Bên cạnh nhận thức của người dân còn hạn chế, việc thiếu vốn đầu tư là khó khăn cơ bản tại huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh nhận thức của người dân còn hạn chế, việc thiếu vốn đầu tư là khó khăn cơ bản tại huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Huyện Khánh Sơn có 7 xã thực hiện chương trình XDNTM. Trong đó, Sơn Bình được chọn làm xã điểm của tỉnh, 2 xã Sơn Trung và Sơn Lâm được chọn là 2 xã điểm của huyện.
Thời gian qua, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của XDNTM; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về NTM cho cán bộ phụ trách chương trình; thực hiện các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân; phát động phong trào thi đua XDNTM trên địa bàn. Năm 2011-2012, huyện đã lồng ghép nguồn vốn XDNTM với nguồn vốn được phân cấp, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Giao thông, thủy lợi, nâng cấp chợ phục vụ người dân giao thương hàng hóa với tổng kinh phí khoảng 83 tỷ đồng. Đến nay, 7/7 xã trên địa bàn huyện đã hoàn thành công tác lập đề án và đồ án quy hoạch NTM. Toàn huyện có 1 xã là Sơn Bình đạt 9/19 tiêu chí; 2 xã Sơn Hiệp, Ba Cụm Bắc đạt 8 tiêu chí; 4 xã Thành Sơn, Sơn Lâm, Sơn Trung, Ba Cụm Nam đạt 7 tiêu chí. Các tiêu chí về điện, bưu điện, y tế, hệ thống chính trị, an ninh trật tự, 7/7 xã đều đạt chuẩn.
Tuy đã đạt những kết quả bước đầu nhưng vì là địa bàn miền núi, hơn 75% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn nên việc huy động vốn từ nhân dân hay các doanh nghiệp rất khó, thậm chí không huy động được nên kinh phí thực hiện NTM gần như phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách cấp. Bên cạnh đó, nhiều người dân chưa nhận thức được mục đích, ý nghĩa của chương trình này. Ông Phạm Văn Hân - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Cụm Nam cho biết: “Tuy chúng tôi đã tuyên truyền, vận động và triển khai đến từng thôn, xóm nhưng nhìn chung nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Thực tế, sức đóng góp của nhân dân trong quá trình thức hiện các tiêu chí NTM trên địa bàn xã rất ít, nhất là nguồn kinh phí gần như không có”.
Kênh mương nội đồng đang được xây dựng tại xã Ba Cụm Bắc. |
Hiện nay, việc thực hiện nhiều tiêu chí quan trọng thuộc lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn. Phần lớn cơ cấu lao động địa phương làm việc trong ngành Nông, Lâm nghiệp, không được đào tạo, trình độ canh tác lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên năng suất đạt thấp. Tại các xã chỉ có một số nhà vườn sản xuất theo mô hình trang trại nhưng quy mô chưa lớn, còn lại đa số người dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Do đó, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 8,5 triệu đồng/người/ năm, thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh (11,45 triệu đồng). Đây cũng là trở ngại lớn đối với Khánh Sơn trong việc thực hiện tiêu chí giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã khá cao, khoảng 25%. Ngoài ra, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia chỉ đạt hơn 78%; chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải, nước thải... nên tiêu chí về môi trường rất khó đạt chuẩn.
Theo ông Nguyễn Trọng Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo XDNTM huyện, vấn đề khó nhất đối với Khánh Sơn hiện nay là nguồn vốn được phân bổ cho địa phương hàng năm để XDNTM quá ít, riêng năm 2013 chỉ được phân bổ hơn 11 tỷ đồng nên rất khó thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra. Ông Lâm cho biết: “Để đảm bảo hoàn thành các tiêu chí theo kế hoạch, trước mắt, huyện chỉ đạo các xã tập trung ưu tiên thực hiện các tiêu chí quan trọng để phục vụ người dân sản xuất, cải thiện đời sống và làm tiền đề cho các tiêu chí khác như: Thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao, làm đường giao thông, thủy lợi, hệ thống nước sạch... Về nguồn vốn, cần huy động tối đa nguồn lực của địa phương, tiếp tục thực hiện lồng ghép nguồn vốn XDNTM với nguồn vốn phân cấp. Bên cạnh đó, nhân rộng các mô hình, sáng kiến hay trong XDNTM”.
Theo kế hoạch, đến năm 2015, Khánh Sơn có 1 xã (Sơn Bình) đạt 19/19 tiêu chí NTM, các xã còn lại đạt 13 - 16 tiêu chí. Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ thì địa phương cần phát huy nội lực của cộng đồng, chủ động huy động vốn trong nhân dân, kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn và các thành phần kinh tế cùng tham gia.
ĐINH LUẬN