12:10, 27/10/2012

Còn nhiều vướng mắc

Huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn đầu, huyện tập trung cho công tác xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên, công tác này đang gặp vướng mắc trong vấn đề huy động vốn đối ứng cho công trình, cơ chế quản lý, điều hành và nhân sự cơ quan điều phối.

Huyện miền núi Khánh Sơn đang triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Giai đoạn đầu, huyện tập trung cho công tác xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên, công tác này đang gặp vướng mắc trong vấn đề huy động vốn đối ứng cho công trình, cơ chế quản lý, điều hành và nhân sự cơ quan điều phối.

Huyện Khánh Sơn có 7 xã XDNTM gồm: Thành Sơn, Sơn Lâm, Sơn Bình, Sơn Hiệp, Sơn Trung, Ba Cụm Bắc và Ba Cụm Nam. Trong đó, Sơn Bình được chọn làm xã điểm. Do trước đây huyện chọn Ba Cụm Bắc và Sơn Lâm làm xã điểm nên trong năm 2010 - 2011, các công trình XDNTM (nguồn phân bổ ngân sách tỉnh) đều tập trung ở 2 xã này. Năm 2011, huyện đầu tư cho xã Sơn Lâm hơn 4,2 tỷ đồng thực hiện các công trình như: Đường khu dân cư thôn Cam Khánh, đường khu dân cư thôn Du Oai; nhà văn hóa, thể thao; nâng cấp chợ xã. Còn tại xã Ba Cụm Bắc, huyện đầu tư hơn 3,3 tỷ đồng thực hiện các công trình: Xây dựng điểm trường Dốc Trầu, điểm trường Mầm non Sao Mai, các tuyến đường bê tông xi măng…

Năm 2012, huyện dự kiến đầu tư 5,24 tỷ đồng, trong đó tập trung cho xã Sơn Bình (xã điểm) 2 tỷ đồng thực hiện tuyến đường thôn Liên Hòa, xây dựng chợ xã. Còn lại, huyện sẽ đầu tư cho các xã khác (mỗi xã 540 triệu đồng). Ông Nguyễn Trọng Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện cho biết, các xã trên địa bàn huyện đang tiến hành quy hoạch. Thời gian qua, huyện tập trung vào công tác tuyên truyền XDNTM; phổ biến chủ trương, cơ chế, chính sách về XDNTM; xây dựng bộ máy quản lý, điều hành các cấp; lập hồ sơ thiết kế các công trình xây dựng cơ bản thực hiện các tiêu chí XDNTM… Hiện nay, đề án XDNTM cấp xã đã cơ bản hoàn thành, thông qua HĐND xã và trình UBND huyện phê duyệt.

Xây dựng
Xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn tại xã Ba Cụm Bắc là một trong những điều kiện nhằm hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, việc triển khai XDNTM ở huyện miền núi Khánh Sơn cũng đang bộc lộ nhiều vướng mắc liên quan đến nguồn vốn xây dựng hạ tầng nông thôn mới; cơ chế quản lý, điều hành và nhân sự cơ quan điều phối. Theo ông Lâm, khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn vốn. Khánh Sơn là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nguồn thu không đáng kể nên việc huy động nguồn lực từ nhân dân rất hạn chế. Với việc phân bổ kinh phí XDNTM như hiện nay (mỗi năm bình quân 540 triệu đồng/xã) sẽ rất khó để hoàn thành các tiêu chí, đặc biệt là các tiêu chí về đầu tư xây dựng hạ tầng. Đến năm 2015, xã điểm Sơn Bình rất khó hoàn thành đủ 19 tiêu chí nông thôn mới. Theo phân cấp nguồn vốn (Nhà nước 70%, nhân dân 30%), Khánh Sơn sẽ rất khó có đủ vốn đối ứng để thực hiện các dự án hạ tầng. Mặt khác, các xã ở huyện Khánh Sơn đều nghèo, ngân sách hỗ trợ 100%. Vì vậy, nếu đòi hỏi vốn đối ứng cao để đầu tư các công trình hạ tầng sẽ rất khó khăn.

Hiện nay, việc quản lý, điều hành Chương trình XDNTM cũng còn nhiều bất cập. Các nguồn vốn XDNTM còn đan xen, dàn trải, không tập trung nên rất khó quản lý. Thông tin về các kênh vốn XDNTM cũng không được thông báo đến cơ quan chủ quản. Cơ quan điều phối Chương trình XDNTM của huyện là Phòng NN-PTNT khó nắm bắt được các thông tin về nguồn vốn XDNTM để có kế hoạch đầu tư, phân bổ cho hợp lý. Về nhân sự cơ quan điều phối cấp huyện, đến nay, vẫn chưa có cán bộ chuyên trách về nông thôn mới nên khó theo dõi, triển khai các hoạt động XDNTM.

Có thể thấy, khó khăn ở huyện Khánh Sơn cũng là vướng mắc chung của nhiều địa phương trong tỉnh. Đối với huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh nên xem xét lại việc huy động vốn đối ứng, có cơ chế đặc thù cho vùng khó khăn. Ngoài ra, cơ quan điều phối cấp huyện cũng cần có quyền hạn giống như văn phòng điều phối cấp tỉnh, mọi vấn đề liên quan đến XDNTM đều thông qua cơ quan này…

HOÀI AN