Nhờ chủ động lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng… nên qua 3 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) đã đạt được những kết quả nhất định.
Nhờ chủ động lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng… nên qua 3 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) đã đạt được những kết quả nhất định.
Cam Ranh có 6 xã nằm trong diện được đầu tư XDNTM gồm: Cam Bình, Cam Thành Nam, Cam Thịnh Đông, Cam Phước Đông, Cam Lập, Cam Thịnh Tây, trong đó 3 xã được chọn điểm là Cam Thịnh Đông, Cam Bình, Cam Thành Nam.
Diêm dân cải tạo đìa cho vụ muối mới ở xã Cam Thịnh Đông. |
Sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, khu vực nông thôn Cam Ranh đã có những bước chuyển biến rõ rệt, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. So với năm 2010, thu nhập bình quân khu vực nông thôn ở Cam Ranh tăng 1,7 lần, đạt 23 triệu đồng/người/năm, trong đó 2 xã Cam Thành Nam, Cam Bình thu nhập người dân đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm. Về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu, đến nay, toàn thành phố đã đầu tư xây dựng mới 57,3km đường bê tông các loại (tổng vốn hơn 190,5 tỷ đồng). Trong đó, tỷ lệ đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt 83,2%; 63,18% đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa. Nổi bật là một số xã như: Cam Thành Nam, Cam Thịnh Đông, Cam Phước Đông, Cam Lập có 100% đường liên xã, liên thôn được bê tông hóa, nhựa hóa. Về tiêu chí trường học, thành phố đã xây mới Trường THCS xã Cam Thịnh Tây, Nhà cộng đồng phòng, chống thiên tai trường Tiểu học Cam Thịnh 1 xã Cam Thịnh Đông... Đến cuối năm 2013, xã Cam Thành Nam đạt chuẩn quốc gia ở 3 cấp học đối với tiêu chí này.
Bên cạnh đó, nhờ thực hiện tốt việc lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, huy động nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn ở Cam Ranh chỉ còn 5,62%, giảm 7,25% so với năm 2010. Toàn thành phố phát triển mới 140 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phục vụ nhu cầu dân sinh. Một số cơ sở bước đầu hoạt động hiệu quả như: Công ty TNHH một thành viên Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Trần Gia, Nhà máy Chế biến dăm, mảnh gỗ nguyên liệu giấy Cam Ranh, Cơ sở chế biến rau củ quả, rong nho Ngọc Thưởng.
3 năm qua, các hộ dân đã tích cực triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, thay đổi giống cây trồng, vật nuôi mới đạt hiệu quả cao. Đối với các loại cây lương thực, thực phẩm, nông dân đã biết cách chọn các loại cây giống tốt, năng suất cao đưa vào sản xuất. Nhờ đó, lúa đạt năng suất bình quân 65 tạ/ha, mía đạt 52 tấn/ha, bắp 16 tạ/ha...Thông qua các tổ liên kết sản xuất - kinh doanh, nhiều mô hình sản xuất mới có hiệu quả kinh tế cao (thu nhập bình quân hơn 300 triệu đồng/ha/năm) cũng được triển khai tích cực như: mô hình trồng kiệu, táo, xoài cát Hòa Lộc. Không chỉ vậy, một số nông sản do người dân địa phương đầu tư sản xuất như: rong nho, kiệu đóng hộp, bắp rang đã xây dựng được thương hiệu và đưa vào bán tại các siêu thị trong cả nước.
Các tiêu chí khác như: chợ, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, nước sạch vệ sinh môi trường, y tế... đang được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tập trung triển khai thực hiện nhằm đảm bảo đúng kế hoạch, lộ trình Nghị quyết HĐND thành phố đề ra giai đoạn 2011 - 2015.
Thời gian tới, TP. Cam Ranh tiếp tục tập trung vốn đầu tư cho 3 xã điểm, phấn đấu có 2 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí vào cuối năm 2014, và đến cuối năm 2015 có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM. Để đạt được mục tiêu trên, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương sẽ tập trung triển khai các giải pháp trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân; đào tạo, tập huấn cán bộ đủ năng lực, trình độ... đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
PHÚC HIẾU