11:06, 19/06/2014

Xã Ninh Thọ: Chú trọng nâng cao thu nhập cho người dân

Hỗ trợ vốn phát triển sản xuất; thành lập các tổ liên kết, các mô hình sản xuất hiệu quả; vận động người dân học nghề; tạo việc làm… là những việc làm thiết thực của xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa nhằm giúp người dân thoát nghèo và từng bước nâng cao thu nhập.

Hỗ trợ vốn phát triển sản xuất; thành lập các tổ liên kết, các mô hình sản xuất hiệu quả; vận động người dân học nghề; tạo việc làm… là những việc làm thiết thực của xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa nhằm giúp người dân thoát nghèo và từng bước nâng cao thu nhập.


Nhiều mô hình thiết thực


Xã Ninh Thọ hiện có 570ha đất sản xuất 2 vụ lúa nhưng lâu nay người dân vẫn giữ thói quen tự nhân giống lúa trên đồng ruộng của mình nên năng suất thấp, chỉ đạt 45 - 50 tạ/ha. Nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, năm 2013, Hội Nông dân xã đã thành lập mô hình điểm “Tổ liên kết sản xuất giống lúa xã Ninh Thọ” tại 2 thôn Lạc An và Lạc Bình, với 63 hộ tham gia, đa phần là những hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Tổ đã cải tạo 15ha đất, đưa giống lúa ML 202 nguyên chủng vào sản xuất với kinh phí đầu tư trên 215 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp hơn 115 triệu đồng; ngân sách hỗ trợ 100 triệu đồng, mỗi héc-ta lúa được đầu tư bình quân 3,3 triệu đồng. Bước đầu, Tổ hoạt động khá hiệu quả, năng suất lúa đạt 6,5 - 7 tấn/ha. Hiện tổ đã phân phối lúa giống cho 40 hộ nông dân trên địa bàn xã để sản xuất lúa vụ Hè - Thu 2014.

 

1
Được hỗ trợ nguồn vốn, anh Minh đã đầu tư mua thêm máy móc phát triển nghề mộc, góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương.


Bên cạnh đó, từ nguồn vốn 100 triệu đồng hỗ trợ sản xuất của tỉnh theo Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xã đã huy động 180 triệu đồng vốn đối ứng của người dân xây dựng mô hình trồng rau an toàn tại thôn Xuân Mỹ, có 18 hộ tham gia. Cũng bằng hình thức trên, đầu năm 2014, xã tiếp tục sử dụng 150 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh và 150 triệu đồng vốn đối ứng của người dân xây dựng mô hình phát triển nghề mộc dân dụng, có 5 hộ tham gia. Các hộ đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và bước đầu phát huy hiệu quả. Anh Lê Thành Minh - chủ cơ sở làm mộc thôn Lạc An chia sẻ: “Với số vốn 30 triệu đồng, tôi đã đầu tư mua thêm một số máy móc, trang thiết bị. Hiện cơ sở của tôi giải quyết việc làm cho 6 lao động địa phương. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn cao hơn để mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương”. Xã Ninh Thọ đang xây dựng thêm mô hình nuôi bò sinh sản và tổ liên kết sản xuất muối bằng phương pháp kết tinh muối trên bạt.


Song song với đầu tư phát triển sản xuất, xã còn phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, nghề mộc dân dụng, xây dựng, thủ công mỹ nghệ, làm bún gạo, bánh tráng... mỗi năm thu hút cả trăm người tham gia.


Với những cách làm thiết thực nói trên, đến nay, thu nhập bình quân của người dân xã Ninh Thọ đạt 18 triệu đồng/người/năm; hiện chỉ còn khoảng 2,3% hộ nghèo.


Huy động mọi nguồn lực tham gia


Không chỉ đẩy mạnh sản xuất tăng thu nhập cho người dân, xã Ninh Thọ còn vận động xã hội hóa và huy động các nguồn lực để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Thời gian qua, đã có nhiều hộ gia đình tham gia hiến đất, đóng góp ngày công lao động, tiền, vật chất... cùng với Nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM... Cụ thể như thôn Ninh Điền, Lạc An vận động người dân phá dỡ công trình phụ, tự nguyện hiến đất với tổng diện tích trên 1.000m2 để xây dựng các tuyến đường. Tương tự, thôn Bình Sơn và Chánh Thanh đã vận động nhân dân đổ đất đá, xà bần cấp phối tu bổ các đường thôn, ngõ xóm với tổng trị giá trên 50 triệu đồng. Thôn Lạc Bình vận động nhân dân đóng góp xây dựng lại tuyến đường nội đồng (cánh đồng mẫu); thôn Xuân Mỹ ủng hộ 100 ngày công và vật tư để sửa chữa đình, chùa...


Thực hiện chương trình xã hội hóa xây dựng NTM, được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và các nguồn quỹ của các cấp, xã đã xây dựng được 50 ngôi nhà tình thương, nhà đoàn kết với kinh phí hơn 3 tỷ đồng; trong đó các doanh nghiệp hỗ trợ 870 triệu đồng. Xã cũng đã vận động 100 hộ gia đình xây dựng, nâng cấp nhà ở, chỉnh trang cổng tường rào làm cho bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp hơn với số tiền hơn 10 tỷ đồng. Ngoài ra, có 6/8 thôn nhân dân đóng góp lắp đặt 117 bóng đèn thắp sáng đường quê với tổng kinh phí gần 50 triệu đồng.


Bà Trần Thị Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện địa phương đã hoàn thành 13 tiêu chí xây dựng NTM. Trong năm 2014, địa phương tiếp tục phấn đấu hoàn thành thêm 3 tiêu chí: trường học, nhà ở, giáo dục. “Từ đầu năm đến nay, xã đã xây dựng được 5 nhà cho người nghèo. Nhờ vậy, trên địa bàn không còn nhà tạm bợ. Tuy nhiên, hiện địa phương đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành tiêu chí trường học, do hiện nay Trường Tiểu học Ninh Thọ đã xuống cấp, nhưng việc xây mới phụ thuộc vào nguồn kinh phí của cấp trên” - bà Điệp cho biết.


K.H