09:04, 25/04/2014

Chú trọng phát triển kinh tế tập thể

Xây dựng quỹ hỗ trợ sản xuất cho các hộ nghèo vay không lãi, chú trọng phát triển các mô hình sản xuất, tổ liên kết tập thể… là cách làm của xã Ninh Phụng (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) nhằm giúp người dân thoát nghèo và từng bước nâng cao tiêu chí thu nhập.

Xây dựng quỹ hỗ trợ sản xuất cho các hộ nghèo vay không lãi, chú trọng phát triển các mô hình sản xuất, tổ liên kết tập thể… là cách làm của xã Ninh Phụng (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) nhằm giúp người dân thoát nghèo và từng bước nâng cao tiêu chí thu nhập.


Thoát nghèo nhờ liên kết sản xuất


Nông nghiệp hiện vẫn giữ vai trò chủ đạo và chiếm 55% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của xã Ninh Phụng. Để giúp người dân thoát nghèo và nâng cao thu nhập, từ năm 2009 đến nay, xã đã thành lập nhiều tổ liên kết, mô hình sản xuất tập thể để người dân hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế. Trong đó, Tổ liên kết trồng rau muống (có 6 thành viên) là mô hình sản xuất mang lại hiệu quả rõ rệt nhất.


Tổ đã cải tạo 6ha đất bị nhiễm phèn, trồng lúa năng suất thấp để trồng rau muống. Hàng tháng, tổ cung cấp cho Trung tâm Giống đà điểu Ninh Hòa khoảng 60 - 70 tấn rau muống. Với giá thu mua từ 850 - 900 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 200 triệu đồng/năm. Nhờ có đầu ra ổn định, thu nhập của các thành viên trong tổ được cải thiện. Trong tổ có 4 thành viên là hộ nghèo của địa phương. Sau khi tham gia tổ, có công việc và nguồn thu nhập ổn định, đến nay, các hộ đã thoát nghèo. Điển hình là gia đình anh Lê Duẩn. Năm 2010, vợ anh Duẩn bị tai nạn nên gia đình anh phải vay mượn hơn 40 triệu đồng để chữa trị. Nhà nghèo, con nhỏ, anh Duẩn trở thành lao động duy nhất của gia đình. Đầu năm 2011, anh tham gia Tổ liên kết trồng rau muống và được phân công ở bộ phận cắt rau. Ông Phan Ngọc Tuấn - Tổ trưởng Tổ liên kết trồng rau muống chia sẻ: “Hàng tháng, tổ trả công cho anh Duẩn gần 5 triệu đồng, cộng thêm khoảng 2 triệu đồng từ ruộng rau muống của gia đình, tổng thu nhập của anh Duẩn khoảng 7 triệu đồng/tháng. Đến cuối năm 2011, anh Duẩn đã trả hết nợ, mua bò và xe máy. Anh Lê Duẩn đã được UBND tỉnh khen thưởng là cá nhân vượt khó thoát nghèo tiêu biểu”.

 

 Nhờ tham gia tổ liên kết, gia đình anh Lê Duẩn đã thoát nghèo.
Nhờ tham gia tổ liên kết, gia đình anh Lê Duẩn đã thoát nghèo.


Thêm nhiều tổ liên kết sản xuất


Năm 2012, từ nguồn vốn 100 triệu đồng hỗ trợ sản xuất của tỉnh theo chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Ninh Phụng đã huy động vốn đối ứng của người dân để hỗ trợ cho 10 hộ nghèo nuôi bò thịt. Dự kiến, sau 2 năm, doanh thu của việc nuôi bò thịt đạt 220 triệu đồng, lợi nhuận trên 90 triệu đồng. Cũng bằng hình thức trên, năm 2013, xã tiếp tục sử dụng 180 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh cho các gia đình chính sách, hộ cận nghèo vay để mở rộng mô hình nuôi bò sinh sản. Phát huy tính hiệu quả của các tổ liên kết, tháng 7-2013, xã Ninh Phụng ra mắt Tổ liên kết trồng hoa cúc với 4 thành viên, trồng khoảng 14.000 chậu cúc/năm. Đầu năm 2014, Tổ liên kết cơ giới nông nghiệp cũng được hình thành nhằm giải quyết tình trạng thiếu máy móc khi vào vụ sản xuất. Tổ nhận được nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh là 75 triệu đồng, cộng với vốn đối ứng của các thành viên để mua 5 máy cày tay. Dự kiến, sau 3 năm, doanh thu của tổ đạt 350 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng.


Điểm khác biệt trong cách làm của xã Ninh Phụng trong sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh là cho người dân vay không lấy lãi chứ không hỗ trợ một lần như các địa phương khác. Bà Nguyễn Thị Hải - Chủ tịch UBND xã Ninh Phụng cho biết: “Từ năm 2012 đến 2014, Quỹ Hỗ trợ sản xuất đã tích lũy được 355 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh. Quỹ này sẽ luân phiên cho nhiều hộ dân vay, đặc biệt ưu tiên các đối tượng gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thay vì chỉ một số ít hộ dân được nhận hỗ trợ, phương án bảo tồn nguồn vốn vay sẽ tạo điều kiện cho nhiều hộ dân được tiếp cận vốn vay không lãi và tránh được tính ỷ lại của người dân vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời tạo động lực để người dân chủ động phát triển kinh tế gia đình”.


Bằng nhiều biện pháp, trong đó chú trọng phát triển kinh tế tập thể, công tác giảm nghèo ở xã Ninh Phụng đang cho thấy hiệu quả. Số hộ nghèo của xã năm 2013 chỉ còn 109 hộ, chiếm 4,12% dân số. Hiện nay, xã đã đạt được 13/19 tiêu chí nông thôn mới.


MAI HOÀNG