12:10, 27/10/2012

Cần vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới

 Vĩnh Phương là xã có tỷ lệ đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thấp. Tiến độ xây dựng nông thôn mới ở đây đang chậm so với các địa phương khác. Trong quá trình thực hiện, địa phương cũng gặp nhiều khó khăn.

Vĩnh Phương là xã có tỷ lệ đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM) thấp. Tiến độ XDNTM ở đây đang chậm so với các địa phương khác. Trong quá trình thực hiện, địa phương cũng gặp nhiều khó khăn.

Nhiều tiêu chí chưa đạt chuẩn

Việc XDNTM trên địa bàn xã Vĩnh Phương bắt đầu từ năm 2010. Theo thống kê, xã đã đạt 10/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới. Đó là: nhà ở dân cư, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, hệ thống giáo dục, y tế, hệ thống chính trị, hệ thống điện lưới quốc gia, bưu điện và an ninh trật tự.

Bên cạnh những mặt đạt được, đến thời điểm này, xã mới chỉ có quy hoạch chi tiết về sử dụng đất đai, còn quy hoạch về phát triển hạ tầng và phát triển dân cư chưa có. XDNTM ở xã Vĩnh Phương mới trong giai đoạn trình quy hoạch lên cấp có thẩm quyền xem xét. Mặt khác, hiện nay, giao thông trên địa bàn xã chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Đường vào các khu dân cư nhiều nơi vẫn còn lầy lội vào mùa mưa; còn 8.075m đường đất chưa được cứng hóa. Hệ thống thủy lợi mới tạm đáp ứng nhu cầu phục vụ tưới tiêu, nhiều đoạn kênh mương chưa được kiên cố hóa. 2 trường tiểu học và trường mầm non chưa đạt chuẩn quốc gia. Toàn xã còn thiếu 3 nhà văn hóa thôn, còn khu thể thao hiện phải xây dựng lại. Xã cũng chỉ có 1/6 thôn đạt thôn văn hóa. Nghĩa trang chưa được xây dựng theo quy hoạch. Một số cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp đóng trên địa bàn xã chưa đạt tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, ở một số khu vực còn xả nước thải gây ô nhiễm. Hệ thống chợ chưa đáp ứng được nhu cầu mua bán của người dân. Đặc biệt, đời sống, thu nhập của người dân còn khá thấp. Mức thu nhập bình quân chỉ đạt 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng, bằng 50% so với yêu cầu…

Người dân Vĩnh Phương lâu nay vẫn quen  sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống, chưa hình dung cụ thể chương trình xây dựng nông thôn mới như thế nào.
Người dân Vĩnh Phương lâu nay vẫn quen  sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống, chưa hình dung cụ thể chương trình xây dựng nông thôn mới như thế nào.

Chính vì thế, từ nay đến năm 2015, xã còn rất nhiều hạng mục và công trình cần khẩn trương thực hiện như: Nâng cấp 4 phòng học, 1 phòng chức năng, trang bị 50 bộ bàn ghế cho trường mẫu giáo của xã, xây dựng tường rào cho trường mẫu giáo thôn Đắc Lộc; xây dựng thêm 3 nhà văn hóa ở 3 thôn: Đông, Như Xuân, Vĩnh Thành và xây dựng khu thể thao xã. Ngoài ra, xã cần quy hoạch lại, bổ sung và xây dựng nhiều công trình mới về giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, văn hóa, môi trường và chuyển đổi mô hình sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập của người dân… Dự kiến, tổng mức đầu tư cho chương trình XDNTM hơn 127 tỷ đồng.

Khó khăn trong triển khai

Vĩnh Phương là xã thuần nông với hơn 55% dân số làm nông nghiệp, đời sống còn khá thấp. Bộ phận dân cư còn lại làm trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và lao động tự do, đời sống cũng bấp bênh, chưa ổn định. Thu nhập bình quân của người dân trong xã hiện chỉ bằng 50% so với mức thu nhập theo quy định chung của tỉnh. Bà Nguyễn Thị Tuyết - Chủ tịch UBND xã cho biết: Do đời sống người dân còn thấp nên việc XDNTM gặp nhiều khó khăn. Ngoài chậm quy hoạch, nguồn vốn có hạn, phải hoàn thiện quá nhiều tiêu chí chưa đạt chuẩn…, xã còn gặp khó trong việc nâng cao mức sống cho nông dân. Trong khi đó, việc quan trọng nhất của XDNTM là nâng cao toàn diện đời sống của nông dân. Các phương án mở lớp dạy nghề, tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đã được xã tính tới. Tuy nhiên, trên địa bàn xã, về trồng trọt và chăn nuôi đều không có mô hình nào nổi bật. Hiện nay, xã có hơn 210ha đất chỉ chuyên trồng lúa 2 vụ, 102ha đất trồng rau màu, chăn nuôi hỗn hợp. Vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khó có sự đột phá. Xã sẽ gặp khó khăn trong tìm kiếm, xác định mô hình sản xuất mới, hiệu quả.

Mặt khác, người dân thuần nông bao đời đã quen với bờ ao, góc ruộng, chưa hình dung cụ thể chương trình XDNTM như thế nào nên còn dao động trong việc cùng chính quyền thực hiện một số chương trình có ảnh hưởng trực tiếp và trước mắt đến đời sống, quyền lợi của họ (như: dồn diền đổi thửa, quy hoạch đất đai, chuyển đổi mô hình sản xuất…). Chính vì vậy, trong thời gian tới, ngoài việc tạo điều kiện của chính quyền cấp trên, các ban, ngành, đoàn thể địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về lợi ích của việc XDNTM, tranh thủ sự ủng hộ và đồng thuận cao của người dân. Chương trình XDNTM của xã có đẩy nhanh được tiến độ, thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự đóng góp công sức và ủng hộ của người dân địa phương.

MINH THIẾT