12:04, 18/04/2014

Xã Cam Thành Nam: Còn nhiều khó khăn

Theo kế hoạch, cuối năm nay xã Cam Thành Nam (Cam Ranh, Khánh Hòa) sẽ cơ bản đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, qua khảo sát, hiện một số tiêu chí chưa đạt hoặc đạt nhưng chưa thật sự bền vững.

Theo kế hoạch, cuối năm nay xã Cam Thành Nam (Cam Ranh, Khánh Hòa) sẽ cơ bản đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Tuy nhiên, qua khảo sát, hiện một số tiêu chí chưa đạt hoặc đạt nhưng chưa thật sự bền vững.


Là một trong các xã thuần nông của TP. Cam Ranh, Cam Thành Nam (dân số hơn 5.200 người) có hơn 80% làm nghề nông nên đời sống còn nhiều khó khăn. Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư của các cấp, ngành từ tỉnh đến thành phố, đặc biệt là từ Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, kinh tế - xã hội ở Cam Thành Nam có bước phát triển đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/người/năm; người dân được đào tạo nghề và giải quyết việc làm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5% (năm 2013); các kết cấu hạ tầng - kỹ thuật (điện, đường, trường, trạm...) được đầu tư xây dựng mới, tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, lưu thông buôn bán. Nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả, cơ cấu cây trồng vật nuôi từng bước được chuyển đổi theo hướng sản phẩm hàng hóa, đạt giá trị kinh tế cao như: mô hình trồng táo Thái Lan, nuôi gà Lương Phượng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm củ kiệu, rong nho...

 

Chưa có công trình thủy lợi đảm bảo tưới tiêu là một trong những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Cam Thành Nam.  Ảnh: QUANG VIÊN
Chưa có công trình thủy lợi đảm bảo tưới tiêu là một trong những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Cam Thành Nam.


Ông Nguyễn Xuân Thu, Bí thư Đảng ủy xã Cam Thành Nam cho biết, hiện xã được tỉnh và thành phố chọn là 1 trong 2 xã điểm tập trung đầu tư hoàn thành mục tiêu XDNTM vào cuối năm 2014. Đây là điều kiện thuận lợi giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, nhưng đồng thời cũng là áp lực không nhỏ đối với các cấp chính quyền xã.


Đến nay, xã Cam Thành Nam đã hoàn thành 14 tiêu chí XDNTM gồm: quy hoạch, thủy lợi, điện, trường học, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, tỉ lệ lao động có việc làm, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, văn hóa, môi trường, an ninh - trật tự xã hội. 5 tiêu chí chưa đạt và sẽ được tập trung đầu tư, phấn đấu đạt trong năm nay gồm: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, y tế, hệ thống chính trị. Tuy nhiên, trong số các tiêu chí đạt chuẩn NTM của Cam Thành Nam có không ít tiêu chí tuy được công nhận nhưng vẫn chưa thật sự mang tính bền vững, chẳng hạn các tiêu chí: quy hoạch, thủy lợi, hộ nghèo, môi trường. Trong quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xã Cam Thành Nam vẫn còn thiếu quy hoạch chi tiết về sử dụng đất, khu dân cư mới... Trong khi đó, dù là một xã thuần nông, nước tưới vẫn đang là vấn đề nan giải của xã và chưa được giải quyết một cách triệt để. Ông Nguyễn Trung Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Hiện Cam Thành Nam có hơn 1.000ha đất sản xuất nông nghiệp (trồng mía, mì, táo, rau, củ, quả...), nhưng chỉ có hơn 50ha đất có nước tưới, còn lại chủ yếu nhờ vào nước trời. Theo ông Tiến, tuy xã đang có hệ thống thủy lợi từ kênh chính Nam nhưng chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của địa phương, hơn 90% diện tích đất đang thiếu nước tưới trầm trọng và điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.


Bên cạnh đó, một số tiêu chí chưa đạt đang được coi là vấn đề nan giải, vượt khả năng của địa phương. Cụ thể như tiêu chí chợ nông thôn, tuy nhiều năm nay Đảng ủy, chính quyền xã đã có nhiều tờ trình lên các cấp, ngành nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Về cơ bản, xã đã có quy hoạch mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu chợ nhưng không đủ nguồn vốn để đầu tư tiếp.


Địa phương cũng không kêu gọi được các doanh nghiệp bỏ vốn xây chợ vì các doanh nghiệp cho rằng khó thu hồi vốn hoặc không thật sự mang lại hiệu quả.


Giải pháp của Cam Thành Nam hiện nay là tiếp tục tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện chương trình XDNTM; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động các tổ chức, đoàn thể chung tay XDNTM. Mặt khác, tập trung rà soát các tiêu chí, tiêu chí nào đã được công nhận thì tiếp tục đầu tư, duy trì, tạo sự bền vững; tiêu chí nào chưa đạt hoặc gặp khó khăn, vượt tầm của địa phương thì đề nghị UBND tỉnh, thành phố hỗ trợ để việc thực hiện Chương trình XDNTM đạt hiệu quả.


AN NHIÊN