Ba Cụm Nam, giai đoạn 1 của dự án hệ thống đập và kênh mương Đầu Bò đã được xây dựng tại thôn Hòn Gầm, kinh phí gần 7 tỷ đồng. Ông Trần Hữu Tuấn - Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình xây dựng Khánh Sơn (chủ đầu tư) cho biết: “Hệ thống đập và kênh mương Đầu Bò được xây dựng nhằm chủ động tưới, tiêu một phần diện tích đất nông nghiệp khoảng 20ha tại khu vực thôn Hòn Gầm. Đây là công trình thủy lợi cấp IV, có các hạng mục chính gồm đập dâng; hệ thống kênh tả dài 10m chờ sẵn sau khi có kế hoạch xây dựng đồng ruộng sẽ tiếp tục đầu tư thêm khoảng 600m kênh dẫn nước nữa; hệ thống kênh hữu dài 820m phục vụ tưới tự chảy một phần diện tích ven suối ở hạ lưu”.
Theo ông Võ Thành Toản, người dân địa phương kỳ vọng rất nhiều vào hệ thống đập và kênh mương Đầu Bò. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hệ thống này vẫn chưa phát huy hiệu quả, bởi 20ha đất nông nghiệp của người dân hưởng lợi từ dự án này vẫn chưa có nước tưới. Nguyên nhân là do phần lớn diện tích sản xuất hiện nay cao hơn hệ thống kênh dẫn nước, trong khi đây lại là kênh tự chảy nên nước không lên ruộng cao. Người dân rất mong cấp trên quan tâm hỗ trợ kinh phí để cải tạo, san ủi hạ độ cao đồng ruộng thì mới có thể sản xuất. Trao đổi với ông Trần Hữu Tuấn, chúng tôi được biết huyện đã đề nghị tỉnh bố trí kinh phí khoảng 6 - 7 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 dự án này. Trong đó sẽ tập trung san ủi, cải tạo khu vực sản xuất; đầu tư tiếp kênh tả của đập Đầu Bò, hệ thống kênh nhánh dẫn nước vào các đồng ruộng.
Thực trạng thiếu nước sản xuất đang là bài toán khó trong sản xuất nông nghiệp cũng như nâng cao thu nhập cho người dân để XDNTM tại xã Ba Cụm Nam. Thiết nghĩ, bên cạnh đầu tư cho những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương, xã Ba Cụm Nam rất cần được đầu tư về hệ thống thủy lợi nhằm chủ động nước tưới cho hàng trăm héc-ta đất sản xuất. Nguồn kinh phí để đầu tư hệ thống này sẽ rất lớn, vì vậy cùng với sự đầu tư của Nhà nước, rất cần sự tham gia của từng hộ dân, những người được hưởng lợi từ những công trình này.
BÍCH LA