Thiếu vốn đầu tư, chưa có định biên và nhận thức của người dân, cán bộ còn hạn chế là 3 trở ngại cơ bản trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay tại TP. Cam Ranh.
Thiếu vốn đầu tư, chưa có định biên và nhận thức của người dân, cán bộ còn hạn chế là 3 trở ngại cơ bản trong quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) hiện nay tại TP. Cam Ranh.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, TP. Cam Ranh có 6 xã thực hiện chương trình gồm: Cam Thành Nam, Cam Bình, Cam Thịnh Tây, Cam Thịnh Đông, Cam Phước Đông và Cam Lập, trong đó Cam Thành Nam, Cam Bình và Cam Thịnh Tây là 3 xã điểm và Cam Thành Nam là xã tập trung đầu tư.
Kết quả bước đầu
Thời gian qua (2010 - 2012), nguồn vốn từ ngân sách (Trung ương, tỉnh, thành phố) đã đầu tư cho 6 xã 103 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí về hạ tầng, gồm: 84 tuyến giao thông nông thôn; 23km kênh mương, kè thoát lũ; hệ thống lưới điện; 55 công trình phòng học, 7 nhà vệ sinh trường học; 4 nhà thi đấu đa năng, 2 thiết chế văn hóa thôn; nâng cấp chợ; hỗ trợ xóa 140 nhà tạm... Thành phố cũng đầu tư phát triển sản xuất, thực hiện các chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất mới; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; xây hầm biogas; hỗ trợ giống, vật tư, phân bón cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thành lập các tổ liên kết sản xuất lúa giống, rau, mía giống, nuôi trồng thủy sản...; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt; hỗ trợ giảm nghèo... Đến nay, các xã đã triển khai lập quy hoạch nông thôn mới, 1 xã vướng quy hoạch (Cam Thịnh Đông), 5 xã còn lại đã phê duyệt đề cương và đang triển khai nhiệm vụ quy hoạch. Đề án XDNTM cấp xã đã thông qua HĐND xã và UBND thành phố phê duyệt. Đề án cấp huyện cũng đã được UBND thành phố ban hành.
Cam Ranh đang tập trung đầu tư vào những tiêu chí “nền” trong xây dựng nông thôn mới. Trong ảnh: Thi công Trường Mẫu giáo xã Cam Phước Đông. |
Tuy nhiên, kết quả rà soát các xã XDNTM cho thấy, các tiêu chí đạt được còn thấp. Cụ thể: Xã Cam Thành Nam đạt 7 tiêu chí; Cam Thịnh Đông: 7 tiêu chí; Cam Bình: 6 tiêu chí; Cam Lập: 5 tiêu chí; Cam Phước Đông: 4 tiêu chí và Cam Thịnh Tây: 3 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt tập trung vào các lĩnh vực: quy hoạch, giao thông, thủy lợi, trường học, văn hóa, chợ, thu nhập, nhà ở dân cư, hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất và môi trường...
Cần giải pháp đồng bộ
Theo ông Lê Hoàng Phước - Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình XDNTM thành phố, khó khăn hiện nay là nhận thức của người dân về chương trình còn hạn chế; cán bộ Đảng, chính quyền cấp xã còn ỷ lại, trông chờ vào nguồn vốn ngân sách; nguồn vốn đầu tư XDNTM còn nhiều khó khăn. Hạ tầng đô thị Cam Ranh chưa được đầu tư đầy đủ khi nâng cấp lên thành phố nhưng lại phải chia sẻ kinh phí cho Chương trình XDNTM. Thời gian qua, vốn phân cấp cho các xã rất hạn chế, bình quân 0,6 - 1,1 tỷ đồng/xã/năm. Với mức vốn này, mỗi xã chỉ xây dựng được vài công trình/năm. Ngoài ra, việc thiếu cán bộ định biên làm công tác XDNTM cấp thành phố và cấp xã, đặc biệt là người có trình độ đại học, cao đẳng về nông nghiệp, cũng là yếu tố làm chậm tiến độ XDNTM.
Để giải quyết khó khăn trên, ông Phước cho rằng, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, làm thay đổi nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về XDNTM (Thành ủy có văn bản chỉ đạo đến các tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn; ngành Văn hóa thông tin xây dựng kế hoạch tuyên truyền; phối hợp Văn phòng Điều phối tỉnh mở lớp cho báo cáo viên, tuyên truyền viên, biên soạn tài liệu, tuyên truyền trực quan...). Bên cạnh đó, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là những tiêu chí làm tiền đề phát triển cho những tiêu chí khác như: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa... Đồng thời, tìm các mô hình sản xuất phù hợp, cho thu nhập cao làm tiền đề phát triển sản xuất như: trồng dừa Xiêm, nuôi bồ câu Pháp, trồng măng Tây... Cùng với đó, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiêm nhiệm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực tham mưu, điều hành...
H.A