Một trong những yếu tố giúp phát triển đường giao thông nông thôn có hiệu quả là ngoài cân đối ngân sách xã đối ứng, huy động nguồn đóng góp của nhân dân...
Những năm qua, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã chú trọng triển khai việc kiên cố hóa giao thông nông thôn (GTNT) gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn.
Nhà nước và nhân dân cùng làm
Có mặt ở xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh vào những ngày cuối tháng 11, chúng tôi thấy con đường dẫn vào trụ sở UBND xã rộng khoảng 4m trải nhựa phẳng lỳ, sạch đẹp. Ông Nguyễn Giáo - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã hiện có gần 9km đường liên xã đã được kiên cố hóa bằng nhựa và bê tông; đường liên thôn hơn 12km, được kiên cố hóa gần 70%. Xã Vạn Lương cơ bản không còn những con đường lầy lội, gây khó khăn cho nhân dân trong đi lại. Có được kết quả đó là nhờ những năm qua, xã luôn tranh thủ sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia làm đường GTNT theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, nhờ đó, việc giải tỏa, hiến đất làm đường được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình. Cùng với việc chỉ đạo sát sao, cấp ủy xã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp ủy viên phụ trách địa bàn; UBND xã ban hành các văn bản hướng dẫn các thôn thành lập các tiểu ban liên quan; tiến hành đo đạc cụ thể, lập kế hoạch đăng ký làm đường GTNT. Đặc biệt, trong phát triển GTNT, xã luôn coi trọng thực hiện quy chế dân chủ. Nhân dân các thôn được trực tiếp tham gia bàn bạc, xây dựng kế hoạch và thực hiện giám sát cộng đồng trong xây dựng đường GTNT. Qua đó, khơi dậy tình đoàn kết, thống nhất, tạo sức mạnh toàn dân để đẩy mạnh phong trào kiên cố hóa GTNT.
Con đường bê tông xi măng mới nghiệm thu tại xã Vạn Lương được đầu tư từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. |
Một trong những yếu tố giúp phát triển đường GTNT có hiệu quả là ngoài cân đối ngân sách xã đối ứng, huy động nguồn đóng góp của nhân dân, UBND xã đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn XDNTM do cấp tỉnh, huyện phân bổ. Năm 2011, địa phương đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng từ vốn XDNTM cho việc đầu tư mới hệ thống thoát lũ, giải quyết tình trạng ngập úng khu dân cư liên thôn.
Hiệu quả từ nguồn vốn nông thôn mới
Không chỉ Vạn Lương, ở Vạn Ninh còn có một số xã cũng thực hiện tốt việc phát triển GTNT nhờ phát huy có hiệu quả phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm như: Xuân Sơn, Vạn Thọ...
Ở cấp huyện, việc phát triển kết cấu hạ tầng GTNT được địa phương phân kỳ đầu tư trong chương trình XDNTM. Nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng GTNT được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó nguồn vốn của chương trình XDNTM được đầu tư hợp lý. Đồng thời, địa phương tích cực vận động nhân dân đóng góp công sức, hiến đất làm đường mới và mở rộng đường cũ, tăng cường giám sát cộng đồng trong công tác kiên cố hóa GTNT.
Bà Nguyễn Thị Bạch Huệ - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vạn Ninh cho biết, nguồn vốn kiên cố hóa GTNT được đầu tư từ nguồn vốn phân cấp hàng năm của tỉnh phân bổ cho huyện, xã. Ngoài ra còn được bố trí vốn theo chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM nên đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện kiên cố hóa GTNT, tạo điều kiện phát triển kinh tế ở các địa phương.
Toàn huyện hiện có 529 tuyến giao thông với chiều dài 322km, trong đó đường nhựa 79km, bê tông xi măng 59km; đường giao thông liên xã, thôn hơn 290km. Chỉ tính 10 tháng năm 2012, huyện đã làm mới 1,4km, ước quý IV/2012 làm mới thêm 1,1km, đạt 100% so với năm 2011; nâng cấp, sửa chữa 11,4km, tăng 15% so với năm 2011.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng công tác duy tu sửa chữa đường GTNT. Theo đó, từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã dành 650 triệu đồng thực hiện công tác duy tu đường liên thôn, xã, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi. Để công tác quản lý GTNT ngày càng sát với thực tế, địa phương thường xuyên theo dõi cập nhật một cách có hệ thống những thay đổi, điều chỉnh chính sách trong công tác đầu tư; áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong công tác xây dựng cũng như bảo trì GTNT. Mặt khác, tăng cường sử dụng vật liệu mới, áp dụng công nghệ thi công tiên tiến, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương nhằm đảm bảo chất lượng công trình.
Chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác xây dựng đường GTNT trên địa bàn, bà Huệ cho biết: Thứ nhất, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho chủ đầu tư về hoạt động xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện giúp chủ đầu tư tổ chức hoạt động quản lý chất lượng công trình xây dựng; tư vấn kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh từ khâu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đến khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng. Ngoài ra, Phòng có trách nhiệm giúp, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, tham mưu cho UBND huyện lập danh sách cán bộ huyện, xã phụ trách giao thông, quy hoạch, xây dựng tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ đầu tư xây dựng cơ bản.
Nhờ huy động được sức dân, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng GTNT với XDNTM, việc phát triển GTNT đã và đang góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở Vạn Ninh.
Tổng kinh phí đầu tư 10 tháng năm 2012 cho GTNT trên địa bàn huyện đạt hơn 44 tỷ đồng, ước cả năm đạt hơn 66 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2011. Nguồn vốn xây dựng các công trình GTNT gồm các nguồn vốn phân cấp ủy quyền, vốn cấp quyền sử dụng đất, vốn kích cầu, vốn đóng góp của nhân dân, vốn nông thôn mới. Trong đó, vốn nông thôn mới đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tính đến hết tháng 11 là gần 16 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh phân bổ cho địa phương hơn 10 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 1,2 tỷ đồng, ngân sách xã 3,5 tỷ đồng.
MẠNH HÙNG