Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ ở nông thôn, gắn với mục tiêu giảm nghèo và tiếp sức xây dựng nông thôn mới....
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ ở nông thôn, gắn với mục tiêu giảm nghèo và tiếp sức xây dựng nông thôn mới (XDNTM), những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT).
Lao động nông thôn phấn khởi tham gia
Trước thực trạng LĐNT chưa đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho LĐNT, hướng đến XDNTM. Theo khảo sát của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có hơn 31.000 LĐNT có nhu cầu cần được đào tạo, dạy nghề phù hợp với điều kiện, trình độ của bản thân. Trên cơ sở đó, các ngành chức năng đã xác định được danh mục hơn 40 nghề phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Tham gia học nghề, LĐNT được lựa chọn những nghề thích hợp với điều kiện và năng lực của mình; được chọn thời gian học linh động nên không ảnh hưởng đến công việc đang làm. Các lớp dạy nghề ngắn hạn được mở ngay tại địa phương, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người học. Người học được ưu tiên giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp, tổ chức và được ưu tiên vay vốn giải quyết việc làm…”.
Dạy nghề cho lao động nông thôn tại Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa. |
Với những chính sách ưu đãi, cùng với công tác tuyên truyền sâu rộng nên nhận thức của người dân dần được nâng cao. Đông đảo người LĐ đã tham gia học nghề. Chị Nguyễn Thị Trúc Mai (xã Diên Phú, huyện Diên Khánh) đang tham gia lớp may tại Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh cho biết: “Nhà nghèo nên tôi phải bỏ học đi làm thuê, nhưng công việc thất thường, thu nhập bấp bênh. Được cán bộ xã vận động đi học nghề theo khả năng, không phải đóng học phí và sẽ có việc làm ngay khi tốt nghiệp nên tôi đăng ký theo học lớp may công nghiệp. Thời gian học tại đây, tôi không phải đóng học phí mà còn được nhà trường hỗ trợ tiền ăn với mức 15 ngàn đồng/ngày học. Với những điều kiện thuận lợi như vậy, tôi sẽ cố gắng học tập tốt để trở thành một công nhân thành thạo trong lĩnh vực may mặc...”.
Tạo nguồn nhân lực chất lượng cho nông thôn
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương, năm 2012, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 24.000 người, trong đó hệ cao đẳng nghề 1.338 người, trung cấp nghề 2.962 người, sơ cấp nghề 11.273 người, dạy nghề thường xuyên 8.506 người. Bên cạnh đó, triển khai Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020, toàn tỉnh đã mở được 123 lớp dạy nghề cho 3.844 người, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 6,6 tỷ đồng. Các ngành nghề chính được đào tạo gồm: nuôi gà thả vườn, trồng nấm bào ngư, nuôi cá, may công nghiệp, nấu ăn, nuôi tu hài... Đặc biệt, trên 80% LĐNT sau học nghề đã có việc làm ổn định.
Ông Mai Xuân Trí nhận định: “Thành công của đào tạo nghề cho LĐNT sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết lao động dư thừa, thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo đúng quy hoạch, đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Đồng thời, góp phần chuẩn hóa trình độ cho đội ngũ cán bộ công chức xã về mặt chuyên môn nghiệp vụ phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hiệu quả của đào tạo nghề cho LĐNT sẽ tạo ra sức bật mới cho LĐNT, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và tiếp sức XDNTM”.
Với mục tiêu chuyển mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu học của LĐNT và yêu cầu của thị trường, gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, năm 2013, các cấp, ngành sẽ tập trung đào tạo các nghề trọng điểm nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, tập trung đào tạo những nghề phục vụ cho vùng chuyên canh, sản xuất hàng hoá, chế biến nông lâm thủy sản, công nghệ sau thu hoạch, các nghề truyền thống...; tạo điều kiện cho LĐNT tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp theo tiêu chí XDNTM.
VĂN GIANG