11:12, 14/12/2012

Cơ sở cần phát huy tối đa nội lực

Nhiều địa phương “kêu” Nghị quyết  21 phân cấp vốn ngân sách cho cấp xã/huyện quá nặng, trong khi những người xây dựng nghị quyết lại cho rằng xã chưa làm hết trách nhiệm trong việc phát huy nội lực cộng đồng.

Nhiều địa phương “kêu” Nghị quyết (NQ) 21 phân cấp vốn ngân sách cho cấp xã/huyện quá nặng, trong khi những người xây dựng NQ lại cho rằng xã chưa làm hết trách nhiệm trong việc phát huy nội lực cộng đồng.

Ngày 29-6-2012, HĐND tỉnh Khánh Hòa ban hành NQ 21 về mức hỗ trợ vốn ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Tại thời điểm ban hành, hầu như các xã không góp ý về vấn đề này nhưng gần đây, khi chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư năm 2013 lại rộ lên nhiều ý kiến. 

Xã thấy nặng

Ông Nguyễn Đình Bá - Chủ tịch UBND xã Diên Phước (huyện Diên Khánh) cho rằng, NQ 21 bất cập trong việc phân cấp vốn ngân sách. Cụ thể: Về giao thông xóm, liên xóm, cấp xã phải lo 50% (trong đó huy động cộng đồng 20%); giao thông nội đồng, xã lo 40% (cộng đồng 10%). Điều này rất khó cho cấp xã. Trong khi đó, các tuyến giao thông thôn, liên thôn, liên xã hầu hết đã được đầu tư từ trước thì nay lại phân cấp cho tỉnh (tuyến liên xã: tỉnh lo 100%; tuyến thôn, liên thôn: tỉnh lo 60%), còn hệ thống giao thông xóm, nội xóm, nội đồng rất cần được đầu tư thì lại phân cấp nặng cho xã. Về lĩnh vực văn hóa, các xã hầu như chưa đầu tư được nhà văn hóa và khu thể thao xã, thôn đạt chuẩn, nay lại bị phân cấp quá nặng (nhà văn hóa xã: xã lo 50%; nhà văn hóa thôn: xã lo 100%). Diên Phước có 2 nhà văn hóa thôn là Phước Tuy 2 và Phò Thiện chưa được đầu tư. Nếu bình quân kinh phí đầu tư một công trình đạt chuẩn là 1 tỷ đồng thì phải cần 2 tỷ đồng; còn nhà văn hóa và khu thể thao xã bình quân 5 tỷ đồng/công trình (đủ 5 phòng chức năng) thì xã phải đối ứng 1/2 (tương đương 2,5 tỷ đồng). Nhiều lĩnh vực khác như: nước sạch; hệ thống thoát nước; chợ nông thôn… đều rất cần đầu tư nhưng cũng phân cấp cho xã quá nặng, trong khi thực lực tài chính của xã, của người dân cũng như việc vận động rất gian nan.

Nhiều địa phương “kêu” Nghị quyết (NQ) 21 phân cấp vốn ngân sách cho cấp xã/huyện quá nặng, trong khi những người xây dựng NQ lại cho rằng xã chưa làm hết trách nhiệm trong việc phát huy nội lực cộng đồng.

 Xây dựng nhà văn hóa thôn là công trình được phân cấp cho xã 100% (ảnh chụp tại xã Vạn Lương).

Theo bà Dương Thị Kim Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phú (huyện Vạn Ninh), NQ 21 nặng gánh cho xã trong việc đầu tư các công trình XDNTM. Hiện Vạn Phú chỉ có 1/6 thôn có nhà văn hóa, bình quân 0,7 - 0,8 tỷ đồng/công trình. Như vậy, xã làm sao có được 3,5 - 4 tỷ đồng để hoàn thành công trình nhà văn hóa thôn (phân cấp vốn xã 100%)? Về giao thông nông thôn, việc để xã lo 40 - 50% kinh phí là rất khó đạt mục tiêu. Hàng năm, nguồn phân cấp ủy quyền cho xã chưa quá 1 tỷ đồng, trong khi bán đấu giá quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng, mức điều tiết cho xã lại thấp (70%, theo Quyết định 800/QĐ-TTg). Xã lấy đâu kinh phí đầu tư cho các công trình XDNTM?

Ông Nguyễn Ta - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Cam Lâm cho rằng, NQ 21 đòi hỏi nguồn vốn đối ứng của cấp xã/huyện khá cao, không thể bảo đảm; trong khi đó, nguồn phân cấp ủy quyền cho cấp xã, cao nhất chỉ 1 tỷ đồng/năm, xã điểm là 3 tỷ đồng/năm, đòi hỏi xã đối ứng 1,2 tỷ đồng là rất khó.

Ông Lương Văn Sáu - Phó Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh cũng cho biết, ý kiến của các xã là đúng, hiện việc phân cấp vốn cho xã quá nặng, những hạng mục đã làm xong thì vốn tỉnh phân cấp nhiều, vốn xã phân cấp ít, còn những hạng mục chưa làm thì phân cấp vốn tỉnh ít, vốn xã nhiều. Tương tự, đối với cấp huyện, kinh phí huyện ít nhưng phải lo quá nhiều. Chỉ riêng các lĩnh vực xây dựng trụ sở UBND xã; các công trình trường học huyện được phân cấp tới 100%...

Cần phát huy nội lực

Tuy nhiên, ông Đào Công Thiên - Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, việc phân cấp vốn ngân sách theo NQ 21 không bất hợp lý. NQ 21 căn cứ theo tinh thần của Thông tư liên tịch số 26 của 3 Bộ: NN-PTNT, Kế hoạch - Đầu tư và Tài chính, trên cơ sở huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã), doanh nghiệp, nhân dân… Ông Thiên khẳng định: “Thông thường 10% đóng góp của dân được tính toán gộp từ nhiều nguồn huy động như: hiến đất làm đường, giám sát công trình, ngày công lao động… Nếu tính toán đầy đủ, con số này không nhỏ…”.

Cũng theo ông Thiên, với khả năng nguồn ngân sách tỉnh có hạn, NQ 21 được HĐND tỉnh ban hành nhằm huy động nguồn lực các cấp để tập trung XDNTM, bảo đảm đến năm 2015, có 20% xã đạt chuẩn NTM. NQ được áp dụng từ năm 2013. Dự kiến năm 2013, mức đóng góp của xã khoảng 30%, phù hợp với mức đóng góp trước đây. Phần đóng góp của người dân cũng rất ít, không quá 10%, các địa phương có thể vận động bằng ngày công, vật liệu, hiến đất… Trong năm 2013, UBND tỉnh giao Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM theo dõi sát sao việc tổ chức thực hiện NQ 21, nếu có khó khăn, vướng mắc, trình HĐND tỉnh sửa đổi, điều chỉnh kịp thời.

Ông Mai Hữu Thu - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh cho biết, khi soạn thảo, ban hành NQ 21, các ngành chức năng của tỉnh đều bám sát Thông tư liên tịch số 26 của 3 Bộ hướng dẫn thực hiện Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để xem xét, tính toán hợp lý theo tinh thần vấn đề nào lớn thì tỉnh, huyện lo, vấn đề nhỏ để xã lo. NQ 21 bắt đầu thực hiện từ năm 2013, nếu có vướng mắc, sẽ xem xét điều chỉnh cho phù hợp.

H.A