Tự nguyện hiến đất xây dựng đê kè phòng, chống lụt bão (PCLB) là việc làm ý nghĩa mà nhân dân vùng hạ lưu sông Dinh (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã thực hiện nhiều năm nay. Điều này rất cần được phát huy để xây dựng nông thôn mới.
Tự nguyện hiến đất xây dựng đê kè phòng, chống lụt bão (PCLB) là việc làm ý nghĩa mà nhân dân vùng hạ lưu sông Dinh (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã thực hiện nhiều năm nay. Điều này rất cần được phát huy để xây dựng nông thôn mới.
Không còn lo lắng
Được nhìn những đoạn kè kiên cố, khang trang dọc hai bờ sông Dinh mới thấy công tác xây dựng đê kè PCLB tại vùng hạ du này có ý nghĩa to lớn như thế nào. Hơn ai hết, những người hưởng lợi từ công trình này thấm thía nhất giá trị của từng thước đất mà họ đã hiến tặng. Ông Trần Năng (thôn Hội Phú Nam, Ninh Phú) chia sẻ: “Tôi hiến hơn 400m2 đất (chiều dài tổng cộng hơn 32m), đổi lại, tôi có những ngày ăn ngon, ngủ yên, không lo lắng mỗi khi sông Dinh hung dữ”. Đối với gia đình ông, những thước đất vườn có lợi ích đáng kể, mỗi tháng cho thu nhập 2 triệu đồng từ tiền bán rau. Nhưng ông tự nguyện hiến đất mà không hề đòi hỏi quyền lợi gì khi biết Nhà nước triển khai xây dựng kè. Từ ngày có kè, mùa lũ, gia đình ông yên tâm hơn, không lo sơ tán. Mỗi chiều tà, ông Năng có thời gian dạo mát, ngắm cảnh.
Có kè kiên cố, ông Năng không còn lo lũ về. |
Ông Lê Nga (Hội Phú Nam), 79 tuổi, đã vài lần thấy cán bộ đến vận động nhân dân hiến đất xây dựng đê kè tại Ninh Phú - vùng đất thấp trũng thường xuyên bị uy hiếp mỗi khi lũ về. Cũng như ông Năng, hiến đất cho Nhà nước đồng nghĩa ông “mất không” hơn 300m2 đất vườn ven sông, nơi có nguồn thu từ 450 cây tre, mỗi năm đem về cho ông 3 - 4 triệu đồng. “Có kè rồi, không phải lo lũ lụt tàn phá. Nước ở đây vào mùa lũ hung dữ lắm. Trước, tôi phải bỏ ra cả trăm triệu đồng để đóng cừ nhiều lần mới giữ được đất. Đêm lụt vẫn phập phồng, mặc áo mưa đi kiểm tra suốt. Giờ có kè rồi, an toàn hơn, ngủ ngon hơn…”, ông Nga trải lòng.
Không chỉ ở Ninh Phú, Ninh Giang cũng có nhiều hộ dân hiến đất vườn nhà để làm công trình đê kè PCLB mà không hề so đo, tính toán. Anh Nguyễn Toàn (Hội Thành) cho biết, anh có 240m2 đất nhưng khi Nhà nước vận động làm kè, gia đình anh chỉ còn lại hơn 100m2 nhưng không còn lo chạy lũ nữa.
Tiếp tục triển khai
Hàng ngàn mét đê kè dọc bờ sông Dinh đi qua các xã, phường: Ninh Hiệp, Ninh Phú, Ninh Giang… được kiên cố hóa từ nhiều năm nay thông qua các dự án đã đem lại niềm vui cho bà con hai bờ sông. Và cũng có hàng trăm hộ dân đồng lòng hiến đất vườn, thậm chí nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối - là nguồn lợi trước mắt của họ, để cho cuộc sống bền vững mai sau.
Ông Nguyễn Văn Tôn - Giám đốc Trung tâm Quỹ đất thị xã Ninh Hòa cho biết, những năm qua, hàng loạt công trình, dự án chống xói lở hai bờ sông Dinh triển khai tại các xã, phường vùng hạ du đã huy động sức dân đóng góp hàng chục héc-ta đất thông qua việc vận động hiến đất làm công trình. Dự án đi qua Ninh Phú và Ninh Giang đã thu hút 139 trường hợp hiến đất với diện tích gần 2ha; tại Ninh Hiệp, có 188 trường hợp với diện tích giải tỏa hơn 36.000m2. Thời gian tới, một số đoạn sẽ tiếp tục thi công, các xã lại vận động bà con hiến đất.
Ông Tô Mỹ Khánh - Chủ tịch UBND xã Ninh Phú cho biết, đến nay, dự án chống xói lở bờ sông Dinh đã 7 lần vận động người dân tại các xã, phường dọc bờ sông Dinh như Ninh Hiệp, Ninh Đa, Ninh Giang, Ninh Phú… và hiện dự án vẫn tiếp tục thực hiện. Chỉ riêng Ninh Phú, đã kiên cố khoảng 2/4km bờ sông, có 102 hộ liên quan, diện tích giải tỏa hơn 2,6ha.
Có thể nói, công trình xây dựng đê kè, chống xói lở hai bờ sông Dinh đã được chính quyền các cấp của Ninh Hòa triển khai quyết liệt từ nhiều năm qua, thu được thành công lớn thông qua công tác vận động giải tỏa, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Công trình đã huy động sức đóng góp rất lớn của người dân thông qua việc tự nguyện hiến đất làm đê kè. Thời gian tới, nhiều công trình, dự án kiên cố đê kè sông Dinh sẽ tiếp tục trên một số đoạn, tuyến, và vẫn cần người dân hai bờ hiến đất để xây dựng công trình.
Việc hiến đất, xây dựng đê kè, PCLB đã góp phần phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới tại vùng hạ du sông Dinh.
H.A